Mỗi khi có người hỏi tôi một câu hỏi đơn giản “Dạo này đang làm gì?” tôi đều phải suy nghĩ để lựa chọn câu trả lời của mình tùy vào mối quan hệ của tôi với người ấy, mức độ quan tâm của họ, cũng như độ hiểu biết về những thứ tôi đang làm. Với các ông bà trẻ ở quê, tôi đơn giản trả lời là “cháu làm phiên dịch”. Với các bạn cùng tuổi ở thành phố, tôi bảo “tớ làm cho một số các dự án nghiên cứu”. Còn với những người có biết về nghiên cứu hoặc các vấn đề xã hội thì tôi nói là “dạo này đang làm cho một dự án về các tổ chức NGO, với cả một dự án khác về công tác xã hội.”. Đại loại là phải cân nhắc trước khi trả lời.
Thường thì tôi biết những người nghe câu trả lời ấy, nhất là nhóm giữa, vốn là số đông, hay có cảm giác không hài lòng. Quái nhỉ, sao không phải là ngân hàng, kế toán, công ty nước ngoài, giáo viên, hay là một ngành nghề nào đó cụ thể và dễ tưởng tượng. “Một số dự án” tức là thế nào. Trong đầu họ hiện lên ngay hình ảnh một đứa trẻ ranh chóng chán, thiếu trách nhiệm, và hành động theo ý thích, chưa kể lông bông và sống cuộc sống phập phù do di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Ngay cả gia đình tôi cũng có một thời gian dài lo lắng về việc không biết con mình hiện đang đi làm cho ai, đi làm ở đâu, giờ giấc thất thường, có lúc thì đi bạt mạng, có lúc ngồi ở nhà cả tháng. Và trong suy nghĩ của người lớn, và rất nhiều bạn cùng lứa với tôi, không ra khỏi nhà tức là thất nghiệp, tức là không có tiền, và kém cỏi.
Có một chị hơn tôi hai tuổi đang làm cho một doanh nghiệp nhà nước, khi nghe tôi nói là “em đang làm cho một số dự án”, đã thốt lên rằng “Em làm sao như thế mãi được, rồi cũng phải ổn định đi chứ”. Cuộc hội thoại diễn ra thế này:
– Em đi làm ở đâu chưa?
– Em làm rồi chị ạ, em làm nhiều chỗ khác nhau.
– Thế là thế nào?
– Tức là em làm cho các dự án ngắn hạn, khi hết một dự án em lại chuyển sang dự án khác
– Em làm sao như thế mãi được, cũng phải ổn định đi chứ
– Tại sao lại phải ổn định ạ?
– Như chị hầu như buổi tối không có việc phát sinh, chị về nhà với gia đình thôi
– Nhưng mà chị vẫn phải ra khỏi nhà từ 7h sáng đến 6h tối mà, thật ra chị đâu có nhiều thời gian lắm.
– Ừ, nhưng làm ở các công ty tư nhân em còn phải mang việc về nhà làm buổi tối nữa. Rồi sau này còn con cái..
– Không, em không định mang việc làm buổi tối. Mục tiêu của em là chỉ làm một nửa ngày thôi.
Câu chuyện dừng lại ở đây, chị ấy có vẻ rất băn khoăn, có vẻ không hiểu được tại sao tôi lại từ chối một lựa chọn rất phù hợp với phụ nữ, là làm ở một nơi cố định, những công việc giống nhau, và không phải lo nghĩ quá nhiều.
Nhưng đấy cũng là điều tôi sợ nhất, ít nhất là trong thời điểm này.Một số lầm tưởng phổ biến nhất khi moi người nghe đến từ “làm tự do” là đánh đồng nó với “nhảy việc” và “ít tiền”. Cả hai mặc định này đều sai. Thứ nhất, freelance không có nghĩa là nhảy việc. Nhảy việc là khi bạn đang làm toàn thời gian ở một chỗ, và nghỉ để chuyển sang một nơi toàn thời gian khác. Còn freelance có nghĩa là bạn chủ động không gắn kết với nơi nào cả, làm theo hợp đồng, theo sản phẩm, có thể hợp tác với một tổ chức lâu dài nhưng bạn không phải là nhân viên của họ. Trong khi nhảy việc thường là kết quả bị động của việc bất mãn với môi trường, không hài lòng với mức lương, tóm lại là một hậu quả kéo theo, thì việc làm tự do là một sự lựa chọn chủ động ngay từ đầu. Khi hết một dự án thì lại tiếp tục dự án khác, hoặc hợp tác với nhiều tổ chức cùng một lúc.
