1. Ấn tượng đầu tiên của tôi về người phụ nữ ấy, là cô quá dễ chia sẻ. Mới gặp nhau, tôi chỉ là một người khách như trăm vạn người khách khác, đến nghe một lần rồi sẽ không bao giờ quay trở lại, còn cô là một người nghệ sĩ tôi chẳng biết gì ngoài cái tên được xướng lên trước mỗi bài hát. Thế mà trong lúc nghỉ giữa giờ, khán giả được mời lên chơi thử các nhạc cụ, tôi xí xớn trèo lên phản để gõ phách, cô đã kể “đi theo ca trù khổ lắm cháu ạ, như cô đây này, giờ già rồi mà không chồng không con, cũng chẳng ai đoái hoài.”
Hết buổi diễn và sau đấy, tôi suy diễn rằng, chắc nghệ sĩ thường cô đơn và khát khao được công nhận, nên họ sẵn sàng mở lòng với bất cứ ai, miễn là được hiểu, được đồng cảm, được thương. Nhiều tháng sau, khi đã gần gũi hơn, và đọc các bài báo viết về cô, xem các hình ảnh của con người ấy dưới sự khắc họa của truyền thông, tôi lờ mờ cảm thấy rằng những gì cô thể hiện ra là một thói quen được tạo dựng bởi những người sống bằng nghề nhào nặn câu chuyện của người khác thành sản phẩm dễ hút khách để mang bán. Nếu câu chuyện quá đơn giản, hoặc bình thường, sẽ chẳng ai đọc nó hay nhớ đến nó. Cô thì có vô vàn những éo le, đau đớn, tủi phận, thế nên hết phóng viên này đến phóng viên khác xin viết bài, chụp ảnh, làm phim về cô. Họ vẽ ra hình ảnh một người phụ nữ quá đam mê với ca trù mà quên hết cuộc sống riêng của mình, rồi gánh chịu đủ mọi cô đơn, phũ phàng, nhưng vẫn không lùi bước. Nói chung, một hình tượng nữ anh hùng, quyết chiến đấu tới cùng với con đường mình đã chọn. Một người rất đáng ngưỡng mộ, lại đáng thương, một người có đủ mọi truân chuyên, chỉ trừ việc người ấy cũng là một người bình thường.
Tôi thấy truyền thông nhiều khi cũng ác, vắt kiệt câu chuyện của một con người để phơi lên mặt báo, lên màn hình, tô vẽ và cắt tỉa sao cho thật hay, để thành sản phẩm lung linh, mà không nghĩ nhiều đến con người đằng sau câu chuyện đó. Họ để lại những sản phẩm như người nghệ sĩ này, gặp ai cũng giãi bày tâm sự, và những éo le đớn đau khổ cực, bởi vì ngoài những điều ấy ra, cô không còn biết nói gì về mình nữa. Những nhà báo, phóng viên, đã nạo vét đến tận cùng những câu chuyện của cô, rồi trả lại cho cô những sản phẩm truyền thông đã được cắt tỉa, cứ lặp đi lặp lại như thế cho đến khi cô trở thành cái vỏ đựng những câu chuyện của mình.
Tôi thì trân trọng cô, không phải vì cô đã phải đau khổ thế nào, hay vật vã thế nào. Nỗi khổ chỉ câu khách được một thời gian ngắn, nó chỉ khiến người ta thương, chứ không nể. Tôi nghĩ rằng sức mạnh của người phụ nữ ấy nhiều hơn là những chi tiết giật gân như phá thai để tiếp tục đi hát, ở trong nhà nóng bức chật chội để có tiền đầu tư cho các buổi diễn. Sức mạnh của cô là những buổi biểu diễn chỉ có một người khách nước ngoài, chẳng hiểu cô đang hát gì, cũng chẳng đủ khả năng để cảm nhận những kĩ thuật phức tạp điêu luyện mà cô cố gắng thể hiện. Hát cho một người không hiểu lời ca, không cảm thụ được giai điệu, cũng không quý trọng tấm lòng, chỉ một người như thế thôi, rất nhiều đêm trong một tháng, rất nhiều tháng trong một năm, rất nhiều năm trong cuộc đời. Để hát trong những đêm ấy, mà vẫn hát hết mình như biểu diễn trong một nhà hát hàng trăm người, với tôi đó mới là sức mạnh, là tình yêu, là mong muốn được hát những ca sĩ mới nổi vẫn nói ra rả trên báo đài nhưng nhất quyết không chịu biểu diễn nếu tiền công quá thấp.
