“Tại sao tôi lại thấy nhung nhớ họ ngay khi cuộc viễn du chưa kết thúc và hồi còi tiễn biệt chưa lên tiếng?”
Nguyễn Thị Châu Giang – Bay qua thời gian
Vừa gói ghém vừa nghe nhạc không lời. Một ngày mùa xuân ngập nắng và gió. Biết là nắng vì nhìn qua cửa sổ thấy trời xanh ngắt và mặt đất vàng tơ óng ả. Biết là gió vì cũng nhìn qua cửa sổ thấy đám lá khô bị cuốn xoáy vào những cơn lốc nhỏ, xáo xác hất tung lên rồi lại rủ nhau nằm rạp xuống khi gió đi qua.
Thật ra cái chu trình cho đồ đạc vào vali, cân xem vali có bị quá 50 pounds không, rồi đóng vali lại, không mất thời gian. Mất thời gian là ở công đoạn nhấc từng thứ lên, xoay đi xoay lại trong tay để quyết định xem sẽ mang theo hay để lại. Mặc lại vào người từng chiếc áo, ngẫm nghĩ xem trong tương lai mình sẽ cần đến chiếc áo này không. Lần giở từng trang sách, đặt xuống rồi lại cầm lên, bị giằng xé giữa việc cầm theo và rời bỏ. Và như một lẽ tự nhiên, thấy những ngày của 4 năm chầm chậm trôi qua mắt, tuy không rõ ràng như các cảnh quay trong một bộ phim, nhưng cũng đủ hình đủ tiếng để khiến tôi bâng khuâng trong căn phòng ngổn ngang đồ đạc.
Những chiếc vòng gốm và khăn lụa gợi lại lần bán hàng ngày quốc khánh Canada, cả lũ mặc áo dài khăn xếp áo tứ thân rồi rủ nhau về nhà anh Thái ăn phở. Những quyển sách giấy vàng mép quăn, phần lớn là nhặt nhạnh từ đống sách thải ra từ thư viện trường phần lớn chưa đọc, rồi cả những quyển sách dùng trên lớp đã nghiền đi nghiền lại vài lần. Có trang sách bị nhăn vì tôi đánh đổ nước vào rồi xót xa mãi. Cái ống kính vạn hoa tí hon bạn Marie tặng khi thấy tôi thích thú quá. Bức tranh gỗ những con ngỗng trời Canada quà của ông Wilf và bà Lorren. Cái phong bì thư bên trong đựng chiếc vé đi nghe Đức Đại Lạt Ma nói chuyện của bác Nawang người Tây Tạng. Cái đĩa CD nhỏ xíu bạn Linh thu âm, đọc lại những bài viết trên blog của tôi, quà tặng sinh nhật năm 2008, vừa nghe nước mắt vừa chảy như mưa. Vài bức ảnh với người yêu cũ, đã từng in ra và dán lên tường. Một bức vẽ tay và một cái vòng cổ, cũng của một người bây giờ đã là người lạ. Tất cả đống bài viết có điểm và lời phê của các thầy cô và đống vở trong 4 năm vừa rồi có cả ghi chép lẫn những hình bông hoa và những suy nghĩ bất chợt lóe lên tôi viết chi chit ra lề và đằng sau vở, dồn lại xếp thành một tập dày cộp.
Không thể mang theo hết, những cũng chẳng muốn bỏ lại cái gì. Bất cứ mảnh vật nào cũng là một mẩu kí ức, là đại diện của một phần đời, và vì thế không muốn dứt bỏ. Ba ngày đóng gói đồ đạc là ba ngày tôi chìm ngập trong những tiếng chia tay câm lặng với những đồ vật tôi đã mang theo suốt những tháng ngày qua, dù có thể cả năm tôi xếp chúng sâu dưới đáy tủ và không nhìn đến, nhưng nếu chúng vẫn còn ở đây, có nghĩa là tôi đã không thể rời bỏ sau mỗi cuộc thanh lọc là những lần chuyển nhà trước. Nhưng lần này thì không phải là chuyển nhà, tôi không thể thùng lớn thùng bé, xếp vào rồi gỡ ra. Tất cả những gì tôi mang theo phải để được trong 2 chiếc vali lớn, 1 chiếc vali bé, 1 chiếc túi to và 1 cái balo nhỏ. Có lẽ thế cũng đã là quá nhiều.
