1. Trong đống hành lý gói ghém của 4 năm, tôi đứt ruột bỏ lại rất nhiều những cuốn sách giấy vàng úa nhặt nhạnh ở thư viện trường mỗi lần có một giá sách để ra ngoài cửa “free to a good home”. Quần áo, giày dép đều phải lựa chọn cái nào mang về, cái nào để lại, đến cả cái ống kính vạn hoa đồ chơi bé xíu bạn Marie người Nhật tặng tôi cũng phải đắn đo lắm mới quẳng vào vali. Nhưng có một thứ nặng trịch, chiếm chỗ cân đáng lẽ có thể dành cho rất nhiều đồ khác, tôi chưa bao giờ phải do dự, đấy là hộp đồ chơi Rummikub. Không phải chỉ vì trò chơi đấy rất thú vị, mà còn vì nó là kỉ niệm giữa tôi và bà Marg trong suốt mấy năm liền.
Bà Marg, tên đầy đủ là Margaret, là một cụ già hơn 80 tuổi sống trong viện dưỡng lão với trí nhớ mỗi ngày một tệ. Bà là một con chiên ngoan đạo, vì thế khi tôi bày tỏ ý muốn tìm hiểu về Kinh Thánh, một người bạn đã mang tôi đến căn hộ nhỏ trong viện dưỡng lão của bà. Khi người ta không có gia đình ở bên, chân tay đã hư hỏng đến mức nếu ngã thì không thể tự đứng lên được, vì thường xuyên bực tức với trí nhớ rệu rã như đùa cợt mình, người ta rất có quyền đau khổ, ủ ê, than vãn và chán sống. Nhưng lần nào tôi đến chơi bà Marg cũng cười nói rổn rảng, đôi khi tự mang việc mình không thể nhớ được đã uống thuốc hay chưa ra làm trò cười cho người khác. Cùng với một người bạn nữa, vài tuần một lần tôi chơi Rummikub với bà, trong tiếng nhạc giao hưởng phát ra từ cái máy nghe đĩa cũ kĩ, đôi khi chúng tôi ăn tối cùng nhau và vào những ngày có nắng, ngắm mặt trời lặn từ từ trong ánh hào quang đỏ như máu từ cửa sổ căn hộ của bà.
Khi người ta già, trí nhớ như cọng bún mắc mưa, chị Tư đã từng viết thế. Đang nói về chuyện hai bà già hàng xóm hay cãi nhau, thoắt cái bà đã hào hứng miêu tả chiếc chăn bà đan cho những người con của mình từ hồi họ còn học cấp 1. Đang nói về bài vở của tôi ở trên trường, bà lái ngay câu chuyện sang người chị đã qua đời vì ung thư đến gần chục năm. Những điều trong hiện tại lúc ấy đã biến mất, tôi ngờ rằng cả tôi và người bạn kia cũng đã biến mất, chỉ còn có bà với những mảnh kí ức rực rỡ như mặt trời trong căn phòng tràn ngập ánh hoàng hôn của mình.
Tôi biết khi tôi rời đi, những kí ức về tôi không đủ rễ để bám chắc vào trí nhớ đã tàn tạ của bà, nên tôi nhất quyết phải mang bộ trò chơi về, để những giờ phút khi ba con người, một trẻ, một trung niên và một già cùng ngồi với nhau cười nắc nẻ và nói linh tinh bất cứ cái gì hiện ra trong đầu được lưu giữ lại.
Dường như đi hết một vòng đời, người ta lại quay trở về điểm xuất phát. Thời gian có lẽ không phải một đường thẳng, mà là một đường tròn.
