Sáng nay, tại Media Mart mới mở, nằm trên khoảnh đất của rạp Dân Chủ cũ trên phố Khâm Thiên, người ta xếp hàng dài dằng dặc chờ mua đồ khuyến mại. Bà con nô nức tay xách nách mang những món đồ điện tậu được, không khí mua sắm hừng hực không kém gì ngày Black Friday ở Mỹ.
Rạp Dân Chủ đã biến thành môt cửa hàng bán đồ điện. Rạp Đặng Dung từ lâu đã là quán bia hơi. Hồi đầu năm, tôi đi cùng một nhóm người nước ngoài qua đây, họ đứng lại để nói cho nhau nghe rằng đây từng là một địa điểm văn hóa nhộn nhịp của thành phố, thì bị những bạn thanh niên dắt xe của quán bia ra chèo kéo, trêu chọc. Rạp Bạch Mai cách đây vài năm, đã thành quán Loteria, giờ sáng choang hình ảnh các món ăn nhanh ngập mỡ. Rạp Ngọc Khánh tầng 1 cho thuê làm quán cafe.
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, nơi có cột cờ Hà Nội, trong khoảnh sân rộng rợp bóng cây cũng được tận dụng làm quán cafe Highland. Các bảo tàng khác, nhiều khi đi lướt qua, cũng thấy được chuyển chức năng làm bãi đỗ xe ô tô.
Nhà văn hóa quận Hai Bà Trưng trên đường Bạch Mai có hội trường rộng, mùa này được trưng dụng làm đia điểm tổ chức đám cưới. Triển lãm Giảng Võ thì đã được bán cho Vingroup, đang xây cao ốc 50 tầng nên các gian hàng thương mại gần đây chuyển hết sang công viên Thống Nhất, thỉnh thoảng đi tập thể dục buổi chiều tôi thở dài ngao ngán vì sự yên tĩnh của mặt nước và những tán cây bị phá nát bởi những tiếng chào hàng cùng tiếng nhạc xập xình từ loa thùng cỡ đại.
Người ta nói nhiều về việc các rạp không bán được vé, ế ẩm, nên buộc phải dẹp bỏ. Tôi không nghĩ rằng người dân ta không có nhu cầu văn hóa. Đã từ lâu lắm rồi, các sự kiện âm nhạc, múa, điện ảnh, các cuộc thảo luận về sách hay những vấn đề xã hội, tôi thường dựa vào các trung tâm văn hóa nước ngoài. L’espace của Pháp, viện Goethe của Đức, trung tâm văn hóa Nhật Bản và trung tâm văn hóa Hàn Quốc đều thường xuyên tổ chức các chương trình phục vụ công chúng. Người dân cũng chen nhau đến xếp hàng lấy vé, và ngồi đầy cả rạp hát Tuổi Trẻ hoặc Nhà hát Lớn. Ngay như chương trình âm nhạc đường phố của Luala cũng dễ dàng thu hút đám đông mỗi lần biểu diễn.
Vậy thì chúng ta đang thấy gì? Sự thay thế của những giá trị văn hóa bằng những giá trị tiêu dùng. Sắp tới, rạp Cinematheque trên đường Hai Bà Trưng, một rạp nhỏ hiếm hoi còn sót lại có những buổi công chiếu phim tài liệu, phim có chất lượng (không phải phim thương mại, phim bom tấn), cũng chuẩn bị ra đi để nhường chỗ cho một Vincom lấp lánh nữa.
Một phụ nữ trung niên mà tôi biết, nghe hàng xóm kháo nhau cửa hàng ở chỗ rạp Dân Chủ cũ giảm giá nhiều, háo hức ra Media Mart để mua một chiếc bàn là, dự định là khoảng 300 ngàn. Khi về, bà cầm một chiếc 800 ngàn, và xuýt xoa mừng là mình mua được rẻ, tiết kiệm được nhiều. Khi tôi rụt rè đưa ra gợi ý rằng, bà đã tiêu nhiều hơn số tiền mình dự định là 500 ngàn, bà nói, cái này giá khi chưa giảm những 1 triệu 3. Tôi lại rụt rè nói tiếp, rằng bà có thể đã bị chi phối bởi việc những món đồ bày ra trước mắt, thì bà quả quyết rằng, mình mới là người đưa ra lựa chọn, chứ không hề bị chi phối gì cả. Một người tiêu nhiều hơn số mình dự định là 500 ngàn, nhưng vẫn hồ hởi vui vẻ móc túi và nghĩ rằng mình đã tiết kiệm được 500 ngàn.
Ở Mỹ, có những khu nhà nghèo không có siêu thị bán rau củ quả tươi, nhưng lại có đến 50 cửa hàng bán rượu bia. Kết quả là những người nghèo béo phì và nghiện rượu. Còn ở ta, khi những trung tâm hoạt động văn hóa ít ỏi cuối cùng bị chặt hạ, để thay bằng những trung tâm thương mại ầm ĩ và bóng bẩy, có lẽ kết quả sẽ là những người tiêu dùng chỉ biết móc túi một cách ngoan ngoãn mà không biết nghĩ.
Những giá trị tư bản, thật ra đã ở gần lắm rồi.
Leave a Reply