Mặc định thứ hai là ít tiền, cũng liên quan đến mặc định đầu tiên từ lối suy nghĩ tính công theo thời gian gắn bó, kiểu “sống lâu lên lão”. Một người liên tục chuyển từ nơi này sang nơi khác sẽ gặp rất nhiều bất lợi nếu họ được trả lương theo số năm làm tại công ty, vì thường khi chuyển sang công việc mới họ phải bắt đầu lại từ đầu, lại leo thang từ những bậc đầu tiên. Hơn nữa, nhảy việc mang lại một số bất an nhất định, như những thời kì chuyển tiếp không có việc, không có lương, mà trong mắt của nhiều người chính là “không ổn định”. Tuy nhiên, những người làm freelance có thể vượt qua trở ngại này vì họ được trả lương theo sản phẩm chứ không phải thời gian, và được đánh giá trên năng lực của mình. Tất nhiên không phải lúc nào cũng được điều kiện lý tưởng như thế, nhưng nói chung vì yếu tố này mà thu nhập của những người làm freelance đã có kinh nghiệm dày dặn và xây dựng được mạng lưới tốt không thua kém, có khi còn hơn những người chỉ làm một chỗ.
Tuy nhiên, làm tự do không phải không có những thách thức riêng của nó. Thứ nhất là phải vượt qua những định kiến xã hội, ví dụ như tìm được câu trả lời thích hợp cho những đối tượng khác nhau với cùng câu hỏi về nghề nghiệp của mình. Có rất nhiều người vẫn đánh giá và kì thị freelancer, nhất là các freelancer trẻ là lông bông, không biết nghĩ về lâu dài, và chỉ biết làm theo ý thích cá nhân. Thứ hai là phải xoay xở để luôn tìm ra đầu việc mới, để không khi nào bị trống và luôn có các dự án gối lên nhau và có dòng thu nhập liên tục. Thứ ba là những phúc lợi xã hội mà người đi làm cố định được hưởng như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chính sách thuế mà mình không được hưởng. Thứ tư việc tự kỉ luật bản thân để làm việc có hiệu quả cũng như cân bằng cuộc sống.
Các thách thức này, tất nhiên đều có cách khắc phục. Với định kiến của xã hội, tôi không kì vọng rằng mình có thể thay đổi suy nghĩ của tất cả mọi người, thế nên mới nghĩ ra cách thỏa hiệp bằng các câu trả lời khác nhau. Tất nhiên không thể tránh được cái nhìn xét nét và ngờ vực của người mới gặp, hoặc ít gặp. Tôi chỉ có thể dần dần làm cho người thân và bạn bè gần gũi nhất hiểu được và an tâm về công việc của mình. Ít ra đến bây giờ, gia đình tôi đã quen và tôn trọng việc tôi làm việc tại nhà, và hiểu rằng tôi thật sự có thể kiếm tiền được từ việc “ngồi ru rú trong phòng dính mắt vào cái máy tính”.
Với khó khăn thứ hai, đấy cũng là một điều không thể tránh khỏi. Tôi biết rằng không phải ngành nghề nào cũng có thể làm tự do, có những việc buộc người ta phải gắn bó với một tổ chức, nhưng nếu bạn là kế toán, bạn cũng có thể dạy thêm tiếng Anh, hoặc bạn là giáo viên tiếng Anh cũng có thể mở shop online bán hàng tại nhà. Định nghĩa “làm tự do” của tôi bao gồm cả việc luôn tìm kiếm các cơ hội và sẵn sàng làm bất cứ cái gì miễn là ra tiền. Vì thế để luôn có việc, thì điều kiện đầu tiên là phải cởi mở và chấp nhận làm việc vất vả. Một người làm tự do không có nghĩa là làm ít, hay lười biếng, họ có thể làm gấp đôi gấp ba những người làm công việc cố định, vì một lúc họ phải xử lý vài ba dự án chồng chéo lên nhau.
