Ông gội đầu, sấy tóc, chải tóc rồi tết tóc cho bà rất khéo. Việc này đến cả các con gái bà cũng không nhờ
Hôm nay thằng em kể, em xe Cup ở nhà từ sau khi tôi đi không có ai sử dụng, lại được đắp tải, nên mới phải đem đi sửa vì đèn và xi nhan đều không lên. Bố và bác tôi bàn bán xe đi cho đỡ chật nhà. Ông nội, chủ sở hữu của con xe Cup 91 mới long lanh nhìn vào soi gương được, thường là tâm điểm của bao nhiêu ánh nhìn ngưỡng mộ và những lời xuýt xoa không dứt từ những người trông xe, cánh xe ôm, những người tụ tập ở hàng nước khiến tôi – đứa cháu được đi ké xe của ông – được thơm lây nên tự hào vô bờ bến, im lặng giữa những lời bàn tán của hai người con về việc bán chiếc xe ông rất yêu quý.
Kí ức xa xưa nhất của tôi về ông nội là một buổi trưa mùa đông, khi tôi còn đang học mẫu giáo. Hai ông cháu nằm trên tấm phản gỗ, ông vừa vỗ lưng, vừa hát ru khe khẽ “con mèo mà trèo cây cau, hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà…”. Tôi xoay bên này, vần bên kia, mãi không ngủ được. Ông bèn bảo “đưa chân đây ông ủ cho ấm”. Một lúc sau con bé thiu thỉu ngủ thật. Đến bây giờ, hai bàn chân tôi lúc nào cũng lạnh buốt, và nếu không được giữ ấm, kể cả trong ba lớp chăn, vẫn trằn trọc không thể ngủ được.
Kí ức tiếp theo của tôi là một sự cố rất buồn cười. Lúc đó nhà chưa xây, chỉ có hai tầng, cô và bác của tôi vẫn còn sống chung, tức là mười con người cùng chia sẻ bốn căn phòng. Tôi khoảng năm tuổi, bà nội vào miền Nam tìm mối hàng để gửi quần áo ra cho bố mẹ bán, nên đêm tôi ngủ với ông. Mỗi đêm hai ông cháu đều cùng nhau mắc cái màn màu xanh, ông làm gì đều rất cẩn thận, nên mắc màn cũng rất kĩ lưỡng, dắt màn xuống dưới chiếu đâu vào đó rồi mới ngả lưng. Buổi đêm tôi mơ đánh nhau với bạn, nửa mơ nửa tỉnh thấy chân đạp cái gì mềm mềm thì nện thật lực. Sáng hôm sau tôi còn ngái ngủ, lờ mờ thấy ông nói chuyện với bố mẹ, giọng rất nghiêm trọng, có lẽ cần phải đi khám tim, vì tự nhiên đêm qua ngủ thấy ngực đau nhói.
Rồi những hình ảnh tiếp theo là một năm bố mẹ tôi bán bia vào mùa Tết, nhà chứa hàng trăm thùng bia đến nỗi phản gỗ của ông phải gập lên để lấy chỗ, ông nằm ngủ trên những thùng bia xếp chồng lên nhau cao đến tận trần phòng. Tiền lãi ít, nhưng vốn quay vòng nhanh. Tôi lúc đấy đã biết đếm, cùng ông ngồi đếm tiền. Những đồng tiền lẻ tôi phân loại theo màu thành từng cộc, màu nào ra màu ấy, cũng như trẻ con bây giờ chơi xếp hình. Xếp loại tiền xong thì tôi cũng ngồi đếm, một trăm tờ thành một cọc, rồi ông lại kiên nhẫn đếm lại những cọc tiền tôi đưa, không mắng mỏ, cũng không cằn nhằn gì. Tôi thấy mình là một đứa trẻ rất có ích.
