1. Hôm qua đi nghe chị Lý hát lần thứ hai. Cả hai lần đều miễn phí. Cả hai lần đều thấy chị áy náy vì những bài hát của mình buồn quá, trầm quá. Lần trước bao nhiêu cả già cả trẻ ngồi lô nhô trên vỉa hè ở Lý Thái Tổ nghe chị hát, lần này cũng bao nhiêu mái đầu bạc xen lẫn tóc đen tóc đỏ chen vai thích cánh trong L’espace để đợi chị, để lặng im trong tiếng hát và tiếng đàn của chị. “Lý hát như vậy mọi người buồn ngủ quá phải không?” – chị mảnh khảnh, đầu trọc lốc, mặc bộ quần áo rộng thùng thình, trông như một chú tiểu nhỏ tâm hồn trong vắt bẽn lẽn hỏi vậy từ trên sân khấu. Mình rất muốn nói với chị là chị đừng lo chuyện nhạc của chị buồn, vì đấy là điều mọi người yêu ở chị. Khán giả đến nghe chị để được buồn, để được lắng lại, và đôi khi họ mượn khán phòng tối om, lặng thinh, và tiếng hát nhẹ như tơ mà nặng trĩu suy tư của chị để rớt ra vài giọt nước mắt ngày thường không ai dám để chảy.
Mình nghe câu hỏi đấy thấy rất thương và muốn bảo chị rằng, có thể em vừa đứng lên nhún nhảy theo bài hát của ban nhạc Pháp tưng bừng lúc nãy, và bây giờ em đang ngồi thẫn thờ nhìn vào khoảng không khi sân khấu chỉ có mỗi mình chị và cây đàn guitar, nhưng điều đấy không có nghĩa là em sẽ nhớ họ lâu hơn, hay yêu quý họ hơn chị. Chị đừng phải áy náy gì cả.
Trên đường lái xe về một mình vẫn thấy thương. Rồi lại nghĩ đến bản thân mình. Thời gian gần đây mình đi xin làm giáo viên tiếng Anh ở một số trung tâm khác nhau, chỗ nào cũng bị chê tơi tả vì mình không biết cách tạo không khí, giọng đều đều, không lôi cuốn, học sinh sẽ ngủ gục mất. Và không phải lần đầu tiên, chắc chắc cũng sẽ không phải lần cuối cùng, có người ngạc nhiên vì một bạn cựu du học sinh lại thiếu năng lượng và ỉu xìu như bánh đa ngâm nước. Trong mường tượng của mọi người, du học sinh tức là những người năng động, nhiệt tình, thể hiện bằng nguồn năng lượng hừng hực mà họ có, giống như cô ca sĩ và ban nhạc của mình đã biết cách làm mấy trăm con người trong hội trường L’espace đứng lên, hát theo, vỗ tay và nhảy múa điên cuồng.
Và khi mình nhận ra chị Lý chẳng có gì phải áy náy, mình cũng ngộ ra rằng mình không nên quá nghi ngại những nhận xét kia. Đúng là mình ỉu, trầm, chìm, và nhạt nhẽo, nhưng không phải vì thế mà nghi ngờ giá trị của mình. Giống như chị Lý sẽ không bao giờ làm khán giả vỗ tay dậm chân, lắc mông ngoáy đầu, nhưng chị lại làm người ta khóc.
Nghĩ thế xong, đi ngủ, sáng hôm sau tỉnh dậy lại thấy lo lắng về khả năng lôi cuốn người khác của mình :)) Nghĩ và kết luận thì dễ, nhưng khi đối mặt với những định kiến của người xung quanh, là lại chùng chình ngay.
2. Khi mình nói những băn khoăn ấy cho một cô bạn, bạn đã trả lời mình thế này: “Phần lớn mọi người dành hết thời gian để nghĩ về bản thân họ rồi, không ai để ý đến ấy đâu.”
