“Mỗi cuộc đời ẩn chứa rất nhiều câu chuyện” – tôi không nhớ chính xác mình bắt đầu nghĩ thế này từ khi nào, chỉ biết chắc rằng suy nghĩ đó đã loanh quanh luẩn quẩn trong đầu tôi từ rất lâu. Tôi bắt đầu viết blog từ năm lớp 11, ban đầu chỉ là những dòng suy nghĩ về những thứ xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của bản thân tôi. Dần dần, có nhiều người, cả bạn bè và người lạ, nói rằng họ thấy bóng dáng của họ, và cảm thấy được chia sẻ, thậm chí được an ủi bởi những dòng viết mà khi gõ ra tôi không nghĩ có tác dụng gì ngoài việc kể lể những nỗi niềm của riêng mình.
“Vẻ đẹp nằm trong sự bình dị” – tôi cũng theo đuổi niềm tin này từ rất sớm. Tôi tin là những thứ đơn giản và gần gũi nhất ở lại với người ta dai dẳng nhất. Tôi thích những câu chuyện bình thường. Tôi có thể ngồi lắng nghe hằng giờ đồng hồ những chuyện đời dông dài như những dòng sông, không hồi hộp gay cấn như những chuyện án mạng đăng báo, hay lãng mạn êm ái những cuốn tiểu thuyết phải làm thổn thức con tim người đọc. Càng ngày báo chí và giới truyền thông nói chung càng bỏ qua những con người bình thường để chạy theo những câu chuyện bất thường. Tôi giở báo ra và thấy nhan nhản những anh chàng, cô nàng ca sĩ diễn viên tuổi chỉ đôi mươi nhưng phát biểu hùng hồn về những khái niệm cao cả và trừu tượng như chân lý, đam mê, hi sinh, tình yêu nghệ thuật. Họ là những trường hợp đặc biệt, nhưng họ không phải là tất cả.
Thôi thúc bởi mong muốn lưu giữ lại những câu chuyện của những người xung quanh tôi, những người mà bình thường rất ít khi lên tiếng và càng ít được lắng nghe, tôi làm “Kể chuyện”. Lần gần đây nhất về thăm ông ngoại ở quê, tôi mang theo máy ghi âm để định ghi lại những câu chuyện của ông, nhưng ông đã bị lẫn, thậm chí không còn nhận ra tôi nữa. Vậy là những câu chuyện độc nhất, bởi vì mỗi cá thể sống trên đời này là duy nhất, của ông đã vĩnh viễn biến mất. Sẽ không còn ông ngoại thứ hai, không còn những sự việc, dấu mốc, quyết định, số phận, may mắn, tình cảm đan xen vào nhau đúng theo cách chúng đã xảy ra với ông ngoại nữa. “Khi một người già mất đi là một thư viện đã bay về trời”, nhà báo Đoàn Công Lê Huy cách đây rất lâu đã từng viết như vậy. Cứ nghĩ rằng sau này con cháu tôi sẽ không biết chút gì về ông ngoại tôi, một người đàn ông có thể không đặc biệt nhưng lại là duy nhất, tôi thấy rất buồn.
Tôi tin vào sức mạnh của những câu chuyện, và tôi thích việc lượm lặt rồi kể ra những câu chuyện nho nhỏ của những con người bình thường. Tôi đã luôn muốn sau khi ra trường mình sẽ đến những ngôi làng nhỏ xa xôi, ngồi lại và lắng nghe những câu chuyện của họ. Thay vào đó, sự thật là tôi đã đi làm và ngồi trong những văn phòng có bốn bức tường máy lạnh chạy ro ro. Nhưng mong muốn đó vẫn không nguội đi, vì thế tôi tạo ra “Kể chuyện”, cũng là một cách để tự nhắc nhở và khuyến khích bản thân về ước mơ của chính mình.
Nếu bạn đã ghé thăm, rất mong bạn sẽ dừng lại để lắng nghe một vài câu chuyện.