Yếu tố thứ hai để luôn có việc là phải mang lại chất lượng tốt nhất cho từng dự án, từng khách hàng. Nếu như một người làm cố định chỉ cần làm xong, làm đúng hạn, làm đúng theo yêu cầu, thì người freelance phải làm tốt hơn, làm vượt mong muốn của khách, trong khi làm luôn nghĩ đến việc họ có quay trở lại với một dự án khác không, và luôn cố gắng để chất lượng công việc tốt nhất có thể. Một yếu tố nữa từ kinh nghiệm bản thân của tôi, là để có công việc làm liên tục, đó là mạng lưới bạn bè, người quen, vì đây chính là nơi những người muốn tìm freelance thường dựa vào, chứ không phải các kênh tuyển dụng truyền thống như công việc cố định truyền thống. Việc được một người bạn mình tin tưởng giới thiệu cho một việc họ biết, hay nhận tin tuyển dụng từ mailing list mọi người forward các cơ hội cho nhau chiếm phần lớn những công việc tôi đã làm, nhiều hơn là việc tôi tự tìm được trên mạng. Ngay khi đang làm dở dự án này, tôi đã phải bắt đầu viết thư để tìm kiếm các dự án mới. Nói chung với những người không muốn suy nghĩ nhiều thì họ sẽ ngại, nhưng tôi luôn thấy hào hứng mỗi khi có việc mới đến, và thậm chí cái cảm giác “có nhiều việc quá” còn khiến tôi có một sự phấn khích kì lạ (tất nhiên là ban đầu, lúc sau có thể oán thán bản thân vì cái tội đã lỡ nhận quá nhiều việc, nhưng lần sau lại y như vậy).
Khó khăn thứ ba là về bảo hiểm, tất nhiên đấy là một thiệt thòi lớn về mặt chính sách cho những người chọn cách làm tự do. Tôi đang khắc phục bằng cách tìm hiểu các gói bảo hiểm mình tự chi trả mà không phụ thuộc vào quỹ bảo hiểm của nhà nước, và đang chạy vạy để tìm cách hoàn thuế cho những khoản “thu nhập bất thường” mà đối với tôi là “thu nhập bình thường” nhưng vẫn bị đánh thuế rất nặng, gấp nhiều lần những người đi làm cố định khác. Việc hoàn thuế chưa có kết quả, nhưng tôi hi vọng sẽ sớm có tin vui.
Khó khăn cuối cùng về việc cân bằng cuộc sống. Có bạn đã hỏi tôi là, có bao giờ thấy chán khi cứ chuyển hết dự án này đến dự án khác mà không được gắn bó lâu dài với một công việc nào để nhìn nó phát triển và lớn lên dưới công sức của mình chưa. Tôi có cảm giác ấy. Ví dụ như mỗi lần làm trợ lý nghiên cứu, tôi chỉ làm khoảng vài tháng, nhiều nhất là gần một năm, rồi chấm dứt. Có nhiều lúc tôi cảm thấy mình chỉ như một công cụ trong một bộ máy, và muốn mình được tham gia từ đầu đến cuối thay vì chỉ làm từng phần nhỏ. Cũng có những lúc tôi muốn quay trở lại một cộng đồng tôi đã lăn lê ở đó suốt nửa năm, nhưng không biết mình nên quay lại với tư cách nào. Nhưng tôi bù đắp cho cảm giác hẫng hụt đó bằng cách tham gia và gắn bó lâu dài với những việc không phải để kiếm tiền, ví dụ như trang Kể Chuyện, hoặc các hoạt động tình nguyện. Việc phân tách rạch ròi làm vì sở thích và làm vì tiền giúp tôi đỡ dằn vặt hơn. Tôi gắn bó với những việc mình làm vì thích, nhưng không (hoặc chưa) ra tiền, và thoải mái với những việc tôi làm ra tiền. Như thế tốt hơn nhiều việc kì vọng vào một công việc vừa ra tiền vừa có ý nghĩa, lại vừa giúp tôi học hỏi được những điều mới, để rồi hết lần này đến lần khác thất vọng. Nghĩ được như thế, tôi thấy nhẹ nhõm hơn.
Còn nhiều cân bằng khác, ví dụ như việc giao tiếp xã hội và việc ngồi một mình (những người làm tự do thường dễ bị rơi vào trường hợp sau). Việc học hỏi từ đồng nghiệp và trở thành một cái máy lặp đi lặp lại những quy trình giống hệt do không làm việc trong tập thể. Việc ăn chơi sa đà và làm việc hùng hục. Những cái đó đều có thể điều chỉnh được, vì làm tự do không có nghĩa là lúc nào cũng chỉ có một mình. Tôi vẫn làm việc trong nhóm, liên hệ với người giám sát, học hỏi từ những người làm cùng, từ những người thuê tôi, và duy trì những mối quan hệ đó. Tôi cũng có thời gian để tham gia những hoạt động bên ngoài, như đi hội thảo, đi nghe trình bày, đi gặp gỡ người này người khác, và tích lũy cũng như tìm kiếm cơ hội từ chính những dịp “xả hơi” đó.