2. Hồi mới đi học, hầu như nhắm mắt lại là tôi mơ. Đôi khi tôi mơ thấy có người gọi tên mình. Trí óc chưa quen vận động trong một ngôn ngữ khác căng ra như sợi dây đàn, cộng với cảm giác lạc lõng đến cùng cực, tất cả những dồn nén tôi cố ép vào bên trong ào ạt tràn ra thành những giấc mơ khi tôi không còn đủ sức để canh gác tiềm thức và bắt nó phải cứng rắn. Có những giấc mơ trở đi trở lại, dù khác nhau nhưng luôn kết thúc theo đúng một cách. Tôi mơ thấy mình đang học cấp 2, học cấp 3, đang ở nhà, đang đi chơi, đang hẹn hò, nhưng kết cục bao giờ tôi cũng tỉnh dậy với câu hỏi “nhưng mình đang không ở chỗ này, vậy là mình ở đâu?” Lần nào giấc mơ của tôi cũng dừng lại với cảm giác rối rắm khó hiểu ấy, và lần nào tôi cũng tỉnh dậy với nỗi hẫng hụt vô bờ vì không thể chạm vào quá khứ của mình. Có lẽ trí não tôi không thẩm thấu kịp cái sự thật là cơ thể đã đi xa những gì nó vẫn biết đến nửa vòng trái đất, nên trong những cơn mơ vẫn tự chất vấn mình, và bị dội gáo nước lạnh khi không thể mơ được nữa.
Phải mất hơn 2 năm, tôi mới dần dần thích nghi với môi trường mới, cảm thấy thoải mái khi ở trong nó, và những giấc mơ tràn ngập hoang mang mới ít dần rồi biến mất.
Khoảng cách địa lý vượt qua rất dễ dàng. Chỉ cần lên máy bay, khi bước xuống bạn đã ở một vùng đất hoàn toàn khác. Nhưng khoảng cách về thời gian chỉ có thời gian mới nối được. Tôi 18 tuổi chưa bao giờ xa gia đình, đã mất 2 năm để mơ về sự yên ấm và an toàn ấy, lần nào cũng cay đắng nhận ra khi tỉnh dậy mình đang ở rất xa.
Bây giờ, ngay khi thẩm thấu được là mình lại sắp rời nhà, những giấc mơ ấy lại trở lại. Cảm giác hoang mang, lạc lõng và bối rối vì không biết mình ở đâu đấy, nỗi ám ảnh tôi tưởng mình đã vượt qua được, lại sầm sập kéo về. Tôi đã về nhà được 2 năm, đã ở trong vùng an toàn và yên ấm đủ lâu để muốn đi tiếp.
Nhưng hình như thời gian chẳng có ý nghĩa gì, những giấc mơ khi rời đi vẫn để lại cho tôi cảm giác cô độc y như thế.
3. Thật sự là đôi khi thời gian chẳng có ý nghĩa gì, theo một hướng tích cực. Gặp lại bạn bè cũ, đã gần 10 năm kể từ ngày cuối cùng chính thức liên quan đến nhau (với tư cách bạn cùng lớp). Cấp 3 và đại học ít gặp vì mỗi người một nơi. Đi làm được 2 năm, gom được một số người, và sung sướng vì vẫn có thể ngồi với nhau như hồi 15 tuổi.
“And so we talked all night about the rest of our lives
Where we’re gonna be when we turn 25
I keep thinking times will never change
Keep on thinking things will always be the same”
(Graduation – Vitamin C)
Và bây giờ chúng tôi đã là những người 25 tuổi, đã khác xưa rất nhiều. Những bạn ngày xưa rất mô phạm, giờ lại rất bay, những bạn ngày xưa hiền lành nhút nhát, bây giờ rất sôi nổi. Có rất nhiều sự thay đổi lớn đến ngỡ ngàng, nhưng quả thật “things will always be the same”, tôi thấy xúc động muốn khóc khi ngồi im giữa đám bạn nhí nhố của mình và thấy tất cả chúng tôi vẫn có thể đối xử với nhau như những đứa trẻ cách đây gần một thập niên còn í ới chia nhau nem chua rán ngoài đường. Đôi khi, gặp lại những người của quá khứ để tự nhắc mình về một phần nào đó trong tôi hẳn vẫn chưa thay đổi, và vẫn còn ở nguyên đấy, chỉ đợi được sưởi ấm là sẽ lại trồi lên.
Bỗng nhiên tôi muốn tin rằng, những người mình đã yêu quý từ rất sớm trong đời chắc chắn là những người mình sẽ yêu quý mãi, bởi vì khi ấy, cả tôi và họ đều chưa bị những định kiến, lối mòn, giá trị của xã hội làm vẩn đục. Khi còn trong vắt đã ở bên nhau, thì miễn là cái phần trong đấy không biến mất, chúng tôi sẽ đi theo quy luật vòng tròn của thời gian, và những hồn nhiên sẽ trở lại.
– Who knows?
– Maybe Time will tell.
Leave a Reply