1. Trẻ con ở Mỹ từ bé đã được nghe chuyện ông Columbus. Chuyện về nhân vật lịch sử này không những được dạy trong trường, được vẽ thành truyện tranh, mà được làm hoạt hình, được đóng thành kịch, và ăn sâu vào tâm tưởng biết bao thế hệ người dân ở đây. Hình ảnh ông được khắc họa là một nhà thám hiểm người Ý dũng cảm, vượt bao sóng gió, trải qua những tháng ngày nếm mật nằm gai và cuối cùng đã “khám phá” ra châu Mỹ, dù có chút nhầm lẫn cho rằng mình đã đến Ấn Độ. Người đàn ông này thấm đẫm các biểu tượng lý tưởng trong cảm quan của người Mỹ: dũng cảm, vượt lên khó khăn của thiên nhiên, chiến thắng số phận, và cuối cùng đã đặt chân lên vùng đất hứa.
Tuy vậy, những giai thoại về Columbus được kể cho các thế hệ người Mỹ đã lược đi rất nhiều chi tiết. Vùng đất châu Mỹ trước khi người đàn ông châu Âu đặt chân lên không phải là đất không người. Có hàng trăm, hàng ngàn bộ tộc đã sống ở đây, với những nền văn hóa, ngôn ngữ và tín ngưỡng vô cùng phát triển và phong phú. Họ đã là chủ của châu Mỹ từ rất lâu trước khi “thế giới văn minh” biết đến họ. Và sự sâu sắc, đa dạng trong văn hóa của họ không thua kém gì các nước ở châu Âu. Columbus không “khám phá” ra châu Mỹ, ông chỉ là một người từ xa tới, đặt chân lên vùng đất rộng lớn và giàu có từ lâu đã là nơi sinh sống của bao nhiêu dân tộc khác.
Những người chủ của châu Mỹ lúc đầu cũng niềm nở đón tiếp Columbus và đoàn thủy thủy của ông. Trong nhật ký của mình, Columbus ban đầu cũng viết rằng, những người địa phương ở đây có vẻ hiền lành, chất phác. Nhưng sau đó, khi họ nhận ra rằng Columbus và thế lực mà người đàn ông này đại diện không phải chỉ là một vị khách không mời vô hại, họ bắt đầu chống trả. Còn những người châu Âu cũng nhận ra bọn “mọi rợ” không chịu nghe lời mình, cũng bắt đầu đàn áp. Số người bị giết, số phụ nữ bị cưỡng hiếp, số tù nhân bị bắt làm nô lệ đưa trở lại châu Âu để phục dịch, số trẻ con và người già chết hàng loạt do những căn bệnh người châu Âu mang đến đã khiến cho rất nhiều bộ tộc ở châu Mỹ bị xóa sổ, rất nhiều ngôn ngữ biến mất, rất nhiều nền văn hóa độc nhất vô nhị bay hơi khỏi mặt đất. Trong cuộc xâm lược mà sau này được kể lại theo giọng điệu của một cuộc “khám phá”, những người thực dân đến từ châu Âu đã mở mang bờ cõi của mình ra tận châu lục khác.
Họ bắt con em các bộ tộc phải đi học trường nội trú, phải nói tiếng Anh và theo Công Giáo. Trong các trường này, trẻ con bị đánh nếu bắt gặp nói tiếng mẹ đẻ, có những đứa trẻ bị chết vì bệnh sởi nhưng phải đến tận mùa hè không thấy con về bố mẹ mới biết. Họ phá rừng, chia đất, thẳng tay giết hại những người bản địa không có vũ khí hiện đại cũng không quen chiến trận nếu những người này dám ngăn trở công cuộc “văn minh hóa” vùng đất mới của mình.
Tất cả những điều này không xuất hiện trong chính sử của người Mỹ, hậu duệ ngày nay của những “nhà thám hiểm vĩ đại” một thời. Họ chỉ biết về Columbus như một anh hùng, không bao giờ kể với nhau về một Columbus kẻ buôn bán nô lệ hay Columbus kẻ giết người hàng loạt. Lịch sử luôn là câu chuyện được viết từ góc nhìn của những người chiến thắng.