Nhưng phần đông khán giả xem truyền hình thích phim Hàn Quốc ung thư chết chóc hơn phim tài liệu chân thực giản dị, người kể lại những câu chuyện cần phải thêm tí chua cay, tí nước mắt cho mùi mẫn. Làm đàn bà không có chồng nhất định khổ. Đàn bà không có con nhất định dằn vặt. Thế là bài viết nào về cô cũng nhấn đi nhấn lại chi tiết này. Lâu dần đâm quen, hình như cô cũng coi đó là một “giá trị” của mình, người gặp lần đầu cũng chẳng ngại ngần “rút ruột rút gan” ra kể.
2. Mỗi cuộc đời đều ẩn chứa những câu chuyện giá trị, nhưng những câu chuyện về sự tổn thương và đau khổ, nếu không được kể, hoặc không được nghe với sự tôn trọng và trân quý, thay vì chữa lành, rất có thể nó còn khoét sâu thêm vết thương.
Tôi được nghe kể rằng, có một trung tâm nọ, công việc của họ là hỗ trợ chị em phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và buôn bán người. Họ khá tự hào về những điều mình làm được, ví dụ về các tấm gương tiêu biểu vượt qua nỗi đau, mặc cảm, tự ti để sống tốt, thậm chí giúp đỡ người khác vô cùng nhiều, kể cả ngày không hết. Thế nên họ cũng hay tổ chức các buổi hội họp để chia sẻ với các trung tâm khác, báo chí, chính quyền, và cả cộng đồng, về những việc tốt đẹp mà mình làm được.
Khoe việc tốt thì không có gì là xấu, nhưng vấn đề là ở cách họ khoe. Một buổi hội thảo như vậy kéo dài khoảng nửa ngày, ngồi trong căn phòng họp trịch thượng, đủ các ban bệ ăn mặc đẹp đẽ đến dự. Bắt đầu một buổi trịnh trọng như vậy, bao giờ cũng là đại diện trung tâm lên phát biểu, chia sẻ về những khó khăn và nỗ lực của cán bộ trong việc “giúp đỡ các nạn nhân”. Tiếp theo là đại diện của nhà tài trợ, “chúng tôi luôn ủng hộ trung tâm và nguyện sát cánh cùng chị em”. Vẫn chưa hết, một đại diện của công an, chính quyền, sẽ hùng hổ chém tay phần phật vào không khí “buôn bán người là một tội ác cần phải lên án, và chúng ta phải thay đổi nhận thức của người dân để đẩy lùi bạo hành trong gia đình.” Sau rất nhiều những câu phát ngôn đầy thuyết phục, có thể còn thêm bài phát biểu của báo chí, hay của đại diện cộng đồng nữa, mãi đến khi đã gần xế trưa, các đại biểu bắt đầu đói và sốt ruột nhìn đồng hồ, người ta mới cho một chị hoặc một em gái, đã được trung tâm hỗ trợ để vượt qua số phận, rón rén đi từ chỗ ngồi của mình lên bục phát biểu.
Chị sẽ kể câu chuyện của mình. Có thể là bị lừa bắt qua biên giới rồi bán vào nhà chứa, một ngày phải phục vụ hàng chục khách, có những hôm không còn chút sức lực để ngồi dậy rửa ráy hay mặc quần giữa những lần phục vụ, vì khách, thường là những người đàn ông lái xe đường dài hoặc buôn chuyến, đói khát tình dục, chỉ muốn giải quyết cho nhanh, đang đứng xếp hàng lố nhố bên ngoài. Có thể câu chuyện về người chồng không cho vợ cắt tóc, bắt phải để tóc dài để mỗi lần ngứa tay còn buộc vào chân giường đánh cho dễ, đánh đến nỗi cơ thể trong cả chục năm chung sống không có lúc nào là không bầm tím hay rớm máu ở đâu đó. Không biết lần thứ bao nhiêu chị phải kể lại câu chuyện này trước mấy chục con người, những người đông cứng trong những bộ váy công sở, com lê cà vạt của mình, nhìn chị và nghe chị như thể những khán giả đang hướng mặt lên sân khấu. Có vài người rớt nước mắt, có vài người liên tục chép chép miệng “khổ thế không biết, dã man thế không biết”. Nhưng sau khi nghe xong, rỏ vài giọt nước mắt xong, tất cả ùa ra cửa phòng đi ăn trưa, và những người phụ nữ lại lủi thủi trở về với câu chuyện của mình, có thể vài tuần, hoặc vài tháng sau, sẽ lại được yêu cầu kể một lần nữa.
