Cách đây hai năm tôi làm cán bộ địa phương trong một dự án tín dụng vi mô cho phụ nữ nông thôn nghèo. Dự án này có ý tưởng rất độc đáo. Mỗi tuần, chúng tôi tổ chức một tour du lịch cho một nhóm khách nước ngoài khoảng từ bảy đến mười người đến nhà một người phụ nữ chúng tôi đã chọn trước. Gọi là tour du lịch, nhưng đúng ra là một cuộc thăm viếng. Những người khách sẽ được trò chuyện cùng gia đình hay tham gia vào những hoạt động nông nghiệp như cho vịt ăn, tắm cho lợn, tuốt lúa, nhổ cỏ. Sau chuyến đi, người phụ nữ họ gặp hôm đó sẽ được nhận một khoản vay từ chính tiền tour của họ. Khoản vay này chị sẽ đầu tư cho một hoạt động nông nghiệp nào đó để cải thiện kinh tế gia đình.
Hầu như khi các chị đưa ra ý tưởng kinh doanh, chúng tôi chỉ cần xem xét mức độ khả thi của kế hoạch trong khuôn khổ khoản vay khá nhỏ, và chưa bao giờ từ chối những người phụ nữ có nhu cầu vay vốn miễn là họ thoải mái với việc có một nhóm khách nước ngoài đến thăm nhà mình. Cho đến khi có một chị đề xuất xin vay để đầu tư nuôi một đàn chó rồi sẽ bán thịt.
Phải nói thêm một chút rằng, trong dự án nhỏ xíu mà tôi làm, tôi là người Việt Nam duy nhất. Toàn bộ những người còn lại là người nước ngoài, và cả những người khách du lịch, cũng là những nhà tài trợ và nguồn tài chính duy nhất của dự án, cũng là người nước ngoài. Thế nên khi nghe đến đề nghị này, các cấp trên của tôi đã nhảy dựng lên, và thay vì vui vẻ đồng ý đưa chị vào chương trình tour như mọi khi, họ đã rất đăm chiêu và đã thận trọng trả lời tôi rằng “việc này cần phải bàn thêm Vân ạ.”
Tôi vẫn biết thịt chó là món khoái khẩu của nhiều người, nhưng phải đến lúc đấy tôi mới biết chó cũng có thể được nuôi bằng cám, và đến ngày đạt đủ cân để xuất chuồng cũng được bán theo cân móc, cân hơi y như thịt lợn. Không những thế, theo tính toán của chị Lý (tên nhân vật đã được đổi), nuôi chó thật sự là một lựa chọn đầu tư rất sáng suốt. Thứ nhất, chó rất ít khi bị ốm hay mắc dịch bệnh như gà lợn, vì vậy sẽ tránh được tổn thất đột ngột khi cả đàn lăn ra chết. Đàn gà chị mới nuôi được hơn một tháng, chăng rào mắc bóng điện cẩn thận, còn phải vay thêm tiền họ hàng để mua thuốc vacxin đút vào mồm từng con vừa lăn ra chết cả lượt vì dịch. Thứ hai, chi phí nuôi chó cũng rất rẻ, vì chó dễ tăng cân, tăng đều đặn và không cần những loại cám đặc thù như nuôi gà nuôi lợn. Chó ăn cơm nguôi, ăn xương thừa, thậm chí ăn canh bí cũng lớn được. Thứ ba, và quan trọng nhất, nhu cầu thịt chó luôn có thừa trong làng. Chị Lý nói nhà nào có đám cũng muốn có đĩa thịt chó. Mà ở làng thì hầu như tuần nào cũng có nhà nào có vụ việc gì đó, đám cưới hay đám hỏi, đám giỗ hay đám tụ họp của các ông đồng chí đồng hương. Thật sự là thịt chó không cung cấp đủ cho người dùng. Thế nên chị nuôi chó lớn chẳng bao giờ sợ bị ế hay bị thương lái ép giá, cũng không sợ giá cả thị trường sẽ lên xuống thất thường như thịt gà thịt lợn. Cứ quanh quanh trong xóm chị, thể nào cũng có người muốn mua cho nhà mình ăn.
