Anh hiền lành và nhỏ nhẹ, nhìn giống cậu học trò tối ngày bút nghiên hơn là một anh bán cafe dạo. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy anh dắt xe đạp đi qua Thọ Xương, đã để mắt đến nhưng không gọi. Lần thứ hai, cũng đi ngược chiều trên con ngõ nhỏ ấy, có lẽ mắt tôi nấn ná ở chiếc xe đạp màu kem và thùng xốp đá trắng toát lâu hơn một người đi đường tình cờ, nên bước chân anh cũng chần chừ theo. Là một người bán rong, nhất là một người bán rong cương quyết không rao, không mời chào vì lúc nào cũng ngại làm phiền đến người khác, có lẽ chiến thuật duy nhất của anh trong những ngày đầu là để ý thật nhanh và thật kĩ ánh mắt của những người xung quanh.
Anh là người bán rong có tuổi nghề trẻ nhất trong những người tôi đã từng nói chuyện, cũng là người có lẽ có câu chuyện đặc biệt nhất. Quê gốc Thái Bình, sinh sống từ nhỏ tại Đà Lạt, anh nói giọng Bắc, nhưng không biết vì sống ở cao nguyên hiền hòa quá lâu, hay vì cay đắng chưa đủ để làm bản chất thư sinh biến mất, nên chất giọng Bắc ấy mềm chứ không đanh, cũng không khàn đi vì nắng gió. Quán cafe “Mộc” ở Đà Lạt mở ra với mong muốn làm một thư viện mini cho các bạn nhỏ bị sập tiệm vì anh cương quyết cấm hút thuốc. Trôi dạt về Hà Nội, anh không đủ vốn để làm gì to hơn, nên nhờ bố chuyển cafe Arabia đã rang theo đường ô tô, tự tay xay, rồi đạp xe quanh phố bán rong từng ly một.
Anh là một người bán rong giàu lòng tự trọng, thậm chí đôi khi niềm tự trọng ấy dường như được đẩy lên thành lòng tự tôn hiếm thấy ở những người sinh nhai bằng cách bán hàng trên phố. Anh thà mua loại cốc giấy tự hủy làm từ bã mía và ngô chứ nhất định không dùng cốc nhựa Trung Quốc chỉ rẻ bằng một phần mười. Anh thà cuối ngày đổ cafe đã xay nhưng không bán hết chứ nhất định không để lại dùng tiếp ngày hôm sau. Anh thà dắt xe lững thững, lướt qua con mắt của bao người như một kẻ vô hình, chứ nhất định không mời chào, chèo kéo. Anh bán cho những người hàng thịt, hàng rau, những người buôn thúng bán bưng ngoài chợ và chịu lỗ, chứ không chịu tăng giá để bán cho những người vốn đã giàu và thừa khả năng thưởng thức cafe ở những chốn đắt tiền hơn.
Anh là người lạ đầu tiên tôi chia sẻ với anh giấc mơ của mình về quán cafe và những câu chuyện, nơi người ta không chỉ đến để uống và gặp gỡ bạn bè, mà còn tự làm lành và cảm thấy mình là một phần của một điều gì đó vĩ đại hơn. Tôi được lắng nghe, còn giấc mơ của tôi được truyền lửa, lần đầu tiên tôi thấy mường tượng về không gian nho nhỏ ấy gần hơn một chút, trong khi anh chỉ ngồi im chẳng nói gì. Nghe xong anh bảo, chỉ cần ba người là có thể bắt tay vào làm được. Nhưng tôi không chỉ muốn một quán cafe, tôi cũng không muốn một quán cafe đông khách, tôi muốn nơi ấy trở thành một cộng đồng tinh thần, nên tôi cần thời gian.
Cũng như anh không chỉ muốn là một người bán rong. Anh muốn thay đổi khẩu vị của những người uống cafe, và mang loại cafe hiếm hoi quý phái vốn chỉ dành cho những nơi sang trọng đến từng đầu đường xó chợ để phục vụ cho những người không có thời gian lẫn tiền bạc để nhâm nhi cafe sáng. Có lẽ khi họ cảm nhận được sự ngọt ngào của loại cafe chè không hóa chất không hương liệu, cuộc sống của họ cũng sẽ vì thế mà bớt nhọc nhằn đắng cay hơn chăng?
Tôi không uống được cafe, nên tôi không thể hiểu niềm đam mê của anh với loại thức uống ấy. Nhưng tôi hiểu, và chia sẻ với anh về khát khao mang lại thay đổi. Anh muốn người Việt, và đặc biệt là những người bình dân, biết đến, hiểu và cảm nhận được vẻ đẹp của cafe chè. Anh bảo khách hay chê “cafe gì mà nhạt thế”, “không vị” vì họ quen thứ cafe pha tạp đắng chát. Mỗi lần gặp lại thấy anh đã cải tiến thêm một chút, lúc đầu chỉ là một chiếc thùng xốp để đá tạm, sau một tuần đã thành một chiếc thùng cứng cáp hẳn hoi; rồi thêm một cái khay di động gắn vào ghi đông, khi pha cafe cho khách sẽ mở ra (giống như khay ăn trên máy bay), xong thì gập lại, vài ngày sau nữa lại thấy anh có thêm chiếc khăn xô để lau sạch những giọt cafe vương ra trên miêng cốc, trước ngực đeo tạp dề, hai tay đeo găng nilon. Thay đổi thói quen của một người đã không dễ, thói quen của cả một xã hội lại càng khó. Nhưng thay vì tốn giấy mực để phân tích sự khó khăn ấy, và kết luận câu quen thuộc “không thể làm được”, anh đã bắt tay vào làm, và có lẽ mỗi cốc cafe bán ra hàng ngày, cũng giống như một ngọn nến được thắp lên, dần dần những vòng quay của bánh xe đạp anh rong ruổi khắp phố sẽ cháy bùng thành một ngọn lửa rực rỡ.
* Nếu bạn muốn gặp hay uống thử cafe của anh, hãy ghé thăm facebook của Reng Reng cafe https://www.facebook.com/rengrengcafe
Leave a Reply