Nói yêu thương bằng ngôn ngữ kí hiệu
Đi xuống
Trước khi gặp cô, tôi chưa bao giờ nghe “Nhìn lại mình đời đã xanh rêu” cả. Câu này nghe rất hay. Lựa chọn từ ngữ phải nói là tuyệt. Một người Việt bình bình bậc trung như tôi khó mà nghĩ ra được câu chữ hay như vậy.
Cô Mộc(***) rất hay dùng câu “Nhìn lại mình đời đã xanh rêu” từ nhạc Trịnh để nói về mình, một cuộc đời tập trung vào việc chăm sóc trẻ em và thanh niên khiếm thính. Tại sao cô lại đánh giá đời mình là “xanh rêu”? Là đi xuống?
Cô Mộc kể ngày xưa cô học trường Tây ở Sài Gòn. Cô học Luật. Cô chẳng bao giờ biết mặc quần tây là gì, bởi vì tủ đồ của cô toàn những váy đầm đắt tiền. Rồi sau này cô dành trọn một năm, hai năm, rất nhiều năm, để dạy ngôn ngữ ký hiệu và luật dân sự cơ bản cho người khiếm thính ở Sài Gòn. Qua chừng ấy thời gian, cô Mộc thấy mình “gần các em quá” và cuộc sống của mình bị thu nhỏ lại, nếu không muốn nói là đi xuống. Thế giới của cô giờ rất ít cách diễn đạt. Cứ có gì không hay là cô nói “ngu,” chứ không đa dạng được về từ vựng như người ta vẫn dùng “ngốc, tiêu cực, ngớ ngẩn, buồn cười, kỳ cục,” bởi vì những khái niệm gần gần giông giống nhau như thế, học trò khiếm thính của cô ít để tâm phân biệt.
Tôi tôn trọng cô Mộc. Khi thiên hướng cách mạng trong tôi nổi dậy, tôi nghĩ cô đã nạn nhân hóa bản thân cô và những người cô yêu thương. Chẳng lẽ cứ sống với những người thiệt thòi, như trẻ em khiếm thính, thì tự nhiên khiến mình trở thành kẻ đi xuống?
Trong khi ở lĩnh vực phi chính phủ, tôi đã gặp nhiều người cứ tự tin họ là anh hùng đến cứu thế giới, nhưng bên cạnh đó cũng không khó tìm những cá nhân như cô Mộc, tức nhóm người nghĩ rằng cam kết vì công bằng xã hội là việc Vừa-Ý-Nghĩa-Vừa-Đi-Xuống. Tôi thấy buồn, buồn đến mức không biết khóc thế nào cho hai quan niệm đối lập này.
Nhưng mà, tôi nói với cô Mộc, “Con không hiểu sao cô lại thấy mình đi xuống. Cô đã kiên trì theo đuổi những gì mà cô cho là đúng. Con chỉ muốn cả đời mình được sống như cô.”
Cô không để ý tới sự chân thành của tôi, mà ngược lại còn như thuyết phục tôi rằng cuộc đời cô đã đi xuống thật. “Nhiều khi bạn học cũ thấy cô mặc quần tây, ốm nhom, rồi còn đi với mấy em câm điếc nữa, người ta không nhận ra cô. Ai cũng nhớ cô ngày xưa rất điệu. Bây giờ thấy cô vầy, bạn cô né không muốn gặp cô, vì họ chê cô hoặc không muốn làm cô tủi thân.”
Thế giới đi xuống của cô
Nói chuyện với cô nhiều hơn, tôi chợt nhận ra suy nghĩ của cô không chỉ là trạng thái tự hạ thấp mình. Cô sống trong một thế giới đi xuống thật. Thế giới đó cô tiếp xúc với nó hằng ngày, đen lắm. Cô Mộc là người nghe nói, nhưng mà hay vì vậy, cách xã hội kỳ thị người khiếm thính khiến cô đau lòng. Thế giới ấy đen quá, nó làm cô thấy như bệnh.
Nhà nước không trợ cấp cho người khiếm thính, bởi vì họ đâu có mất chân tay hay người thân trong chiến tranh, họ-có-khả-năng-lao-động-đấy-chứ. Nhà nước không tổ chức truyền tải thông tin về luật pháp cho người khiếm thính vì Nhà nước cho rằng, họ-chẳng-có-khả-năng-học-hỏi-đâu.
Cảnh sát giao thông thành phố Hồ Chí Minh nghĩ người khiếm thính không cần học luật giao thông. “Điếc câm mà phạm luật giao thông thì sẽ bỏ qua hết. Như vậy là quá chiếu cố rồi. Còn đòi gì nữa?,” một ông cảnh sát giao thông nói thế. “Điếc câm chứ điếc câm đâu có ngu. Không cần thứ chiếu cố đó,” có mấy em khiếm thính đã múa dấu nói vậy.
“Con không biết thôi, chứ Nhà Văn hóa Thanh niên họ tổ chức sự kiện ế thì họ kêu cô đem mấy em điếc câm tới tham dự; bằng không thì lãnh đạo chê họ không biết cách thu hút khách. Nhưng khi có hoạt động gì hay cho họ thu tiền được, thì họ cho cô và mấy em chờ dài dài,” cô Mộc nói thêm.
Nhưng thế này vẫn chưa là cái tệ nhất trong thế giới đi xuống của cô. “Bất hạnh nhất là,” cô kể, “một số em điếc câm cứ nghĩ cha mẹ ghét bỏ mình. Không phải cha mẹ không thương, mà cách cha mẹ thương mấy em có cảm nhận được đâu. Cha mẹ còn không biết ngôn ngữ ký hiệu. Không bày tỏ được cảm xúc, không được chia sẻ, mấy em tự khiến mình sống cô độc, buồn lắm.”
Muốn sống với cái đi xuống
Cô Mộc gần đây hay đau ngực. Cô nghĩ mình bị bệnh. Nhưng bác sỹ nói cô không có bệnh gì cả. Giờ cô Mộc mới phát hiện ra, cô đau ngực vì nói nhiều quá—để giúp học trò khiếm thính của mình diễn giải khó khăn của các em cho xã hội biết, và cũng vì cô khóc nhiều quá—để tự hỏi lòng sao người ta vẫn còn thơ ơ với chừng ấy bất công.
Vậy sao cô vẫn luôn kiên trì lao động vì người khiếm thính? Sao cô vẫn muốn sống với cái “thế giới đi xuống” ấy? “Vì con trai cô,” cô Mộc nói.
Nhiều khi con cô không có ở nhà, cô che hai bên tai lại thật chặt, để thử sống trong thế giới không có âm thanh của con cô. Khi cô nghe được một bản nhạc hay, cô khóc. Cô ước gì con trai cô cũng nghe được âm thanh như cô.
“Nhìn lại mình đời đã xanh rêu”?
Lời nhạc hay khiến người ta dịu lại, như cô Mộc từng nói. Nhưng dịu lại như thuốc phiện thì rất tệ, tôi nghĩ vậy. Đừng để cái lãng mạn của “Nhìn lại mình đời đã xanh rêu” hạ thấp giá trị cuộc sống của mình, cô Mộc nhé. Cô xứng đáng với niềm tự hào, chứ không chỉ có sự dịu lại đâu, cô biết không.
(***) Cô “Mộc” là tên bài viết này đã đặt ra, để bảo vệ cuộc sống riêng tư của nhân vật
Vũ Thị Quỳnh Giao
http://chungvarieng.wordpress.com/
Leave a Reply