Mỗi khi đến một thành phố mới, hai điều mình luôn muốn trải nghiệm là hệ thống thư viện và hệ thống giao thông công cộng. Nếu một thành phố hào nhoáng và hoa lệ không chăm lo được nhu cầu tiếp cận tri thức và nhu cầu đi lại của đám đông đại chúng, thì đó vẫn không phải là nơi đáng sống. (Dĩ nhiên còn các dịch vụ xã hội quan trọng khác như trường học, bệnh viện, nhưng là khách du lịch thì khó mà xông vào bệnh viện hay lớp học đi lang thang được, nên mình bằng lòng với việc đi xe buýt, đi tàu điện ngầm, đến thăm và tham gia vào các hoạt động của thư viện tại địa phương).
Có lẽ điều mình nhớ nhất ở Canada sẽ là sự hỗ trợ tuyệt vời của hệ thống thư viện ở đây. Với thư viện trường đại học, là sinh viên cao học, ngoài khả năng mượn không giới hạn sách ở tất cả các thư viện của trường và các viện, cao đẳng trực thuộc trường, mình còn được mượn sách từ các trường đại học khác trong Canada, khi cần chỉ cần gửi yêu cầu online là sách sẽ được gửi đến thư viện trường mình. Chưa hết, mình có thể yêu cầu đặc biệt để được mượn hoặc gửi bản sao của các tài liệu từ nước khác, châu Á, châu Phi, châu Úc, châu Âu, đều có thể dàn xếp được. Trong một lớp mình học, có bạn yêu cầu lấy bản sao từ một nước nào đó ở châu Phi, khi tài liệu đến nơi thì đã quá hạn nộp bài vì bị giữ lại ở hải quan quá lâu do đợt đó bệnh Ebola đang hoành hành. Nhưng dù sao, mình cũng rất khâm phục sự tận tụy của các nhân viên thư viện trường, cất công liên hệ tận châu Phi xa xôi để phục vụ một bài viết cuối kì của một đứa sinh viên không tên tuổi.
Mình đã từng gửi yêu cầu để thư viện trường mua một quyển sách mình cần cho nghiên cứu, và rất ngạc nhiên khi thấy yêu cầu được chấp nhận ngay lập tức mặc dù sách đó mới ra, khá đắt và là sách về Việt Nam nên chắc sẽ không nhiều người đọc. Thư viện cũng hỗ trợ phòng đọc riêng cho sinh viên cao học cần nhiều thời gian nghiên cứu, và dĩ nhiên là thường xuyên tổ chức các buổi dạy kĩ năng tìm kiếm, tra cứu, và sử dụng các phần mềm ghi chú trong bài viết.
Với thư viện thành phố, chỉ là một người sống ở đây (không cần là công dân hay thường trú gì cả), mình được làm thẻ miễn phí. Ngoài sách thì rõ ràng rồi, thư viện thành phố còn liên kết với rất nhiều trang web dạy học (như Lynda.com, Mango Languages, Hoopla), các tờ báo lớn trên khắp thế giới, nên người có thẻ thư viện thoải mái truy cập, cũng miễn phí. Các chi nhánh của thư viện thành phố luôn có hoạt động dành cho mọi đối tượng, kể chuyện cho em bé, hội đan len, hội trồng cây, lớp tiếng Anh cho người mới đến, chiếu phim cho thiếu niên, lớp tiền sản cho các đôi vợ chồng, các buổi thảo luận về triết học. Tất cả đều dành cho người dân tham gia mà không cần tốn một đồng.
