“Hôm nay mẹ em nấu gạo nếp mới, bữa cơm đầu tiên của mùa này. Giá mà chị đến ăn cùng em, nhưng chị ở xa quá.”
Qua điện thoại, giọng em nghẹn lại, còn tôi cũng chẳng biết nói gì. Đó là khoảnh khắc tôi biết mình được yêu.
Cô bé học lớp 7, tóc dài đến eo, nhưng trưởng thành hơn rất nhiều tuổi 12 của mình. Khi tôi vọc tay vào mẹt cơm nóng hổi để cùng bóp cơm làm rượu với mẹ em, mới ngơi tay đã thấy em bưng chậu nước để sẵn sau lưng, rửa tay xong ngẩng mặt lên đã thấy em cầm khăn “chị lau đi này”. Trẻ con ở núi thường lớn lên như cây cỏ, nên sự nhạy cảm của em đối với tôi rất đặc biệt. Tôi nhìn quanh thấy bọn trẻ ăn kẹo quen tay vứt vỏ bừa bãi, buông một câu “các em phải vứt giấy vào một chỗ chứ, sao lại để bừa ra thế này”, rồi quanh đi quẩn lại quên bẵng mất, lúc sau nhìn lại em đã cặm cụi đi kiếm cái que củi hất hất kéo kéo gom tất cả đống giấy vụn vào một chỗ. Em nói tiếng Kinh tốt nhất trong đám trẻ tham gia nghiên cứu, thích đọc sách đọc truyện, chỉ có mỗi mình em đã từng đọc truyện “Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn” mà tôi kể cho cả nhóm, và thích học tiếng Anh. Có lẽ vì những điều ấy mà tôi ít là một người lạ với em hơn với các bạn khác.
Chị sang nhà em ăn cơm thăm nhé, cho vui. Tôi lóng ngóng vì không quen leo trèo đường dốc, còn em thoáng cái đã bỏ lại tôi một đoạn xa. Ở núi mặt trời lặn không có đèn, đường đi sang nhà em phải lội qua một con suối, càng về đêm nước càng chảy xiết. Những ngày còn nhỏ có khi em lội nước đến bụng, đến ngực, thậm chí đến cổ. Em đã từng suýt bị lũ cuốn trôi, đầu đập vào tảng đá côm cốp, may mà túm được vào cành cây. Có hôm đi học nhóm về muộn, trời không trăng, em chạy chân không chạm đất, chỉ mong về nhà thật nhanh. Không có đường, bàn chân em thuộc từng vết mòn, từng mỏm đá. Một lần đang đi em giật thót mình thấy một con rắn hổ mang to tướng nằm ngang đường, em cắm đầu vừa chạy vừa khóc, về đến nhà vẫn chưa hoàn hồn. Rồi những bóng cây, những vạt lá, khi đêm đen trùm lên bỗng dữ tợn lạ thường. Những câu chuyện ma được nghe kể lởn vởn trong trí óc, em sợ bị dắt đi, bị đưa đường chỉ lối rồi không tìm được về nhà, nhưng cứ phải đi, không phải vì em không sợ, mà nỗi sợ đã trở thành một phần của đời sống.
Hôm nhà anh trưởng bản nơi tôi ở suốt chuyến công tác mở mấy vò rượu cần, bị nài ép quá nhiều, tôi bỏ trốn ra bờ suối ngồi để khỏi phải uống rượu. Ngồi một lúc, có một chị đi qua rủ tắm, lắc đầu. Một lúc nữa, có một thằng nhóc choai choai chạy lại chọc ghẹo vớ vẩn. Tôi không muốn về, cũng không biết làm gì, vì lúc ra vội quá không kịp mang theo mp3 lẫn kindle. Ngồi một lúc nữa thì có một bóng người tiến lại gần, hóa ra là em. Mắt người ở núi không tiếp xúc nhiều với các thể loại màn hình điện tử nên rất tinh, em nhận ra tôi từ tít phía bên kia suối. Đấy là một buổi chiều kì diệu.