Bạn vừa bỏ ra một năm để sống ở Mỹ, Brazil và Thái Lan, những nơi không ai biết mình là ai, không ai ngày ngày hỏi bạn có kế hoạch gì cho tương lai cuộc đời, hay dựng nên một bức rào một người phụ nữ trẻ xinh đẹp ngày ngày mặc váy trang điểm đi làm công sở xung quanh bạn. Dĩ nhiên đấy là một điều xa xỉ, không phải ai cũng có thể đi hẳn một năm như thế. Nhưng cũng nhờ đấy mà bạn nhận ra một điều ít người nhận ra, rằng từ trước đến nay mình đã luôn sống bằng kì vọng của người khác. Và bạn đã viết thế này.
Gió núi đẫm hơi sương táp vào cửa sổ không ngớt. Trời cuối tháng cao và đen thăm thẳm. Tâm trí tôi bắt đầu mông lung với những gì đã xảy đến với tôi hôm nay, những gì tôi nói, những gì tôi làm và những gì tôi cảm thấy. Đấy, kể cả khi có người trải lòng họ ra cho tôi thì những gì tôi nhìn thấy, nghe thấy chỉ là hình ảnh của chính bản thân mình.
Thế mà đã có lúc tôi thực sự nghĩ mình là một đứa tử tế hơn người. Rằng tôi biết lắng nghe và thấu hiểu những gì người khác nói. Rằng tôi không phải là một đứa coi mình là một, là riêng, là duy nhất. Vân vân và vân vân. May cho tôi là một hôm say cần ở Vegas đã đạp đổ tất cả ảo tưởng đấy. Mặc dù đó là cảm giác kinh khủng đến mức khiến tôi khóc suốt mấy tiếng đồng hồ trong lúc đi loanh quanh Wynn casino. Mớ suy nghĩ trong đầu như bị phóng đại lên gấp hàng nghìn lần, đến mức tôi có thể nhìn thấy chính mình một cách trần trụi nhất, không có bất kỳ lớp ngụy trang nào phòng vệ che chắn. Tôi nhận ra mình luôn sợ bị người khác đánh giá là thấp hèn, là rẻ rúng và mạt hạng để rồi luôn làm tất cả mọi thứ chỉ để chứng minh điều ngược lại. Trong từng giây từng phút của cuộc đời này, tôi sống trong nỗi sợ hãi vô hình đấy. Trơ trọi và cô độc.
Mọi người hỏi sao cứ lông bông hết từ nơi này đến nơi khác thế? Tôi trả lời vì muốn tìm xem mình thực sự muốn làm gì trong suốt quãng đời còn lại. Nghe thì to tát nhưng thực ra chỉ là cái vỏ cho sự hèn nhát bên trong.Tôi muốn viết truyện cho những đứa em mình đọc và làm phim cho bố mẹ cô dì chú bác tôi xem nhưng thấy ngượng mồm khi nói ra điều đấy với chính mình. Làm mấy cái nghề đấy thì lấy đâu ra vinh hoa phú quý. Bố mẹ anh chị em bạn bè sẽ ruồng bỏ tôi trong nghèo hèn đói khổ. Tôi sợ thất bại. Nhưng lúc đấy thì tôi không thể lừa dối được bản thân mình, tôi cuống quýt ghi lại mớ lằng nhằng trong đầu vì biết rằng đây có thể là một trong số rất ít những lần mà lý trí có thể hoàn toàn thành thật với bản thân tôi. Suốt 2 năm qua tôi đi tìm câu trả lời. Câu trả lời hóa ra nằm ngay trong chính tôi, chỉ có điều bị chôn vùi dưới lớp lớp ảo tưởng và sợ hãi mà ngày qua ngày gia đình, nhà trường, xã hội và chính tôi đã xây cho chính mình. Trưởng thành là quá trình đè nát mọi ảo tưởng và sợ hãi ấy, để đến một ngày tôi có đủ can đảm đối diện và yêu quý chân dung chân thực của chính mình trong gương. Con đường vạn dặm này vẫn ở phía trước.