Lớn lên chút nữa, ông giao cho tôi chăm sóc vườn cây. Thế là cứ ba giờ chiều hàng ngày, tôi xả nước ra hai cái chậu thau cho đỡ nóng, rồi tất tả xách từng gáo nước bé xíu tưới những gốc cây sao cho không trào ra ngoài. Tôi bắt chước ông xới đất, nhổ cỏ, nhặt lá. Công việc tưới cây lúc ba giờ chiều đó mãi mãi in trong tôi tình yêu với cây cỏ. Tôi bắt đầu mường tượng ra những lá cây đang đung đưa theo gió là những lời cảm ơn của cây vì được uống nước mát. Tôi bứt những lá cây hoa đá vẽ chữ nguệch ngoạc trên sân. Tôi cầm cái bay ông đưa cho để làm đất, rồi quanh quẩn khi ông bón phân, vun gốc. Ông dạy cho tôi biết tên tất cả những loài cây trong vườn, và chờ đợi hồi hộp những nụ hoa theo mùa, hoa nhài, hoa sứ, hoa mộc hương, hoa ngâu. Lúc đó tôi học cấp 1, đã bắt đầu biết làm văn, và may sao nhà tôi có một cây hoa hồng. Cuối năm lớp 5, nhà tôi phá đi xây lại, phần lớn vườn cây của ông mà tôi đã lang thang biết bao nhiêu giờ đồng hồ ở đó trong khi chúng bạn chạy đuổi nhau dưới phố bị chặt bỏ. Đêm thợ bắt đầu phá nhà, tôi đứng nhìn mảnh sân tối hù và hun hút gió lần cuối, lúc đó mười tuổi mà thấy lòng trống trải như người ta thất tình lần đầu.
Năm tôi đã lớn đùng, hình như cuối cấp 2, thỉnh thoảng ông vẫn đèo tôi bằng xe đạp ra công viên để hai ông cháu đi bộ. Ông đi bộ rất nhanh, và đều như vắt chanh. Ngày nào cũng vậy, đông cũng như hè, trừ những ngày mưa quá to, kể cả khi ốm hay đau chân, ông cũng dậy lúc 5h sáng, đi xe đạp ra công viên và đi bộ hai vòng quanh hồ. Ông hay nói là “mình cứ đi, đau thì kệ đau, đi một lúc rồi đau cũng phải hết”, một triết lý đặc trưng của những người sống qua thời kì ý chí phải vượt lên trên hoàn cảnh. Sau này ông kể, những ngày còn trẻ đi tải gạo ở Điện Biên, chỉ có một cái xe cà tàng và đi đường núi mà mỗi người chở đến vài trăm cân gạo. Ông kể về những cô gái Thái rất xinh, dệt vải rất khéo, những quãng đổ đèo đi hàng vài cây số không cần đạp mà xe vẫn bon bon. Mắt ông lấp lánh, tôi nghe và bỗng nhiên nhận ra, trước mặt mình là bao nhiêu năm tháng cô đọng lại, là lịch sử từ một góc nhỏ của cuộc sống vốn rất gần gũi nhưng cũng rất xa xôi. Tôi nghe ông kể về những ngày “khổ nhưng rất vui, chẳng bao giờ phải suy nghĩ gì cả’, và mơ màng ngẫm ngợi về những trăn trở mình vẫn than vãn với thế giới Internet. Tôi hiểu ông được bao nhiêu phần, và những tháng ngày “ai ai cũng có lý tưởng, không ai so đo tính toán điều gì” còn lại bao nhiêu phần?
Tôi học lớp 12 thì bà nội sau một trận đột quỵ thập tử nhất sinh đã liệt nửa người và mất khả năng ngôn ngữ. Ông hơn bà sáu tuổi, chưa bao giờ nói về bà mà không lộ rõ sự cảm phục và trìu mến. Ông hay kể về những ngày bà bươn chải gồng gánh đi khắp nơi làm nghề nhuộm vải để đổi củ khoai củ sắn nuôi con. Trong suốt đợt bà nằm viện và hôn mê sâu, ông như người mất hồn. Mỗi lần đi học về tôi thường thấy ông ngồi đờ đẫn nhìn ra đường, có lúc tôi mở cửa vào nhà cũng không biết. Nhưng mỗi lần vào bệnh viện, ông luôn tỏ ra vui vẻ, hồ hởi, nắm tay nắm chân bà kể chuyện con cháu, họ hàng, kể cả trước khi bà bắt đầu hồi phục trí nhớ và nhận ra mọi người. Từ đó trở đi, ông trở thành người y tá, người phục vụ, người chăm sóc tận tụy nhất, chu đáo hiểu, thấu hiểu nhất của bà. Người ta bảo, “con chăm cha không bằng bà chăm ông”, nhưng ở nhà tôi, câu này phải nói ngược lại.
