Đối diện nhà tôi là một hàng bánh cuốn trứng, không biết có từ bao giờ. Chỉ nhớ là hồi tôi ba tuổi, mỗi sáng trước khi đi học mẫu giáo mẹ hay dắt tay sang đường và hỏi “hôm nay con muốn ăn gì?”. Ngày đó lựa chọn ăn sáng rất phong phú, và cũng rất rẻ. Xôi thì có xôi lạc, xôi dừa, xôi ngô, xôi xéo, phở cũng có phở gà, phở bò, bún lại có bún riêu, bún ốc, bún mọc, bún thang. Vậy mà có lần trong ba tháng liền, sáng nào câu trả lời của tôi cũng chỉ là “con ăn bánh cuốn trứng”.
Tôi không thích bánh cuốn Thanh Trì, một trong những đặc sản nức tiếng của Hà Nội cũng vì hàng bánh cuốn này. Bánh cuốn Thanh Trì mỏng tang, tráng sẵn để ăn nguội với nước mắm có chả quế, kèm một chút ruốc tôm rắc lên trên, và vài sợi nấm hương thái chỉ vừa đủ làm lớp bánh cuốn trắng đục có thêm chút màu sắc và hương vị. Còn hàng bánh cuốn trước cửa nhà tôi có nhân thịt nạc và nấm hương lẫn hành ở giữa chiếc bánh, không xếp cả lớp bánh dày rồi mới cắt nhỏ, mà tráng từng chiếc bánh một. Lúc nào cũng có hai nồi hấp, khi một lớp bột mỏng được dàn đều trên mặt một chiếc nồi thì bánh trên nồi kia cũng vừa chín tới. Vừa đậy vung nồi này lại mở ngay nồi kia, thêm chút nhân vào giữa và cuộn lại. Mỗi lần rải bột chỉ khoảng ba mươi giây là bánh chín, một đĩa bánh cuốn đầy chỉ cần chưa đến hai phút. Bánh cuốn vừa ra lò nóng hổi, nước chấm có hành khô, nếu khách nào thích ăn thêm một quả trứng thì trứng cũng được làm tương tự.
Ngày đấy, hàng bánh cuốn được bán bởi hai mẹ con. Bà mẹ có lẽ khoảng 60 tuổi, nhưng vẫn còn khỏe mạnh, đầu vấn khăn đen, miệng ăn trầu đỏ. Cô con gái câm điếc ngồi tráng bánh, bà cụ cắt những chiếc bánh cuốn trắng mềm đã xong xuôi, bốc một chút hành khô bỏ lên trên, chuyển bát nước chấm cho khách, nói chuyện rổn rảng và thu tiền. Rồi bà cụ yếu đi, không ra ngoài bán bánh nữa, cô con gái câm điếc duy trì hàng quà một mình. Ngày ngày cô vẫn dọn hàng, bán từ 6h đến khoảng 10h sáng, mùa nóng cũng như mùa rét, chỉ phục vụ bánh cuốn trứng, hàng không đông nghẹt, cũng không quá thưa khách, cứ đều đều như nhịp sống của con phố chẳng được xếp vào loại cổ kính cũng không hiện đại hào nhoáng với lớp lớp nhà cao tầng. Phố có vài nhà cao vót lên, có vài nhà vẫn mái ngói đỏ nghiêng nghiêng xếp lớp. Cô bán bánh cuốn lặng lẽ và cũ kĩ làm công việc của mình, phố có người đến rồi đi, có những khách quen già rồi khuất bóng, có những em bé mới được sinh ra, tất cả họ nếu đã ghé qua góc phố này thì đều có lúc thưởng thức món quà sáng mà họ gọi là “bánh cuốn cô câm”.
Vì cô không nói cũng không nghe được nên hàng của cô yên ắng. Phần lớn khách chăm chú ăn, so với hàng bún riêu bên cạnh lúc nào cũng líu ríu, nhiều khi hàng bánh cuốn có vẻ trầm mặc và ưu tư, tưởng như khách ăn đang vừa cắm cúi chấm chấm nhai nhai vừa suy nghĩ về sự đời. Tất nhiên cũng có tiếng những bà mẹ trẻ quát con ăn cho nhanh không được ngậm như thế còn đi học kẻo muộn. Tiếng hàng xóm láng giềng chào nhau khi mới gặp. Tiếng một bác trai nhai nhóp nhép vài cọng rau sống, nhấm một ngụm rượu trắng và “khà” một cái khoan khoái. Rồi tiếng kéo cắt chả lách cách, tiếng túi nilon buộc bánh cuốn cho những khách mua mang về sột soạt, và tiếng cô ú ớ ra hiệu giá tiền cho khách. Hiếm khi có khách qua đường, nên phần lớn khách ăn của cô đều vô thức học được cách ra hiệu đơn giản để nói họ muốn ăn gì cho ngày hôm đấy. Những khi cả hai bên không hiểu nhau, cô bán bánh chưng rán và bà bán nước bên cạnh sẽ xen vào làm phiên dịch, vì đã ở gần nhau quá lâu, họ luôn hiểu cô bánh cuốn muốn nói gì.
Cô nhớ khẩu vị của tất cả các khách quen, bao gồm cả tôi, mặc dù có những thời gian tôi đi vắng nhiều năm không sang hàng của cô ăn được. Người nào thích nước chấm mặn, nước chấm chua vị giấm, hay nhiều hành khô, ít hành khô, bánh cuốn không nhân, trứng già hay lòng đào, cô đều để ý và nhớ cả. Khách nhiều người cũng khó tính, họ có nhiều yêu cầu đặc biệt và có người không đúng như vậy thì bắt cô phải làm lại cho bằng được. Nhưng phần lớn dân ở phố đều đã quen, và cô cũng thuộc hết ý thích của từng người, nên chỉ cần đặt mông ngồi xuống chiếc ghế gỗ dài, là cô đã bắt tay vào tráng bánh cuốn cho họ. Không có tiếng đòi hỏi, không có người cằn nhằn, cô chỉ dựa vào trí nhớ và sự quan sát để biết nên phục vụ ai trước ai sau. Mọi người cứ yên tâm ngồi đợi đến lượt mình, những cháu bé cần đi học sớm cô ưu tiên phục vụ trước. Mỗi lần cần tăng giá cho phù hợp với giá cả thị trường, cô lại vất vả giơ ngón tay ra hiệu cho từng người một, nhưng sau đó họ đều nhớ đĩa bánh cuốn kèm chả hoặc không có chả, nhiều nhân hay ít nhân, một quả trứng và ba chiếc bánh cuốn của mình giá bao nhiêu, và lần sau cứ trả cô như thế.
Không phải thứ quà quê được cố tình làm cho thanh cảnh trong những hội chợ nhằm “bảo tồn và phát huy văn hóa”, cũng không phải loại quà sáng đắt sắt ra miếng trong những cửa hiệu bóng loáng máy lạnh ro ro, cô bán bánh cuốn trước cửa nhà tôi ngồi trong một con ngõ bụi bặm, phục vụ các thực khách trung thành của mình, thiếu đi tiếng nói để kết nối, nhưng sự có mặt bền bỉ của cô hàng ngày bên chiếc bàn gỗ và cái ghế gỗ dài, bên cạnh những sự đổi thay, đến và đi, khiến cho ngày hôm qua vẫn tồn tại trong ngày hôm nay, và khi tôi hai ba tuổi một mình qua đường để ăn sáng, vẫn cảm thấy con phố này có tiếng nói líu lo của chính mình ngày ba tuổi “mẹ ơi hôm nay con ăn bánh cuốn.”
Leave a Reply