Việc làm tự do có rất nhiều ưu điểm. Thứ nhất, tôi được chủ động về thời gian. Điều này rất quan trọng, vì tôi rất ghét phải ngồi lì tám tiếng trong bốn bức tường với cùng từng đấy con người hết ngày này qua ngày khác. Tôi có thể làm việc vào tối, vào đêm, vào buổi trưa, và xen kẽ các dự án khác nhau cho đỡ chán. Ví dụ tôi làm việc giấy tờ buổi sáng, rồi buổi chiều ra ngoài phỏng vấn người bán rong, tối về lại ghi chép, như thế tôi làm việc được lâu hơn và hiệu quả hơn so với nếu cứ ngồi lì một chỗ hoặc đi ngoài đường cả ngày. Thứ hai, tôi không phải dính với những người nhất định quá lâu. Thử tưởng tượng bạn ghét cay ghét đắng một ông sếp nào đó, và bạn sẽ phải cung cúc phục vụ ông đấy vài chục năm cuộc đời. Thay vì những bữa nhậu nhẹt, những bữa liên hoan, ăn uống với những người tôi không quý cũng chẳng ghét, nhưng chẳng có gì để nói, tôi có thể dành thời gian để gặp những người tôi thật sự muốn gặp. Và vì khi làm tự do, tôi chỉ có một thời gian cố định để hoàn thành công việc hoặc sản phẩm, nên tôi không phải nghĩ quá nhiều về việc lấy lòng người này nịnh bợ người nọ, hay cũng không đau đầu vì những vụ nói xấu, lùm xùm, khích bác đá đểu nhau xuất phát từ những người ngồi trong cùng một văn phòng quá lâu.
Một điểm lợi nữa là tôi có xu hướng introvert rất cao, nghĩa là tôi không thể tập trung hay suy nghĩ khi có người khác xung quanh, nên việc được ở một mình với tôi rất cần thiết. Cuối cùng việc làm cho nhiều người, nhiều nơi khiến cho thu nhập của tôi không bị phụ thuộc vào một nguồn. Điều này, khỏi phải nói, cũng vô cùng quan trọng. Tôi biết có nhiều người không dám rời bỏ công việc hiện tại của họ vì rời ra là sẽ hết tiền để trang trải cuộc sống. Rất may tôi không để cho mình rơi vào tình trạng đó. Thu nhập của tôi có lúc cao, có lúc thấp, nhưng nói chung không lúc nào cạn kiệt, cả kể khi tôi nghỉ nơi nào đó.
Hi vọng rằng những người đọc xong bài này sẽ có cái nhìn tích cực hơn về freelance và thôi bị ngăn cản bởi định kiến “phải có một công việc ổn định” . Đối với tôi, đây là một lựa chọn nghề nghiệp. Tôi đã từng đi làm cố định ở một vài nơi, và không thể phủ nhận những lợi ích mang lại. Nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi lựa chọn việc làm tự do, vì nó phù hợp với khả năng, tính cách, cũng như những điều tôi mong muốn. Thật ra tôi chỉ làm cho nhiều người, nhiều nơi, chứ bản chất những việc tôi làm không khác nhau nhiều, đều là liên quan đến nghiên cứu hoặc ngôn ngữ. Tôi nghĩ rằng đây là một lựa chọn tốt cho nhiều người trẻ, vì chúng ta chưa phải chịu trách nhiệm với nhiều người (tức là chưa có con), và có thể linh hoạt về thời gian, sức khỏe và một mức độ rủi ro nhất định, những điều mà chục năm nữa có thể sẽ quá xa vời và chúng ta sẽ phải chấp nhận dính mông vào một cái ghế từ 8h sáng đến 5h chiều.
My says
Cảm ơn tác giả vì đã có những chia sẻ rất hữu ích về nghề freelance. Tôi cũng mới bắt đầu tìm hiểu về công việc này sau gần chục lần nhảy việc sau hai năm tốt nghiệp. Có lẽ sẽ khó khăn trong bước đầu tiên, nhưng tôi tin lần này mình sẽ có quyết định đúng. Một lần nữa, cảm ơn tác giả ?