Tôi hay nghĩ về câu hát này của Celine Dion, “You were my strength when I was weak. You were my voice when I couldn’t speak”. Câu hát trong một bản tình ca, thường người ta nghe cho vui tai chứ ít khi nghĩ về ý nghĩa. Rất may cho tôi, tôi được ở chung nhà với một tình yêu mà câu hát đó là sự thật. Khi bà không nói được, mọi mong muốn của bà ông là người hiểu rõ nhất. Đứa con nào đang đi công tác xa, đứa cháu nào đi chơi buổi tối chưa về nhà, bà đều muốn biết. Đôi khi bà đưa ra những yêu cầu làm ông phát điên, nhưng sau một hồi la hét và đập bàn, nếu có đập vỡ chén, thường ông lại cặm cụi đi dọn dẹp, và lại xuống nước chiều theo bà. Hết lần này đến lần khác, ngày này qua ngày khác, đến nay đã là bảy năm kể từ khi bà không nói được, hàng ngày ông đều đặn xoa bóp chân tay cho bà lúc 3h chiều cho máu lưu thông, và thủ thỉ kể những câu chuyện về người này người khác. Nhiều khi tôi lững thững đi từ trên gác xuống, thấy hai ông bà cười rúc rích với nhau, bà một tay cầm bắp ngô non mới luộc đang gặm nham nhở, tay kia đang duỗi ra để ông xoa bóp, khó có thể ngờ rằng đã nhiều lần bác sĩ nói rằng bà không thể qua khỏi. Trí nhớ của bà hồi phục rất tốt, bà không những nhớ những chuyện đang diễn ra, mà còn nhớ cả những người hàng chục năm không gặp từ trước khi đột quỵ. Tôi nghĩ đến những cụ già trong viện dưỡng lão ở Canada, mặc dù còn khỏe mạnh nhưng trí nhớ sút kém rất nhanh vì hàng ngày không có ai ở bên trò chuyện, mới thấy liệu pháp của ông quý giá đến mức nào.
Tôi lớn hơn nữa, bắt đầu đi xa nhà, sống một mình, và hay nghĩ về sự nuông chiều thầm lặng của ông dành cho mình và những đứa cháu khác. Dĩ nhiên ông không có kiểu ôm ấp hay thể hiện tình yêu bằng lời như những người phương Tây tôi biết. Ông lặng lẽ chăm sóc tôi theo cách của mình. Giầy bẩn, một ngày nắng ông lôi ra giặt, phơi thơm tho, rồi lại luồn dây cho cẩn thận. Ba lô bị đứt quai, đưa cho ông, nửa tiếng sau không những liền lại, mà các mép sờn, các phéc mơ tuya đều được khâu tỉ mỉ như mới. Áo rách, đồng hồ hỏng, xe máy đạp không nổ, xe đạp đứt xích, thú bông nứt bụng, tất cả qua tay ông đều được sửa sang lại như mới. Những cái quạt cô chú tôi định vứt đi, ông mang ra tháo ra sửa lại, tra dầu, lau thật bóng, rồi cười tự hào rằng “suýt nữa cô mày vứt đi, ông sửa lại chạy ngon cả chục năm nữa chưa hỏng”.
