Cứ mỗi khi có một khủng hoảng liên quan đến trẻ em xảy ra, mình lại thấy một xu hướng lặp đi lặp lại: Trách nhiệm được quy về cá nhân.
Xu hướng này sẽ được cụ thể hóa theo hai chiều. Chiều thứ nhất, người ta bới móc, chửi rủa, lăng mạ những người đã gây ra tội lỗi đó. Vụ các cô bảo mẫu dìm đầu trẻ xuống bể nước, người ta đòi tử hình, xử trảm, giết chết những cô bảo mẫu. Vụ lão già dâm ô trẻ ở sân chung cư và trong thang máy, người ta đòi thiến, bỏ tù, đến nhà kẻ gây tội phun sơn vào cửa. Vụ trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô, người ta lưu truyền gốc tích “ô dù” của những người nắm quyền cao nhất trong trường.
Không có gì sai khi đòi những cá nhân phải chịu trách nhiệm với tội lỗi mình đã gây ra. Nhưng vấn đề là ở chỗ, việc này sẽ không giảm thiểu khả năng những khủng hoảng tương tự sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai. Không có xã hội nào chỉ toàn người tốt, sẽ luôn có những kẻ rình rập trẻ con để xâm hại tình dục, sẽ luôn có những người dù vô tình hay cố ý, làm trẻ nhỏ bị tổn thương. Sau vụ em nhỏ tử vong trên xe, người ta nhắc nhiều đến những vụ chính bố mẹ bỏ quên con mình trên xe, thậm chí thế giới còn có hẳn tên riêng cho những tai nạn kiểu như vậy (the “Forgotten baby syndrome”, hội chứng bỏ quên con). Tức là nếu ngay đến những người gần gũi nhất, thương yêu đứa trẻ nhất, còn có thể quên, thì chẳng có gì đảm bảo là những người dưng nước lã, không có tình thân hay ràng buộc gì với trẻ ngoài phận sự công việc, lại không lặp lại tai nạn đó.
Chiều thứ hai, người ta nhắc bố mẹ phải chịu trách nhiệm trong việc dạy con mình những kiến thức có thể áp dụng trong những tình huống nguy hiểm, hoặc lan truyền những thông tin để giúp bố mẹ phát hiện, ứng phó, xử lý khi một khủng hoảng kiểu như vậy xảy ra. Trẻ con bị đánh ở trường, thì trên mạng sẽ có những bài viết về những dấu hiệu của trẻ khi bị bạo hành (thức giấc giữa đêm, khóc dai dẳng, sợ hãi vô cớ), và các bố mẹ cứ phải trông vào đó mà nơm nớp đoán mò những gì xảy ra với con khi mình không có mặt. Vụ lão già dâm ô, thì rất buồn cười, trên TV còn phát tin theo kiểu “bố mẹ phải dạy con chạy vòng quanh trong thang máy”, cứ như một đứa trẻ yếu ớt thì có thể gắn mô tơ vào chân và chạy thoát nổi một gã đà ông. Rồi những hình ảnh dạy các tư thế võ tự vệ khi có người tấn công, cứ làm như kiểu bí kíp võ công ghi trên cuốn sách bằng da trong phim chưởng, không cần có nền tảng gì, cứ nhìn theo đó là tự nhiên sẽ tung chưởng thành thạo, kẻ xấu chết như ngả rạ. Khi có đám cháy trong chung cư thì người ta chia sẻ cho nhau những hướng dẫn để trẻ con thoát khỏi đám cháy, phải biết úp khăn ướt lên miệng, phải biết bò dưới thấp, lấy giẻ chặn khe cửa, vân vân và mây mây.