Chị biết không, khi ngồi lên đá thì phải nói, đá đừng làm em nặng mông, để khi đứng dậy không bị mỏi. Tại sao? Tại vì tất cả những hòn đá đã có lúc là người. Thế những người đấy sao lại bị biến thành đá? Em cũng không biết, khi mặt trời ở một vị trí như thế nào đó, thì người biến thành đá. Ngày xưa đá biết nói, cái gì cũng biết nói, con trâu cũng biết nói cơ mà. Có một anh này đi ở cho nhà giàu, chăn trâu cho người ta, nhưng không cho trâu ăn no, nên trâu về mách chủ. Anh ta bèn dắt trâu đến một ông mo, ông mo cho trâu ngửi hương, thế là từ đó trâu không nói được nữa. Thế em nghĩ trâu nói được hay không nói được thì tốt hơn? Không nói được chứ, nếu nói được thì có gì mình làm nó cũng mách.
Em kể chuyện trường lớp, có cô này giảng bài dễ hiểu, thầy kia giảng quá nhanh, chỉ đọc cho chép, có bạn đó bé tí đã thích ăn diện và yêu đương. Rằng em thích đọc truyện, đã từng đọc cả Truyện cổ Bắc Âu, và bố mẹ bảo còn học được thì sẽ cho đi học. Tôi hỏi em nói được tiếng Kinh từ bao giờ, em bảo từ hồi mẫu giáo cô đã nói tiếng Kinh, nhưng em vẫn thích nói tiếng Thái hơn. Em rủ sang bản bên cạnh chơi, ở trên đó có suối rất đẹp. Em dẫn tôi vào một khe nước cây phủ che kín, bướm nhiều màu sắc bay rập rờn trên mặt nước. Chỗ này nước chảy từ khe ra rất sạch, em nói rồi xé một mảnh lá chuối, chụm lại để múc nước đưa tôi uống. Nước ngọt và mát. Gần tết em và các bạn hay lên rừng lấy lá đót để bán cho người ta làm chổi, kiếm tiền ăn tết. Cây đấy nhiều gai, rất dễ chảy máu tay, có khi em kiếm được năm chục nghìn, có khi được vài trăm. Rồi tết đến nếu có bạn nào có xe đạp đến rủ đi chơi, đèo nhau trên đường nhựa, sẽ rất vui.
Tôi cứ dò dẫm đi sau những bước chân thoăn thoắt của em, và nghe những câu chuyện như thế. Em thường đòi đi sau, đòi dắt tay, vì em sợ chị ngã, còn tôi chỉ quen đi đường bằng thì lóng ngóng đến khổ sở với những vách đất dốc trơn tuột không có chỗ nào để đặt chân hay bám tay vào. Ngày xưa khi trời hạn lâu, có một nhóm người đi vòng quanh bản, đến từng nhà gõ cửa để xin mưa, nhà ấy sẽ lấy cái cành cây vẩy mấy giọt nước, hoặc nếu lạnh quá lâu dân mong trời ấm lên mỗi nhà sẽ hươ hươ môt cành củi đang cháy giòn. Như thế có hiệu nghiệm không? Có chứ, nhưng bây giờ không còn ai làm như vậy nữa rồi. Em kể về những người dùng mìn đánh cá ở dưới suối, nên những con cá to ngày xưa đã chết hoặc bỏ đi hết, giờ chỉ còn cá nhỏ xíu ở chỗ nước nông. Rồi những người làm đường vạt núi, khiến nước suối đục ngầu, tôi nhìn theo ngón tay em chỉ và mơ màng tưởng tượng ra một con suối đã từng rất rộng, rất trong, giờ dấu tích còn lại chỉ là một vài lạch nước ngập bùn chảy leo lét.