Trận thủy chiến giữa quân Khmer và quân Chăm được khắc ở hành lang đền Bayon
2. Những ai đã từng đi thăm Angkor Wat ở Campuchia hẳn sẽ rất ấn tượng với các hình chạm khắc rất tinh xảo có tuổi hàng thế kỉ trên những bức tường ở các hành lang. Những bức phù điêu này phần lớn miêu tả cảnh từ sử thi Hindu, nhưng cũng có những bức khắc họa sự kiện lịch sử của Campuchia. Trong đó có nhiều bức tả lại cảnh trận thủy chiến giữa quân Khmer và quân đội Chăm. Người Chăm lúc ấy là một vương quốc hùng mạnh với nền văn hóa riêng biệt. Có nhiều lần đến Trung Hoa cũng không khuất phục được quân đội Chăm. Vua Chăm mang quân xâm lược Campuchia, hung hăng phá hoại nhiều đền đài ở đây. Trên bức phù điêu ở Angkor, những nhà điêu khắc dân gian còn không quên khắc họa những người Thái, ăn mặc hơi kì quái, là quân viện trợ vương quốc Xiêm cho sang tiếp viện để người Khmer đánh lại người Chăm.
Những ngọn tháp còn lại ở Nha Trang, Đà Nẵng và một số tác phẩm điêu khắc là những dấu tích duy nhất còn sót lại của vương quốc Chăm, một nền văn minh đã luôn phát triển song song và ngang hàng với Đại Việt. Người Việt cuối cùng đã nuốt trọn cả vương quốc, mở rộng bờ cõi của mình về phía Nam.
Tháp Chăm ở Bình Định
Đế chế Khmer cũng đã từng rất hùng mạnh, trải dài đến tận Thái Lan, Lào, bán đảo Malaya và miền Nam Việt Nam. Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long và cả Sài Gòn mới chỉ thuộc về người Việt trong lịch sử cận đại. Nhưng cũng như thực dân châu Âu, chính sử của người Việt chưa bao giờ công nhận rằng, trước khi thuộc về mình, vùng đất đó đã từng là của người khác. Trẻ con chỉ được học qua quýt ở trường, các vua chúa nhà Nguyễn đã mở rộng bờ cõi, và rằng Việt Nam luôn là một dải đất hình chữ S, dài và hẹp. Họ không dạy học sinh những sự thật lịch sử khác, ví dụ như đến tận thế kỉ 18 vẫn chưa có vùng đất nào gọi là Gia Định, sau này đổi tên thành Sài Gòn, đơn giản vì chỗ đó thuộc lãnh thổ của người Khmer.
Người Khmer ở Hà Tiên và các tỉnh Nam Bộ ngày nay tự nhận mình là Khmer Hạ, phân biệt với người Khmer Thượng ở Campuchia. Người Thái ở các tỉnh Nghệ An hay Điện Biên có thể nghe hiểu và giao tiếp với người Thái ở Thái Lan dễ dàng hơn người Kinh. Người Hmong ở Lào Cai và những vùng sát biên giới với Trung Quốc có họ hàng với người Hmong phía bên kia biên giới. Họ qua biên giới hàng ngày để đi chợ, đi thăm nhau, đi rừng. Họ không nghĩ rằng mình đang đi sang một quốc gia khác, vì có khi trong hệ thống địa lý của họ, một nửa bên này và một nửa bên kia biên giới là đầu làng và cuối làng, nơi những thành viên của một đại gia đình sống rải rác. Những người Ede, Bana ở Tây Nguyên có cách nhìn rất khác về rừng. Không phải là “rừng vàng biển bạc”, tức tài nguyên vô tận để chúng ta “xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Như trong “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc, rừng là mạch nguồn của sự sống. Mỗi năm có vài tháng những người này sẽ bỏ tất cả gia đình, bạn bè, thậm chí cả áo quần, để trở lại sống với rừng, tìm về cội nguồn của mình.