Nguyên tắc để chọn đồ bỏ đi đơn giản là tôi không dùng đến nó trong thời gian qua và có lẽ cũng sẽ không đụng đến trong thời gian tới. Những thứ là quà người khác tặng phải giữ lại. Bà ngoại đan cho hai cái mũ, dù hầu như chẳng đội bao giờ, tôi vẫn không đành lòng bỏ đi. Những tấm ảnh và chiếc vòng có mặt trái tim, tôi không giữ lại. Mỗi lần mở cái hộp đựng vòng đó ra, ở bên dưới kèm theo một mẩu giấy ghi vỏn vẹn 4 chữ “Yêu em trọn đời”, tôi lại được nhắc cho nhớ về cái chắc chắn đến nực cười của những người đang yêu. Những tờ giấy nháp chi chit chữ viết tay của tôi bằng bút chì, là kết quả của những lần viết đi viết lại kết cấu cho một bài luận, và ghi chép vội vàng những ý tưởng chớp nhoáng- sau này sẽ nghĩ tiếp – đành phải bỏ đi, mặc dù tôi tiếc đứt ruột. Tôi nhớ chính mình đã phải khổ sở thế nào để kết nối và dựng lên được một cấu trúc hợp lý. Tôi muốn sau này có cái để mà đọc lại và nhớ ra đã từng có thời mình học hành say mê đến thế. Nhưng mà đành trút tất cả vào cái túi đựng rác to. Và tôi bần thần với lời chia tay không thành tiếng với từng mảnh đồ vụn, cũng là chia tay với từng mảnh kí ức vụn, chia tay với 4 năm tuổi trẻ của mình, và chia tay với đất nước này.
4 năm không ngắn, khi nhìn lại và thấy mình đã có thời gian để tích góp nhiều đồ đạc và nhiều kỉ niệm như thế. Khi dọn phòng hộ cô bạn cùng nhà, tôi thấy một phong bì thư, dấu tích của một mối tình rất cháy bỏng nhưng không đi đến đâu. Tôi không đành lòng vứt đi, dù đấy là kí ức của người khác, nhưng nó quá đẹp, thế là tôi xếp vào vali của mình, dù chẳng biết sẽ làm gì với nó. Tình yêu, dù ở dạng nào, dù là từ ai đến với ai, vẫn có khả năng chạm đến trái tim người khác, dù đó là trái tim của một người ngoài cuộc chẳng hề dính dáng như tôi.
Tôi chưa bao giờ phải rời xa nơi nào với dự cảm sẽ không bao giờ gặp nhau lần nữa. Ngày rời Việt Nam, tôi có một mốc hẹn để trở về. Bốn năm dù dài cũng không phải mãi mãi. Nhưng bây giờ, cứ đi thôi, miệng nói “hi vọng sẽ quay trở lại” nhưng trong lòng biết hi vọng đó rất mong manh. Tôi không biết tôi chính xác là tiếc nhớ cái gì, vì tôi hiểu rõ tôi không muốn ở lại đây suốt đời vì thế chắc chắn không phải tiếc nhớ Canada. Không lẽ tôi tiếc nhớ chính mình? Có thể lắm, chỉ vài năm nữa thôi, Canada đối với tôi sẽ trở thành một biểu tượng của những ngày tự do vô lo vô nghĩ. Khi một điều đã trở thành biểu tượng, có nghĩa là người ta không cầm được nó ở trong tay nữa.
Mới đọc được một câu rất hay thế này: “Now the real treasure, to end our misery and trials, is never far away…But there is the odd and persistent fact that it is only after a faithful journey to a distant region, a foreign country, a strange land, that the meaning of the inner voice that is to guide our quest can be revealed to us” (Zimmer).
Chỉ còn hơn một tuần nữa thôi. Thời gian cứ trôi và những đám mây sẽ tiếp tục bềnh bồng.
Leave a Reply