Mình thích những lúc ngồi trong thư viện ở trường Trent, bốn bên và trần nhà đều là kính, ánh nắng chan hòa và dòng sông xanh thẳm dưới chân. Thư viện ở Western thì không được nên thơ như vậy, nhưng cũng có những góc vắng người qua lại, nhìn ra ngoài thấy tuyết rơi chầm chậm, hoặc những dây leo bò lên tường đang dần ngả sang màu đỏ. Cái không khí lặng như tờ trong một thư viện đông người gần ngày thi, ai cũng miệt mài và hăng say học tập, dù nghe được cả tiếng lật giấy, nhưng không hề nặng nề, mà ngập tràn một thứ năng lượng đầy nhiệt huyết. Mình thường nghĩ, chắc chỉ có ở trường đại học, người ta mới thấy già trẻ gái trai, không phân biệt màu da, tôn giáo, địa vi, ai ai cũng chung mục đích, đều đeo ba lô hăm hở lao đi trên con đường tự cải thiện bản thân và làm giàu tri thức.
Lúc đọc trên trang web thư viện thành phố London, có mục hỗ trợ cho những người già hoặc khuyết tật không ra khỏi nhà được bằng cách mang sách, DVD hoặc các ấn phẩm khác đến tận nhà mỗi tháng, mình thấy xúc động gì đâu. Những người không tự đến thư viện được do điều kiện sức khỏe có thể tự chọn sách qua mạng ở nhà, hoặc đăng ký sở thích đọc sách của mình, và mỗi tháng sẽ có nhân viên thư viện mang sách do người đó tự chọn, hoặc thủ thư chọn theo sở thích đã được đăng ký từ đầu. Bình đẳng và inclusiveness (không biết dịch là gì) được thực hành từ những việc nhỏ như thế. Nhu cầu tiếp cận tri thức, kể cũng nên được coi là quyền cơ bản của con người.
Và mình sẽ nhớ những buổi ngồi nghe kể chuyện được đệm đàn hạc ở thư viện thành phố ở Peterborough. Thư viện trung tâm Vancouver cho dùng Internet miễn phí kể cả không sống ở đó, và đi qua cửa kính, vào trong rồi lại thấy mình đang đứng trên một con ngõ nhỏ. Một thư viện nhánh ở Vancouver chiều chủ nhật, thì mình ngồi ngắm ba đứa bé Trung Quốc được một cô gia sư trẻ măng dạy kèm toán, cứ học được một lúc bọn trẻ chồn chân lại đứng lên đuổi nhau huỳnh huỵch. Thư viện Toronto tổ chức những buổi đi bộ miễn phí để kể về lịch sử, kiến trúc và văn hóa của những khu dân cư khác nhau. Thư viện New York đẹp như một tòa lâu đài, được thiết kế với tầm nhìn rằng nó sẽ biến thành phố ấy trở thành trung tâm của thế giới. Và thư viện ở Washington DC thì gợi cho mình cảm giác như đang ngồi ở trường Hogwarts.
Với hệ thống hỗ trợ tốt như vậy, nếu học dốt thì chỉ có thể tự trách bản thân. Hồi bé mình mong lớn lên được làm thủ thư, để cả ngày không phải làm gì chỉ ngồi đọc sách, và lúc nào cũng được bao quanh bởi bao nhiêu là sách. Lớn rồi thì hiểu làm thủ thư không chỉ gồm lấy và cất sách, mà cần được đào tạo chuyên sâu, nhưng cũng thấy thư viện còn kì diệu hơn là một kho chứa sách khổng lồ, rất rất nhiều lần. I’m just in love with libraries.
Tự nhiên nhớ đến thư viện quốc gia trên phố Tràng Thi, lần nào mình đến cũng bị tra tấn bởi tiếng nhạc chói tai từ các hàng bán loa đài bên cạnh.
MINH TRAN says
Inclusiveness: mình sẽ dịch là “không phân biệt” đó bạn. ^^
Bài viết của bạn rất hay. Mình đang sống và làm việc ở Canada nên thấy những điều bạn viết rất đúng. Cho phép mình chia sẻ những bài viết hay và đầy thông tin và tri thức hữu ích của bạn lên facebook cho bạn bè mình biết với nhé.
Cám ơn bạn rất nhiều.