Khi tôi đem những tính toán rất xác đáng và chu đáo của chị nói với các sếp tây của mình, các sếp cũng gật gù ra chiều khen cho con mụ nông dân mà cũng biết suy nghĩ sâu xa, nhưng các sếp vẫn không xuôi ý. Lý do đơn giản thôi, ăn thịt chó là một điều quá kinh khủng với những người nước ngoài, cả những người vận hành dự án và những người bỏ tiền ra đi tour. Cách đây không lâu, có một phụ huynh người Úc viết email cho sếp trưởng đầy tức giận lên án rằng con bà đi tour của dự án cùng các bạn ở trường, đến một nhà nuôi chó để giết thịt. Bà phụ huynh không quên giới thiệu dài dòng rằng, bà là một người ăn chay, một nhà hoạt động vì quyền động vật hơn hai mươi năm rồi, và khăng khăng rằng bà sẽ bày tỏ sự bất bình này đến ban giám hiệu trường của con bà vì tội đã dẫn đứa con bé bỏng với tâm hồn thơ ngây của bà đến với một ví dụ của sự man rợ và đối xử tàn bạo với động vật. Khỏi phải nói, các sếp tôi sợ xanh mặt.
Thế nên, khi chị Lý khẩn khoản trình bày những lý do của chị để đầu tư khoản vay vào việc nuôi chó, những người nước ngoài vận hành dự án vẫn nhất quyết không đồng ý. Họ sợ nếu tin tức dự án cho người vay tiền để nuôi chó giết thịt lộ ra ngoài, những nhà hoạt động vì quyền động vật kia, những người tự hào rằng mình văn minh và bác ái kia, những người ăn chay trường để phản đối việc bạo hành động vật kia, sẽ tẩy chay tour du lịch của chúng tôi, và như thế là hết. “Dự án còn quá nhỏ em ạ, chúng ta không thể đặt mình vào bất cứ nguy cơ nào.” Anh sếp người Đức đã nhìn tôi trìu mến mà nói như thế, tôi biết công sức mình đấu tranh vì chị Lý rồi sẽ chẳng đi đến đâu cả.
Và dự án vì cộng đồng này, dù là phi lợi nhuận, vẫn phải tìm cách làm vừa lòng những người tài trợ cho nó, trong trường hợp này là những vị khách du lịch phương Tây. Chúng tôi cung cấp dịch vụ, và họ hưởng thụ dịch vụ đó, nếu họ vui vẻ thì chúng tôi lớn mạnh. Khi những vị khách có những giá trị và niềm tin khác với những người ở đầu kia của giao dịch này, tức là những người dân Việt Nam thích ăn thịt chó và một người phụ nữ nghèo muốn bán thịt chó để đóng tiền học cho con, thì chênh lệch ấy sẽ gây ra căng thẳng. Khi những người khách được coi là quan trọng hơn, tức là khi nhu cầu được tài trợ nhiều hơn nguồn cung cấp tài trợ đó, thì giá trị và niềm tin của những người phương Tây sẽ là yếu tố quyết định cuối cùng.
Câu hỏi không phải là chúng ta có nên ăn thịt chó hay không, mà là chúng ta có nên vì tình yêu dành cho chó và những quy tắc đạo đức trong đối xử với động vật được duy trì bởi những người đã có cuộc sống no đủ và dư thừa vật chất, mà từ chối một người phụ nữ nghèo cơ hội để có tiền mua thức ăn cho con và cải thiện đời sống của mình không?
Cuối cùng thì, chị Lý vẫn được vay tiền, nhưng chị phải chuyển sang nuôi gà, một lựa chọn dễ chấp nhận và lọt tai những người nước ngoài hơn. Nhưng đúng như chị dự đoán, hai tháng sau thì đàn gà lại lăn ra chết vì vi trùng từ dịch cũ vẫn còn, dù chị đã làm vệ sinh và tẩy trùng rất kĩ. Lần này không những chị mất trắng vốn đầu tư mà còn nợ lại một khoản.
Vòng quay đói nghèo thế là lại tiếp tục.
Còi says
Duyệt. Bài viết quá ổn với 1 đứa biết và thinh thích ăn thịt chó như tôi 😀