Nhiều khi tôi tự thấy khác với thế hệ mình, những người luôn muốn cái mới, vì tôi là cháu của ông. Có thể tôi giữ lại đủ các thể loại quà tặng, từ mấy con thú sứ bị gẫy đầu cho đến những cái móc chìa khóa nhựa đã tróc sơn là do lây tính thích gom góp nhặt nhạnh những thứ không nỡ vứt đi dù không biết dùng làm gì của ông. Ông hay càu nhàu vì mẹ tôi thường thẳng tay vứt đi những thứ ông cho là rất có ích, thùng xốp, chai nhựa, lọ thủy tinh, còn mẹ tôi cho là rác. Mà những thứ ấy, đến một lúc nào đó, thường có ích thật. Tôi cần gì chỉ việc hỏi ông, giống như google hay lệnh Ctrl F với tầm hoạt động là ngôi nhà tôi ở, dù là một chi tiết nhỏ nhặt nhất như một đoạn dây nhựa, ông sẽ nói chính xác vị trí cần tìm, hộp nhựa thứ 3 từ trên xuống ở tầng bốn cạnh thùng nước, như thế chẳng hạn. Có lần hai ông cháu đã cùng làm một cái khung treo hoa tai rất sáng tạo từ khung ảnh gỗ vứt đi, lưới sắt lấy từ vợt muỗi đã hỏng, và dây thép gai vụn.
Có lẽ không ai hiểu, yêu căn nhà và mọi thứ lỉnh kỉnh trong nó như ông. Mà cũng phải thôi, khi xây nhà ông là người giám sát từ ngày đầu đến ngày cuối. Tôi cũng không hiểu làm thế nào người ta có thể xây nhà khi không có những người đàn ông trụ cột như ông nội tôi, người hiểu mọi thứ từ phần thô đến phần tinh, từ mua cọc mua xi măng mua gạch, cho đến nối dây điện, mắc ống nước, và nên mua màu rèm nào để treo cho đẹp. Tất cả những điều ấy, ông không học qua trường lớp nào cả, tôi cũng không biết ông học từ đâu, học từ ai, mà ông biết nhiều và biết một cách sâu sắc, vẹn toàn như thế.
Ông cũng là người rất cẩn thận. Mọi hóa đơn, các chứng từ, giấy tờ của tất cả thành viên trong gia đình ông đều phân loại, xếp cẩn thận. Tôi giữ bài kiểm tra từ lớp 1 đến bây giờ, xếp theo thang điểm từ 0 đến 10, có lẽ thói quen ấy cũng có nguồn gốc của nó.
Gần đây tôi hướng dẫn ông sử dụng Internet để đọc báo, bắt đầu từ cách di chuột, ấn chuột cho đúng vào chữ cần ấn. Bàn tay đã chống đỡ một gia đình và sạm màu năm tháng loạng quạng điều khiển cái mũi tên bé tí trên màn hình. Chỉ vài lần ông đã tự mở được máy tính, vào các trang báo để xem tin. Bạn bè tôi đến nhà đều rất ngưỡng mộ cảnh ông già tóc bạc phơ ngồi di chuột nhoay nhoáy. Cái máy tính cũ cáu bẩn của tôi được ông lau chùi sáng bóng. Có hơi sững sờ một chút, vì tôi không nghĩ là nó còn có thể sáng đẹp trở lại được như vậy. Cũng như lần tôi sững sờ khi đang đi chơi gặp mưa, người yêu lôi từ cốp xe ra cái áo mưa ẩm mốc hôi xì, và tôi nhận ra áo mưa của mình luôn phẳng, luôn thơm, vì mỗi lần đi mưa về tôi vứt ra xe là ông sẽ lau khô, gập phẳng phiu gọn gàng, để vào một cái túi nilon đặt vào giỏ cho tôi. Phải đến lúc bất đắc dĩ trùm lên người cái áo mưa hôi tôi mới nhận ra, nhờ có ông, mỗi khi dính mưa, tôi sẽ luôn có một cái áo mưa sạch sẽ để sẵn ở giỏ.
Học đại học rồi, tôi được biết đến những nguyên tắc nghiên cứu và việc thu thập những câu chuyện. Có một buổi tối, khá là ngượng ngập, tôi rón rén xuống phòng ông, bảo ông kể cho nghe câu chuyện đời mình. Lúc đầu có chút ngập ngừng, nhưng sau khi mạch suy tưởng đã được khơi, ông kể cho tôi rất nhiều chuyện trong quá khứ mà có lẽ bố mẹ tôi cũng không biết. Càng nghe, tôi càng thấy trước mặt mình không chỉ là ông, người ông tôi vẫn biết, mà là một người đàn ông, người đã sống qua những năm tháng biến động của đất nước. Ông đã từng làm tổ trưởng tổ dệt may, đã từng rất xông xáo đi tải gạo, đã từng suýt nữa được đề bạt vào chính quyền, và chỉ một chút sắp đặt khác của số phận, ông đã có thể lấy một người phụ nữ khác. Biết bao nhiêu sự ngẫu nhiên như thế, những lựa chọn và quyết định đan xen thành chuỗi, rất có thể nếu một sự kiện từ cách đây hàng chục năm chỉ khác đi một chút trong cuộc đời người đàn ông này, tôi đã không tồn tại.
