Ngày xưa, ca dao được sáng tác và lưu truyền trong những khung cảnh thế này, khi người ta cùng nhau làm việc và trò chuyện.
Ca dao là những câu thơ được hát lên. Những câu đồng dao ấy. Vì thể lục bát là thể thơ truyền thống của người Việt, những người lao động lạc quan khi tay đã run gối đã mỏi thì cất tiếng hát để cái mệt tan bớt. Vì thơ lục bát dễ dàng luyến láy à ơi. Truyện Kiều dài và chứa nhiều điển tích điển cố của Tàu như thế mà người Việt vẫn yêu và nhớ, cũng một phần lớn vì người ta hát nó lên được.
Bạn không thuộc Kiều, dù đã nhiều lần hạ quyết tâm mình phải đọc đựơc xong áng văn chương bất hủ đó, nên bạn không hiểu lắm cái nhạc điệu của Kiều. Nhưng bạn đã từng nghe một đứa bạn mắt sáng rực kể lại một chuyến du lịch bụi, có một anh chàng tính rất hay đã lôi ra một cây đàn guitar, và bạn của bạn khám phá ra, chỉ cần một cây đàn, bất kì đôi câu lục bát nào cũng có thể làm thành giai điệu. Bạn cũng nhớ đôi câu hát ru con hỡi con hời giờ đã rất nhạt nhòa trong kí ức, những cặp câu lục bát hát lên được, dù với mỗi giọng người, giai điệu luyến láy lại khác đi đôi chút.
Thế là bạn biết chắc, ca dao – những câu thơ lục bát – được sinh ra là để hát lên.
Rồi bạn lại đọc được từ note của một người bạn: “Chỉ về đọc ca dao mới thấy lòng nhẹ bớt”. Một cái tựa kêu. Bạn chẳng nghĩ gì nhiều, comment bông đùa mấy câu, rồi tắt facebook đi. Nhưng mấy hôm sau, cái tựa đấy đột nhiên nhảy ra từ trí nhớ của bạn, ngoắc lủng lẳng vào một dấu hỏi to tướng: “tại sao lại là ĐỌC ca dao?”
Ca dao là những câu thơ được hát lên…và người ta phải nghe, phải hát nó, mới đúng điệu.
Nếu như tục ngữ là những chắt chiu về kiến thức và kinh nghiệm sống được cô đọng lại ngắn gọn bằng một câu vần lưng đơn giản, thì ca dao là những nỗi lòng, cảm xúc được diễn đạt tự nhiên, lắm khi dông dài. Ca dao nhiều khi nói những câu vu vơ, chẳng để nói cái gì cụ thể nhưng lại nói được rất nhiều thứ. Kiểu như “Trên trời có đám mây xanh/Ở giữa mây trắng xung quanh mây vàng”. Toàn chuyện đâu đâu cả. Rồi sao nữa “Ước gì anh lấy được nàng/ Để anh mua gạch Bát Tràng về xây”….Thế thì lại thành có chuyện rồi đấy.
Nhưng mà có một điều, nhất định phải hát lên cơ. Bạn không biết hát ca dao, bởi vì bạn không biết hát ru, và cũng không biết ngâm thơ. Nhưng bạn biết cái âm điệu của ca dao, phải đọc lên nó mới thấm, như là mật rót vào tai vậy.
Thế nên bỗng dưng bạn thấy thương cho thế hệ của mình. Những kẻ chẳng còn được nghe những câu dao được ca lên nữa. Những kẻ cầm bút viết run tay và mắt đã quen nhìn chữ chạy theo mũi tên nhấp nháy. Những kẻ chỉ có một mình đối diện với một cái màn hình vô giác vô tri, đợi nó hiện lên những con chữ trên nền trắng, tự đọc những con chữ đó, để thấy lòng nhẹ bớt. Những kẻ không làm việc nhanh, không tận hưởng nhanh, không sống nhanh thì sẽ hết ngày.
Và những kẻ đủ đầy đến mức thiếu thốn những cảm xúc tự nhiên.
Cái việc thiếu thốn ấy làm người ta phải chủ động ĐỌC ca dao, phải tìm ra những lá bay gió lượn để mà tự khẳng định với bản thân mình vẫn còn biết rung động, phải gào toáng lên với thế giới rằng tôi cô đơn, tôi buồn, tôi mệt mỏi, để nhận được những thăm hỏi nửa quan tâm nửa xã giao, để tự an ủi rằng mình vẫn còn được nhớ đến.
Sao thế hệ của bạn chẳng thiếu cái gì, lại thiếu đi những cái vốn dĩ không cần nhắc tới bởi vì nó quá đỗi tự nhiên?
Và các bạn hô hào nhau phải sống thật với lòng mình, phải lắng nghe trái tim mình, phải biết tìm kiếm những cảm xúc trong mình. Các bạn tiếp tục đọc ca dao – những vần thơ đáng lẽ là cấu thành của những túc tắc giai điệu – như những con chữ xếp đều chằn chặn trên nền giấy trắng, để cố tìm kiếm một chút thanh thản lẫn thành thật có vẻ xa xỉ trong sự đủ đầy thừa mứa này.
Giống kiểu bạn, cắm mặt vào cái máy tính, trong khi thằng em ngồi bên cạnh ê a kể chuyện. Nó kể chuyện xong, bạn ậm ừ. Nó bỏ đi. Chỉ khi nó đã đi mất 15 phút, bạn mới thần người ra, đáng lẽ nên quay lại nghe nó, nói với nó. Chẳng đáng ngạc nhiên, những lúc chị em ngồi nói chuyện với nhau vui nhất là lúc mất điện, khi bạn không bị cái máy tính cùng với cái thế giới ma mị bạn chỉ có một mình mà cũng bị cuốn vào rất nhiều sự tương tác lôi đi xềnh xệch.
Chẳng hiểu sao thế hệ này không còn ca dao nữa? Bởi vì người ta đã quên mất cách hát lên cho nhau nghe những câu thơ sáu tám? Bởi vì người ta đã phải tìm kiếm những mảnh sướng khổ vui buồn ở mọi nơi có thể? Bởi vì người ta tự dằn vặt mình và tự an ủi mình với những tiếng gõ phím lách cách chứ chẳng phải những giọng người lúc khản lúc trong? Bởi vì người ta biết có một tâm hồn cần được lắng nghe ngay bên cạnh mình nhưng người ta lại nhíu mày đến với những tâm hồn vô hình ở một nơi xa xôi không thật?
Có thể người ta mải vùi mình vào những điệu phá cách và tân thời mà quên mất cái êm đềm dịu ngọt rồi.
Không, người ta chẳng quên, nhưng cái êm đềm dịu ngọt bây giờ phải vắt ra mới có, như là vắt chanh leo. Muốn lòng dịu lại thì cũng phải đi tìm.
Nói nào xa, câu ca dao duy nhất bạn trích dẫn trên kia cũng là đi google ra mới nhớ.
Leave a Reply