“Mẹ mày cứ hay chê cô chóng quên, cứ thử xa con như cô xem. Nhiều lúc đang làm gì mà nghĩ đến con ở nhà là nước mắt cứ chảy ra, thế thì còn nhớ được cái gì.”
Cô Minh hay nói như thế, mỗi khi bị mẹ tôi cằn nhằn là cô đi chợ mua thiếu quả chanh, hay mớ rau thơm làm gia vị cho món ăn nào đó trong bữa cơm chiều. Mẹ tôi thì bảo, cô này đầu óc lúc nào cũng như trên mây, dặn cái gì cũng phải viết ra giấy, không thì quên sạch.
Cô Minh đến nhà tôi cách đây 6 năm, từ đó đến nay là người chăm sóc cho bà nội tôi bị đột quỵ từ năm 2007. Cô là một trong những người đầu tiên ở làng đi Hà Nội làm giúp việc. Cô có bốn đứa con gái, nhưng không phải do chồng ham con trai như thường thấy. Sau khi đứa con gái lớn ra đời, cô đẻ sinh đôi liền hai đứa sau, và khi có thai đứa út, ra trạm xá khám mấy lần người ta còn bảo cô có khối u và tống vào người bao nhiêu thuốc kháng sinh, chứ không phải có bầu, nên đến lúc muốn bỏ cũng không được nữa vì thai đã quá lớn. Cô hay xót xa đứa con gái út gầy nhẳng, lại hay ốm đau dặt dẹo vì khi sinh nó cô đã lớn tuổi, lại thuốc thang triền miên. Nhà nghèo, không có tiền nuôi con, cô đánh liều đi theo một người phụ nữ trong xã đã dắt mối cho mấy người khác lên Hà Nội kiếm việc. “Lúc đấy cô không sợ bị bán đi à?” – “Có chứ, cô bảo con mẹ đấy là, mày biết nhà tao ở đây nhớ, nếu mày bán tao đi, tao mà trốn ra được thì tao sẽ đốt nhà mày.”
Quyết định đi Hà Nội giúp việc trong khi chưa bao giờ đặt chân đến thành phố Việt Trì (cô Minh ở Phú Thọ) là một trong những cố gắng giãy giụa để không bị cuộc đời đè bẹp dí như thế. Trước đó cô Minh đã nhiều năm gò lưng đạp con xe cũ nát khắp làng khắp xóm để thu mua sắt vụn của người ta, lại có một cái giỏ lủng lẳng đựng ốc cô mò được từ lúc tờ mờ sáng. Vừa mua sắt, vừa bán ốc nuôi con. Rồi ngoài trồng mấy sào lúa, cô cũng trồng chè trên những ngọn đồi trung du thoai thoải đất cằn cỗi. Búp chè non phải hái khi còn sớm, mặt trời chưa làm những giọt sương đêm mát lạnh bốc hơi nên lá chè vẫn còn tươi, nhiều khi mấy mẹ con gù lưng hái cả buổi sáng được 10kg chè tươi mới sấy được 1kg chè khô để bán cho lái buôn đến thu mua.
“Lúc cô đi thì mấy đứa con vẫn còn bé tí, còn chưa biết đọc biết viết. Lần nào về đứa con út cũng cuốn lấy, cô đi ra sân nó cũng ra sân, cô vào nhà nó cũng vào nhà, trước hôm mẹ đi đêm nằm ngủ khóc sưng cả mắt, rồi cô bảo khóc như thế thì mẹ đi không may mắn đâu, vậy là sáng hôm sau mắt vẫn sưng, nước mắt chảy ra thành dòng thế này, nhưng nó vẫn cố cười toe toét xong nói rõ to: “Mẹ đi may mắn nhé!” – Về nhà thấy con lem luốc mày ạ, dù gì con ở với bố cũng không bằng ở với mẹ. Mỗi lần cô về là phải lôi nó ra tắm rửa, giặt giũ, rồi bôi thuốc diệt chấy. Con nhà mình ở sạch nhưng chơi với con nhà hàng xóm lại lây chấy của chúng nó, gãi sồn sột toác cả da đầu.”