3. Một hôm lâu rồi Nhím từ trường mẫu giáo về, mình cho Nhím ra thẳng công viên chơi, thay vì về nhà loanh quanh đợi đến giờ ăn tối như mọi khi. Trường mẫu giáo của Nhím là một tòa nhà bốn tầng, mỗi lớp học là một căn phòng be bé, nơi phụ huynh vội vã trao con mình, từ đứa chưa biết nói mũi dãi còn lòng thòng, khóc oai oải, cho đến những đứa gần đi học lớp một. Họ trao cho các cô giáo những đứa trẻ mắt vẫn còn díu lại vì giấc ngủ, tóc tai còn bết sau gáy, để nhanh chóng đến sở làm, rồi đến lúc tối muộn mới lại hấp tấp đón con về, vượt qua bao nhiêu con đường tắc nghẹt xe cộ. Nói dài dòng như thế để hiểu là, trường của Nhím là trường dân lập, nên giờ gửi trẻ cũng dài hơn trường công lập, nhưng lại không có sân, không có cây, không có trời.
Nhím không được nhặt những cánh hoa điệp vàng mùa thu này rụng đầy sân để xâu vào những cành cây khô rụng xuống, giả vờ làm một lẵng hoa hay một cái vòng tay rất mượt như mình hồi bé. Các bạn học của Nhím cũng không được chạy chơi ngoài sân, đi học từ lúc mặt trời chưa lên, lúc về thì mặt trời đã lặn.
Ra đến cái cầu trượt đá quen thuộc, cái cầu trượt duy nhất trong công viên không bị đọng nước, vỡ hay bết cát, Nhím hào hứng trèo lên ngay. Có một bạn trai đã đang chơi một mình ở đó, trèo lên, tụt xuống. Hai bạn lúc đầu việc ai nấy chơi, Nhím có vẻ rất biết để ý nhường bạn, khi nào bạn đang trèo lên thì Nhím sẽ không tụt xuống. Mình đứng ở dưới nhìn hai đứa trẻ chơi cầu trượt. Một lúc sau thì vì kiểu gì chơi trên một cái cầu trượt hai đứa cũng phải đụng nhau. Hai bạn bắt đầu phải dùng đến lời nói để giao tiếp. Cậu trượt trước đi. Cậu tránh sang bên cạnh. Một lúc sau nữa thì bạn trai kia đã đang giới thiệu với Nhím “đây là nhà của tớ ở công viên đấy”, và kéo tay Nhím đi giới thiệu các góc trong “nhà”.
Chỉ có mỗi một hành động là leo lên, tụt xuống, lại leo lên, lại tụt xuống, nhưng hai bạn chơi với nhau rất tâm đắc. Bạn trai kia còn hướng dẫn Nhím các tư thế trượt khác nhau, và biểu diễn một màn chạy từ xa, lấy đà, rồi leo phóc lên cầu trượt mà không cần dùng thang rất ngoạn mục. Một lúc thì nghe loáng thoáng thấy hai bạn giới thiệu và hỏi nhau “Tớ 5 tuổi. Cậu mấy tuổi”?” – “Tớ cũng 5 tuổi”
Cứ thế, đến tận lúc phải chia tay nhau để đi về, bạn trai mới cuống cuồng hỏi Nhím “Cậu tên là gì? Tớ tên là Hải Anh, ở nhà gọi là Bốp” – “Còn tớ tên là Anh Thư”. Thế xong là ai đi đường nấy.
Gặp nhau, chơi cùng nhau, chia sẻ niềm vui với nhau, thậm chí cả niềm tự hào về “ngôi nhà ở công viên”, xong mãi đến cuối cùng mới quan tâm đến tên tuổi, và tất nhiên chẳng hề mảy may nghĩ ngợi về việc đứa kia nhà giàu, nhà nghèo, thông minh, ngu dốt, kênh kiệu hay tự ti.