Ong đang chuyển nhà đấy chị. Đâu đâu? Bay qua rồi. Sao em biết? Thì em nghe thấy, tiếng rì rì của rất nhiều con ong bay cùng một lúc. Đôi tai thành phố đã quen với bao nhiêu năm còi xe và tiếng người chát chúa của tôi không còn đủ nhạy cảm để nhận ra tiếng những lớp khí chuyển động dưới cánh của hàng vạn con ong ở một góc nào đó ẩn sâu dưới rừng đại ngàn nữa. A, có cầu vồng kìa! Tôi chỉ vào một vạt màu ấm áp ở phía xa. Em vội vã níu tay tôi. Đấy là một con rồng đang ngủ, đừng có chỉ vào nó, nó có thể bắt lấy hồn ta. Nếu muốn chỉ thì phải nói “nhà con gà con vịt kìa”, để đánh lừa con rồng không biết là mình đang nói về nó. Ở ngọn núi đấy ngày xưa có con rồng, rồi nó bay về trời từ lâu rồi…
Em bao trùm tôi trong một không gian bàng bạc sự kì ảo của những truyền thuyết, những câu hát cổ bằng thứ tiếng Thái đã không còn được dùng nữa, của những niềm tin rất vững chắc về rồng, về những linh hồn lẩn khuất trong ánh trăng bóng nước, về những sức mạnh kì vĩ và con người chỉ là một phần nhỏ bé, trong cách em chỉ vào một gốc cây, một tảng đá, một góc trời và giảng giải với rất nhiều hồn nhiên, pha lẫn sự luyến tiếc, nhưng vẫn cứ dịu dàng. Dịu dàng và ảo diệu như cái khoảnh khắc em dạy tôi một bài hát trẻ con bằng tiếng Thái ở đầu hồi, giọng em trong vắt, nắng vàng tan chảy trong những mảng xanh trải dài, và tôi cuống quýt lấy máy ghi âm ra ghi lại những phút ấy, mà biết rõ ràng không có công cụ nào, hay bút mực nào, có thể lưu giữ hay diễn tả lại một khoảnh khắc rất đẹp đến mức thần tiên như vậy.
Đôi khi tôi tự hỏi có phải vì tôi hay cho kẹo, tôi là người lạ, hay vì lẩn quẩn bên cạnh tôi em sẽ được bạn bè kinh nể hay không. Nhưng nghĩ lại, rất có thể em quý tôi bởi vì tôi thật lòng thích thú với những điều em kể, vì tôi có thể lắng nghe không biết chán những điều người lớn đã cho là chuyện xưa còn trẻ con cũng không quan tâm nữa. Bình thường một đứa trẻ ở nông thôn không có nhiều cơ hội để nói, nhất là với người lớn, vì họ còn quá bận rộn với chuyện kiếm ăn, hoặc không hề nghĩ con mình có điều gì đáng nghe. Tôi cũng không biết rõ nguyên nhân là gì, tôi thích nghe chuyện còn em thích kể chuyện, có lẽ điều đơn giản ấy kéo chúng tôi lại gần nhau. Em quyến luyến tôi hơn tất cả những đứa trẻ khác trong nhóm, và hôm cuối trước khi tôi rời bản, em đã níu cổ tôi, rớt nước mắt mà rằng “Chị ơi, em sẽ rất nhớ chị.”
Còn tôi thì vô cùng biết ơn cô bé mười hai tuổi mỗi sáng phải đi bộ một tiếng để tới trường, lội suối băng núi, từ lúc bốn tuổi đã biết nấu cơm giặt quần áo và lên nải tìm trâu, những mùa giáp hạt đôi khi nhà thiếu cơm ăn em sẽ nhường phần của mình cho em trai còn bản thân ăn sắn, và thích học tiếng Anh để “sau này ra ngoài đường lớn người ta nói em còn hiểu”, vì em đã cho tôi thấy cuộc đời như thế thật ra rất vui tươi.
Và sau đây là bài hát “Con chuồn chuồn” em dạy tôi ở đầu hiên nhà trong một buổi chiều trong veo đầy nắng
Leave a Reply