Tất cả những người này, có bao nhiêu phần trăm trong máu họ được coi là “người Việt”? Họ có nghĩ về mình như là một phần của “54 dân tộc anh em” hay không? Có điều gì, ngoài yếu tố địa lý, quyết định rằng một người Thái múa lăm vông và uống rượu cần sẽ mang quốc tịch Việt Nam chứ không phải quốc tịch Thái Lan?
Đất nước, quốc gia, tổ quốc, lãnh thổ, dù bạn gọi là gì đi nữa, tất cả đều là những khái niệm được dựng lên bởi một nhóm quyền lực, luôn biến đổi và luôn được tô vẽ lại cho phù hợp với quyền lợi của nhóm người đó.
3. Gần đây, có hai bạn người Pakistan đố nhau mình là người nước nào. Khi bạn phải trả lời đã bí sau hai gợi ý (không phải Trung Quốc và ở Đông Nam Á), bạn đưa ra câu đố nói “Chúng ta đều biết đến nước này, quốc gia đánh thắng Mỹ ở thế kỉ 20”, và bạn kia lập tức nhận ra câu trả lời. Khi chào tạm biệt hai bạn để về, mình đã không vui lắm. Việt Nam, viết tách ra thành hai từ, là một đất nước, có khí hậu, đặc sản, con người, văn hóa, ngôn ngữ, chứ không phải là Vietnam, tên của một cuộc chiến tranh.
Lâu hơn một chút, có một bạn người Trung Quốc, đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi biết rằng Việt Nam cũng có ngôn ngữ và chữ viết riêng. Với phần lớn giới trẻ Trung Quốc đang phải đối mặt với đủ loại sức ép để sống một cuộc đời bình thường, đất nước bé bằng cái móng tay bên cạnh, tên là Yue Nan, cũng chẳng mấy khi được họ chú ý. Cũng như các bạn trẻ Việt Nam quan tâm đến việc làm, ngày nghỉ lễ, giày dép và những sự cô đơn vô duyên cớ, chẳng mấy khi ngồi nói với nhau về Myanmar hay Lào.
Tối nay mình lại nói chuyện với chị ở cùng nhà người Ukraine. Bấy lâu nay nhiều khi mình ngại giáp mặt với chị, vì không biết phải nói gì. Các vụ biểu tình dẫn đến thương vong ở Ukraine, bài phát biểu của Putin, những cuộc dàn quân và xe tăng của Nga. Hôm nay mình mới chỉ mở lời “em có đọc báo thấy bảo đang có đánh nhau giữa lính Nga và người dân ở Ukraine”. Mắt chị đã đỏ hoe, và đứng nói cho mình 15 phút liền về mỗi ngày có bao nhiêu dân thường thiệt mạng, báo chí phương Tây đưa tin sai lệch về người Ukraine, rằng người Nga cũng bị bưng bít và dẫn dắt theo hướng tuyên truyền của nhà nước, nghĩ về dân Ukraine như những kẻ phát xít ngu muội. Mình rất muốn nói rằng, em rất hiểu, phận làm nước bé ở cạnh các anh lớn, không có anh lớn khác che chở thì bị đè bẹp dễ như chơi. Trẻ con đi học ở trường bị bắt nạt còn mách thầy cô, mách cha mẹ. Các nước nhỏ bị nước lớn ăn hiếp, kêu gọi quốc tế hay Liên Hợp Quốc, nếu “anh lớn” mạnh quá, thì các tổ chức kia cũng chỉ biết ngó lơ mà thôi.
Bây giờ vô cùng thấm thía, câu hát “Em mong ước chiến tranh sẽ tàn” hoàn toàn là một mơ ước ngây thơ người lớn đặt vào miệng trẻ con. Chừng nào người ta còn vẽ nên những khái niệm, và ôm chặt lấy những câu chuyện được dựng lên về ranh giới, lãnh thổ, chủ quyền, thì chừng đó mâu thuẫn sẽ không bao giờ kết thúc.
Người lớn thì nên hát như John Lennon thế này
Imagine there’s no countries
It isn’t hard to do
Nothing to kill or die for
You may say I’m a dreamer
But I’m not the only one
I hope someday you’ll join us
And the world will be as one
Leave a Reply