Tôi cũng bắt đầu biết thế nào là bình đẳng giới, định kiến giới, chế độ phụ hệ và những hệ lụy của nó lên vai người phụ nữ. Mỗi lần về nhà sau những năm tháng sống ở nước ngoài, tôi ý thức rõ hơn về bản thân, tại sao mình lại như thế này, yếu tố nào của gia đình đã tác động lên việc hình thành cá tính của tôi. Nhưng phải đến bây giờ, tôi mới nhận ra, từ xưa đến nay mình đã được sống chung nhà với một người đàn ông là mẫu mực cho việc tôn trọng, chia sẻ và ủng hộ nữ giới. Ông làm đủ mọi việc nhà, ông thêu rất đẹp và may vá rất khéo. Ông chăm sóc bà, chăm sóc con cái, cháu chắt, giờ đến đứa cháu gọi bằng cụ ông cũng đi đón ở trường mẫu giáo về mỗi chiều, rồi cho ăn, cho mặc. Ông không bao giờ phân biệt đối xử con trai và con gái. Ông lặn lội đi xin học cho các cô, một đứa cháu gái vụng về như tôi cũng được ông chiều đến nỗi, khi tôi thích trồng mướp trên tầng thượng, mặc dù rất lo đống đất tôi khuân về sẽ làm sụt mái, ông vẫn cặm cụi cả một ngày làm cho tôi hai cái thang tre mini và một cái giàn dây thép để mướp leo lên.
Mướp leo lên thang tre ông làm
Có một lần hồi tôi còn rất bé, mâu thuẫn xảy ra trong gia đình, ông không bênh ai, chỉ ôn tồn nói rằng “con gái con trai con dâu con rể đều là con, tất cả đều như nhau hết”. Và dĩ nhiên, tôi chưa từng biết người chồng nào yêu vợ và chăm sóc vợ chu đáo hơn ông. Chưa bao giờ tôi nghe ông nói điều gì hạ thấp những người phụ nữ xung quanh mình, mẹ, vợ, con gái, cháu gái, tất cả ông đều trân trọng và nâng niu.
Tôi nghĩ về điều này một buổi chiều đầu xuân lúc trời nhá nhem tối khi đứng trong bếp ở Canada. Tôi vừa mất hai tiếng để nấu ăn, làm được ba món để ăn dần trong mấy ngày tới. Ông vẫn hay nói là “vừa nấu vừa rửa, đến khi nấu xong thì bếp cũng sạch”. Tôi đứng nhìn quanh căn bếp đã sạch bong, nồi niêu đã rửa úp trên giá, các món ăn đã cho vào hộp, chiếc khăn tôi vừa giặt để lau bếp vắt vẻo trên vòi nước. Tôi nghĩ, thói quen này là ở đâu ra?
Và đấy, giống như một người tu hành sau khi nhiều năm bôn ba để đi tìm chân lý, khi tôi lần mò kí ức để trả lời câu hỏi đó cho bản thân thì cũng nhận ra rằng ông nội mình, người đàn ông năm nay 80 tuổi, bằng cách sống cuộc đời nhỏ bé và đơn giản của một cá nhân sẽ không để lại dấu vết gì trong lịch sử, đã tạo dựng nên một hình mẫu lý tưởng cho mọi thứ tôi có thể mường tượng về một xã hội bình đẳng cho phụ nữ.
Và có thể, ở một phần rất quan trọng nào đó, ông đã tạo nên tôi.
Hà says
Đoạn thú bông hở bụng yêu quá Vân ơi.