3. Chuyện thường được khai thác rất triệt để, nhất là khi cần khơi gợi sự thông cảm hay tình thương từ người khác. Chính vì thế những người làm truyền thông, hoặc làm trong ngành phát triển, thường tận dụng những câu chuyện mà họ tthu nhặt được để làm cho công việc của mình dễ dàng hơn.
Tôi có người bạn chuyên làm việc với phụ nữ nông thôn nghèo ở một tỉnh miền núi và khách du lịch, việc của bạn cũng khá phức tạp. Bạn đưa những người khách du lịch, và nhiều khi là người nước ngoài, cũng có khi là người Việt Nam, đến thăm những gia đình nghèo đang cần một khoản vay nhỏ để làm kinh tế. Bạn tôi luôn cố gắng hết sức để những người nông dân ấy được nhìn nhận qua sức mạnh, sự chăm chỉ và nghị lực của họ, chứ không phải như những con người bất lực cần phải trông chờ vào sự cứu giúp của người khác. Đúng là họ cần một chút giúp đỡ để bật lên khỏi cái nghèo, nhưng họ không phải là những người không làm chủ được số phận của mình hay hoàn toàn phụ thuộc vào lòng tốt của người khác.
Có nhiều lần, trong những chuyến đi như thế, bạn tôi nhận thấy một sự thất vọng trong những người khách, vì họ không được gặp người…nghèo như họ tưởng. Trong hình dung của họ, những người kia sẽ xác xơ, tiều tụy, đau khổ và mừng quýnh lên khi nhận những đồng tiền giúp đỡ của “người Tây”. Thực tế là họ gặp những con người gầy guộc nhưng rắn rỏi, mặt mũi khắc khổ nhưng vẫn tươi cười chào đón họ vào những căn nhà không rườm rà nhưng vẫn sạch sẽ, đàng hoàng. Not all poor people are helpless.
Một lần khác, tôi đến làng Đông Hồ, nghe chuyện một trong hai gia đình duy nhất còn làm tranh đã cố gắng để cải tiến các sản phẩm tranh thành sổ viết, bưu thiếp, tranh treo tường, và các ấn phẩm khác phù hợp với khách du lịch hơn. Thay vì trân trọng, hoặc ít ra cũng công nhận nỗ lực để đa dạng hóa sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thị trường, một bạn đi cùng đoàn, đã thốt lên, cũng rất thất vọng rằng “tại sao không giữ tranh Đông Hồ thuần túy?”. Tôi đoán rằng, trong hình dung của bạn, làm tranh Đông Hồ tức là phải ngồi kì cạch mài mực, in ra những tờ tranh giấy dó dán trên tường, và không có gì khác, hoàn toàn không có gì khác.
Cả những người khách du lịch, và cô bạn trong đoàn đi làng Đông Hồ kia, đều là ví dụ của phản ứng khá hẹp hòi khi chúng ta chỉ có những câu chuyện được kể một chiều và phải đối mặt với thực tế không giống với câu chuyện như ta vẫn biết.
Những câu chuyện như thế, có thể làm hại người kể, khiến sự nhận diện với chính mình của họ bị bóp méo, và làm hại cả người nghe, khiến họ không thể mở rộng lòng ra để đón nhận chiều sâu của tâm hồn mỗi người cũng như sự phức tạp của đời sống, vốn là những điều rất đẹp chỉ có con người mới tận hưởng được.
Leave a Reply