Cô Minh là một người phụ nữ nông thôn, nhưng không phải kiểu hiền lành cam chịu như đại đa số những người phụ nữ nông thôn khác. Cô vật lộn với cuộc sống, giằng co với hoàn cảnh, làm tất cả những gì có thể để vượt lên những trở ngại mà cuộc sống quăng vào mình. Nói theo cách thông thường là có nghị lực, còn nói theo kiểu ngôn ngữ xã hội học, thì cô là một cá nhân luôn cố gắng xé toang những rào cản mà hoàn cảnh xã hội đặt cô vào.
Cô Minh rất hay kể chuyện, mỗi lần tôi xuống bếp lấy nước mang lên phòng uống là cô sẽ rổn rảng kể về con cái cho tôi nghe. Những đứa con gái ngoan ngoãn, học giỏi nhưng vì nhà không có tiền nên phải nghỉ học sớm, nhìn bạn bè đến trường mà khóc hết nước mắt. Cô còn kể về những người trong gia đình nhà chồng, đối xử với cô như người dưng nước lã, về bà mẹ chồng nói với cô là “Mày làm khổ con tao”, trong khi chồng cô uống rượu, đánh vợ, không làm ra tiền. Cô kể về những gia đình cô đã đi làm trước đó, những người khám túi, nắn áo trước khi cô ra bến xe về quê, hay những người tốt bụng cho cô tiền để mang về đóng học cho con.
Thỉnh thoảng, khi đang say sưa kể, mắt sáng long lanh, cô đột ngột dừng lại và tẽn tò bảo “Ở quê bọn cô ít học nên toàn xưng mày tao, chứ ít khi gọi cô cháu, nhiều khi cứ quên mất đấy.” Tôi vội vàng xua tay, “Không sao, không sao, cô cứ kể tiếp đi”. Và cô Minh sẽ tiếp tục kể những câu chuyện sống động đến nỗi tôi cảm thấy mình biết cả những người họ hàng cô, hình dạng, câu nói và tính cách của mỗi người. Người nào hiền lành nhưng thiển cận, người nào hung hăng và lỗ mạng, người nào khéo léo nhưng nham hiểm. Nhiều khi cô tường thuật cả những cú đá song phi hạ gục một gã đàn ông định bắt nạt cô vì thấy đàn bà đơn độc, và tôi lờ mờ hiểu ra những người nông dân sống như thế, không có báo đài hay Internet, nhưng họ có những câu chuyện phong phú và rực rỡ hơn nhiều.
Có lần cô Minh nhờ tôi xem hộ số tiền còn lại trong tài khoản điện thoại. Tôi hơi giật mình khi nhìn thấy một dòng chữ ở màn hình chờ: “I love you Anh”. Anh là tên con gái út của cô, lúc đó lên 5 tuổi. Tôi không biết ai đã ghi hộ cô câu tiếng Anh đấy, và nó đóng vai trò gì trong nỗi nhớ con dày vò người mẹ đã luôn tự trách mình khi bỏ lại đàn con nhỏ để đi giúp việc kiếm tiền bao nhiêu năm nay.
Có những hình ảnh khi nhìn thấy tôi biết mình sẽ không bao giờ quên. Và dòng chữ tiếng Anh trên chiếc Nokia màn hình đen trắng dán băng dính chằng chịt– kết nối duy nhất của cô với gia đình ở xa hơn 100km – chỉ cần nó reng lên một tiếng là cô sẽ nhảy dựng lên vồ lấy thật nhanh dù đang ở đâu và làm gì, là một dạng biểu tượng vừa lạ lùng vừa ám ảnh, lại có chút xót xa vì sự thành thật không thể ngờ tới của nó.
Cô Minh rất mạnh mẽ. Vì không còn đường nào để nuôi con, cô quyết tâm để bốn đứa lại, một mình đi theo người lạ đến một vùng đất xa xôi. Từ Hà Nội đến Phú Thọ, những ngày điện thoại di động chưa phổ biến, những chuyến xe khách lòng vòng cả ngày mới đến nơi, khi thả xuống thì cô đã rũ rượi như tàu lá chuối vì say xe. Lúc đó mấy đứa con gái lớn bắt đầu đi học, biết viết chữ nguệch ngoạc thỉnh thoảng biên cho cô lá thư, phải vài tháng sau mới đến. Và cái giá của quyết tâm ấy, cô lúc nào cũng day dứt vì mình đã bỏ lại con. Nỗi day dứt ấy luôn thường trực, cô sẽ hát véo von “chú voi con ở bản Đôn, chưa có ngà nên còn trẻ con..” mỗi khi phơi quần áo. “Hát cho đỡ buồn, đỡ nhớ con mày ạ.”
