Bác là người Hà Đông, mỗi ngày đi đi về về hai tuyến xe buýt để lên Hà Nội bán dạo. Sáng sáng ra ruộng thăm đồng, cho lợn gà ăn no, dọn dẹp nhà cửa, thổi cơm nấu nước, ăn một bữa chắc dạ rồi bác đạp xe ra bến xe buýt đầu làng, và khoảng 1h chiều thì đến khu phố cổ trung tâm thủ đô, bán cho đến 6h chiều lại lên xe buýt về, 8h tối mới ăn cơm, và hôm sau lại tiếp tục như thế.
Làng của bác có nghề làm nón, ngày xưa khi nón còn là một vật dụng cần thiết hàng ngày, mỗi lần đi bán hàng bác mang theo cả một chồng ba bốn chục cái, đi bộ ròng rã khắp phố phường. Ngày xưa bác đi mò cua bắt ốc, cứ ba giỏ ốc đổi lấy một bát gạo, dần dần bắt mãi tôm cua cũng vơi đi, con cái lại đông lên, bác lần hồi theo bạn bè vào thành phố bán nón. Khi ấy chưa có xe đạp, bác cùng chồng đi bộ mỗi ngày 20 cây số, cả đi cả về là 40 cây, thường khi trở về nhà đã nửa đêm, lúc ấy đàn con đã ôm bụng đói đi ngủ hết vì không chờ nổi bố mẹ. Bác lọ mọ thổi lửa nấu cơm, gọi con dậy ăn, vừa ăn vừa đập muỗi, rồi cả nhà lại dắt díu nhau đi ngủ.
Nón dần dần không còn là trang phục thường ngày nữa. Dân thành phố không đội nón mà chuyển sang đội mũ nan, mũ vành, mũ lưỡi trai, rồi mũ bảo hiểm. Những chiếc nón trắng muốt dân làng bác đan ra ngày xưa nức tiếng, bao nhiêu lái buôn ở các vùng miền khác đến đặt mua, thì giờ đây không còn ai cần đến. Từ một vật dụng của đời sống, chiếc nón nơi phố thị trở thành mặt hàng du lịch. Bác chuyển sang bán cho những người khách nước ngoài đã quen mắt với hình ảnh cô gái Việt Nam cười e ấp sau vành nón, muốn có một vật kỉ niệm nào đó mang về đất nước của họ. Họ muốn nón nhỏ hơn, bác làm nón nhỏ hơn. Rồi ai đó nảy ra sáng kiến làm những chiếc nón nhỏ xíu treo lủng lẳng trên một sợi dây như những quả chuông trắng muốt. Bây giờ những chiếc nón chỉ còn ngự trên đầu những người nước ngoài và những chị những cô hàng rong mưa nắng dãi dầu. Người Hà Nội không còn ai đội nón.
Chúng tôi chỉ là những người nông dân, một năm cấy hai vụ lúa may ra đủ ăn, còn bao nhiêu thứ phải chi tiêu, ở nhà thì lấy đâu ra cho đủ. Thôi cứ đi bán thế này, được ngày nào hay ngày ấy, đến khi nào nhọc mệt quá không đi nổi nữa thì đành chịu, chứ bây giờ còn khỏe chân khỏe tay cũng không ngồi chơi được. Cô xem, đi bán hàng lương thiện cả, mà lúc nào cũng phải mắt trước mắt sau, sểnh ra một cái là công an với trật tự phường bắt về đồn, mà mỗi lần bị phạt mấy trăm nghìn, chỉ hai lần như thế là cụt cả vốn lẫn lãi. Vào trong đấy họ bắt viết kiểm điểm, nhiều khi họ bắt lúc chúng tôi đang chuẩn bị về, mà nếu ghi đúng như vậy họ sẽ mắng, bắt phải viết lại, thậm chí còn đá cho mấy cái vào chân, mà giầy cứng đá vào khoeo chân nên đau lắm. Chúng tôi phải viết vào kiểm điểm rằng tôi bị bắt khi đang bán hàng, khi đang đeo bám khách du lịch, làm xấu hình ảnh đất nước.
Giọng của bác nghẹn lại, nước mắt tự dưng ùa ra tới tấp trên khuôn mặt mới phút trước còn hồ hởi. Mấy ngày gần đây trên các báo lớn đăng một loạt tin về những người bán hàng rong quanh khu phố cổ làm phiền khách du lịch và khiến họ có ấn tượng xấu về Việt Nam, rất nhiều người đọc báo để lại bình luận trách móc lực lượng công an, tại sao ăn lương nhà nước mà có mỗi một vấn đề năm này qua năm khác không giải quyết được.
Thật ra chúng tôi không nài ép khách du lịch. Nhiều khi tôi biết họ thích cái nón hay cái quạt, nhưng họ không biết hỏi, tôi cũng không biết mời, nên đành đi theo họ vài bước để lấy cái quạt màu khác, hay cái nón nhỏ hơn ra cho họ xem. Có những lúc họ thích cái quạt màu hồng, tôi lại mời cái quạt màu xanh, chỉ cách có vài bước chân có người khác lôi quạt hồng ra, họ lại mua của người kia, trong khi tôi cũng có quạt hồng để trong túi. Hoặc nhiều khi họ muốn mua cái nón cỡ khác, nhưng không biết làm thế nào để ra hiệu, tôi cũng không hiểu ý, vừa đi qua góc phố họ lại mua đúng cái nón như tôi có của một cửa hàng đắt tiền, mà cửa hàng ấy cũng lấy lại nón của dân làng tôi. Thuận mua thì vừa bán, tôi không ép buộc ai mua cái gì bao giờ. Tôi không hiểu sao có bao nhiêu người móc túi hay cướp giật của khách du lịch thì công an lại lờ đi, còn chúng tôi làm ăn lương thiện lại bị truy đuổi và đối xử như tội phạm?
Rất nhiều gia đình ở làng bác đã sinh sống bằng nghề làm nón mấy đời nay, bây giờ nhiều ruộng đất bị thu hồi để mở đường, xây xí nghiệp, nghề cũ cũng không còn người tiêu thụ, họ trở thành một lớp người trôi dạt, phải bám vào những con đường ở Hà Nội để kiếm sống. Không ai muốn làm người xấu, những người nông dân bần cùng chọn cách bán hàng cho khách du lịch ở phố cổ lại càng không. Họ sinh sống ở rìa thành phố, luôn bị gạt ra ngoài trong mọi kế hoạch phát triển, và ngay khi lặn lội bao nhiêu chặng đường để bươn chải ở trung tâm thủ đô vài giờ đồng hồ mỗi ngày, họ vẫn tiếp tục bị gạt ra ngoài, và có lẽ mãi mãi sẽ chỉ là những thân phận bên lề, không hiểu tại sao mình bị ghét bỏ, không hiểu tại sao mình bị đối xử như một thứ cặn bã xã hội muốn chùi sạch, không hiểu tại sao người thành phố cau mày gọi họ là “đồ nhà quê”, và buồn hơn cả, là không bao giờ biết thắc mắc những câu hỏi khó hiểu ấy với ai để được giải đáp.
Tuan Nam Nguyen says
tôi thích cái cách mà người kể chuyện tìm hiểu câu chuyện, đằng sau những sự thật mà mọi người ai cũng thấy luôn là một câu chuyện, và chỉ khi nào người ta hiểu được câu chuyện đằng sau vấn đề đó thì người ta mới biết cách khi đương đầu với vấn đề hiện tại. Tôi tin một trong những sứ mệnh của kể chuyện là như vậy 🙂 cố lên “người kể chuyện”