Nếu như các mối quan hệ xã hội của người lớn cũng đơn giản được như hai đứa trẻ chơi cùng nhau trên cái cầu trượt ở công viên, chỉ cần bạn chơi cùng tớ, chúng ta chia sẻ một niềm vui, không cần biết bạn là ai, tên là gì, đến từ đâu, suy nghĩ thế nào, thì có phải thế giới đã tốt đẹp hơn rất nhiều không?
4. Cầm bút xanh vẽ ô tô đỏ
con cầm bút màu xanh
nói vẽ ô tô đỏ
dù con đã biết hết màu
con vẫn nghĩ điều này có thể
“nghĩ”, “điều này”, “có thể” là những từ vụng về
của những người đã lạc sang thế giới khác
dùng ngôn ngữ của họ để miêu tả thế giới của con
khi con miêu tả thế giới của họ
họ đều bật cười
bật cười: sự đụng phải tuổi thơ đã mất?
còn khi con bật cười: tuổi thơ đụng vào cái đẹp
cái bật cười của người lớn: trò hát nhép
hoặc họ đã sáng chế ra thế giới cười của riêng mình
khi cười hay khi cười xong
họ hiểu tại sao cười vậy
họ hay bố đang cài vào não con những tín hiệu để phản xạ như vậy đấy
nhưng chính nhờ những tín hiệu đó con mới hiểu ra sự cài đặt này
và bố cũng muốn đem con đến những nơi nhiều nước và nhiều cây
Nhưng trong khi lớn lên, chúng ta, mình, cô bạn của mình, bạn nhỏ trong bài thơ, và có thể cả chị ca sĩ mình rất thương nữa, quen với những chuẩn mực của xã hội, với việc người khác đánh giá về mình, và một số tiêu chuẩn nhất định của những giá trị như hay, tốt, đẹp, thành công, và vì thế chúng ta không dám nói màu xanh là màu đỏ nữa, không dám để những mong muốn khác người của mình trồi lên nữa.
Hay như trong trường hợp của mình, là không dám tự tin làm một người ỉu như bánh đa ngâm nước, mình bị sức ép cần phải làm bánh mì nóng giòn cơ, vì mọi người bảo thế mới ngon, chẳng hạn.
Dương Nhạn says
Cuộc đời là của riêng mỗi người mà. Tớ thích ấy là ấy, tớ thích mỗi người là một màu sắc của riêng họ, bất kể là rực rỡ hay trầm lặng. Thế mới đẹp!
Còi says
– Như tôi đã bảo vs cô, việc ngta nhận xét mình thế này thế nọ, kém chỗ này, chỗ kia…sẽ thật tốt g nếu mình có thể cải thiện nhưng nếu nó ko hợp với phong cách mình thì cg chẳng phải lăn tăn quá nhiều. Cứ lăn tăn băn khoăn mãi thế, biết bao nhiêu cho xong?
– Toi chả bao h nghĩ là du học sinh thì nhất thiết sẽ thông minh hơn, giỏi giang, năng động, vui tính hơn ai…blah…blah…Tôi cho rằng suy nghĩ của tôi đúng, vậy ai suy nghĩ khác tôi, coi như là sai luôn, mà đã sai sẽ ko care.
– Mấy hôm trc vì cứ đọc ms trong lúc đang dạy nên quên chưa nói, nhưng mà em Rain béo mà tôi biết không hay lăn tăn vì những j ngta phán xét về mình thế này. Tự dưng cô làm sao thế? ch
Chuyện says
Keke, cô giống nhiều người cứ đọc những gì tôi viết là nghĩ tôi đang nói hết tâm can lòng ruột của mình rồi. Tôi chỉ tỉa ra những chuyện thích hợp để phục vụ cho một ý tôi muốn diễn đạt thôi, cô đừng bận tâm nhiều 😀