Nhìn thấy trên TV có đứa bé gái túm váy hát đồng ca, cô cũng kể chuyện con Anh mới 2 tuổi đã thuộc hết lời bài hát, nghêu ngao khắp xóm thế nào.
Rồi trong những suy nghĩ lúc nào cũng hướng về con, trôi về với Phú Thọ, thỉnh thoảng cô lại móc nối được điều gì đó đáng để kể cho tôi. Cô sẽ hồ hởi nói là con bé vẫn nhớ chị đấy (nó lên nhà tôi ở với mẹ một tháng vào mùa hè), nó hỏi cái chị mà “chơi vô tuyến” (tức ngồi trước màn hình laptop) có còn ở đấy không.
Mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi, cô nghĩ đến con, nhớ về nó. Đêm cô mơ thấy con và ban ngày cố làm sống lại giấc mơ ấy để được gần con hơn một chút trong tâm tưởng.
Gia đình Việt Nam và những kết dính ràng buộc chằng chịt vướng víu từ người này sang người khác, được xây nên bởi những người mẹ vừa giàu tình yêu lại đầy lòng can đảm như thế này. Với tôi, đó là một điều kì diệu.
Có một điều cô Minh không biết, là những câu chuyện trong bếp của cô đã giúp tôi hình thành đủ tò mò và thôi thúc để đặt nền tảng cho luận văn thạc sĩ của mình. Tôi sẽ tìm đến những người phụ nữ đi làm giúp việc giống cô để lắng nghe những câu chuyện của họ, những người mẹ luôn bị giằng xé vì nỗi nhớ con, thương con khi phải ra đi để kiếm tiền. Và trên lời đề tặng trong trang đầu của luận văn, tôi sẽ viết là “Lời cảm ơn sâu sắc nhất gửi đến cô Minh, người mà với sự tận tụy trong suốt 6 năm sống cùng gia đình tôi và những lần nói chuyện trong bếp vô cùng cởi mở và chân thành, đã nuôi nấng trong tôi một sự cảm thông và ngưỡng mộ với những người phụ nữ nông thôn ra thành thị làm nghề giúp việc, nghị lực bền bỉ và những mâu thuẫn nội tâm họ phải đối mặt hàng ngày. Là câu chuyện của mỗi người phụ nữ, nhưng cũng là câu chuyện của tất cả chúng ta.”
Đó cũng là thêm một bằng chứng nữa cho điều tôi rất tin, khi một người sống tốt, cái tốt đẹp ấy bằng cách này hay cách khác cũng sẽ lan tỏa sang người khác.
Super Cam says
Đọc đến cái đoạn cuối, lời đề tặng ấy, cứ cảm tưởng như chuẩn bị được đọc tiểu thuyết văn học xã hội gì đó 🙂
MissChuot says
Những lần về quê hiếm hoi là dịp để tưới tắm lại tâm hồn đã bị bao ồn ã, náo nhiệt và lo toan phủ mờ. Quê hương luôn là bức tranh sống động, tuy còn vướng bận bao suy tư chưa biết bao giờ mới cởi bỏ nổi. Là cái nắng oi ả của trưa hè kèm cơn mưa bất chợt xối xả té nước vào lòng. Là những đêm trăng sáng ngồi đếm sao rơi trên ngọn cau trước nhà. Là tiếng côn trùng rỉ rả cả đêm rồi bất chợt rơi vào thinh không trả lại màn đêm yên bình đến nao lòng. Là những mảnh đời như câu chuyện trên – chất chứa bao suy tư nhưng cũng nhờ đó mà tiếng cười con trẻ vẫn trong trẻo vang lên trong mỗi nếp nhà. Giữa Hà Nội ồn ào, lại lắng mình mường tượng quang cảnh quê hương, đắm mình trong làn gió trước hiên nhà để lòng dịu lại trong khoảng trời xanh cao vút, gió vi vu chốn quê nhà!