Cũng không có gì sai khi chia sẻ kiến thức và nhắc nhở nhau về những điều chúng ta nên dạy con, dạy về an toàn thì lại càng quan trọng. Nhưng vấn đề là việc này không thực tế. Một đứa trẻ sẽ chỉ có thể nhớ được một số ít hữu hạn những thông tin kiểu như vậy. Người ta có thể kì vọng một đứa bé lên 4 nhớ tên mình, tên và số điện thoại bố mẹ mình, địa chỉ nhà mình, nhưng không thể kì vọng bé biết phải làm gì khi bị lạc trong rừng. Hay một đứa bé lên 6, thì có thể biết phải tránh xa lửa, phải cẩn thận khi dùng dao, phải nắm tay mẹ khi đi thang máy, nhưng không thể kì vọng bé phải biết tung cú đá vào mặt một kẻ định sàm sỡ mình.
Hơn nữa, có kiến thức thì không bao giờ thừa, nhưng cũng không bao giờ là đủ. Kiến thức đơn thuần không thể bảo vệ trẻ nhỏ khỏi những rủi ro, vì trẻ sẽ không bao giờ tư duy như người lớn. Trẻ con thì cần được vô lo, vô tư, vô ưu. Trẻ phải được chạy nhảy, học hành, lớn lên và sống trong sự an toàn và bao bọc của cả xã hội. Làm bố mẹ và làm trẻ con ở Việt Nam quá khổ. Bố mẹ thì ra sức xoay sở để lo cho con. Con thì bị dội vào đầu bao nhiêu thứ phải biết, bị kìm kẹp, bị tước đi tự do, chính nhân danh nỗi lo về sự an toàn.
Điều mình muốn nói là, khi có khủng hoảng liên quan đến trẻ con xảy ra, chúng ta nên nhìn vào hệ thống, vào cấu trúc xã hội, vào các chính sách, các luật, các cơ cấu quản lý, và yêu cầu những người có chức có quyền chịu trách nhiệm, vì đó chính là trách nhiệm của họ, đảm bảo cho người dân một xã hội đủ an toàn để sống. Điều đó, mình chưa thấy nhiều.
Có một chị bạn sau khi sống ở Montreal 5 năm, và cho hai con nhỏ về Hà Nội một lần, nói với mình là “Cho con về Hà Nội lúc nào chị cũng căng thẳng. Lúc nào cũng phải mắt trước mắt sau, nhìn ngang ngó dọc, quát con không được chạy, không được nghịch, không được sờ. Lúc nào cũng sợ con sẽ bị xe đâm. Ở đây thì chỉ cần thả chúng nó vào công viên là mình ung dung, bọn nó tha hồ chạy nhảy”.
Có lần, mình dắt một bạn 5 tuổi vào công viên Thống Nhất, vừa lơi tay một cái, bạn ý suýt bị xe máy phóng vù trong công viên đâm phải. Mình hoảng hồn, bắt thằng bé tập đi tập lại việc nhìn bên phải, nhìn bên trái trước khi qua đường. Mà thật ra đấy không phải qua đường, mà là đi từ bên này sang bên kia của đường đi bộ trong công viên. Đáng lẽ thằng bé phải được chạy nhảy, và người đi xe máy phải bị phạt thật nặng. Đáng lẽ mình phải được thong dong, và thằng bé phải được tự do lăn lộn điên cuồng, vì đấy là công viên cơ mà.
Ở Canada, xe buýt trường học được ưu tiên hàng đầu. Mặc dù không thuộc các loại xe công vụ hú còi, nhưng bất cứ người lái xe nào đều phải biết kính nể mà đỗ cách xa đằng sau khi xe buýt chở học sinh dùng đến biển “Stop” và nháy đèn cho bọn trẻ đi xuống, vì nếu không, lỗi phạt sẽ là nặng nhất, trừ đến 6 điểm trên bằng lái. Các đoạn đường đi qua công viên, trường học, thậm chí những khu nhà dân đông trẻ con, luôn có biển báo giảm tốc độ còn 30km (bình thường đường trong phố là 50km). Đi quá tốc độ ở những đoạn có biển báo này cũng bị phạt rất nặng. Người ta còn cắm những bảng điện tử đo tốc độ của xe chạy qua, ai đi dưới 30km sẽ được cảm ơn, ai đi trên 30km sẽ bị báo nguy hiểm, để nhắc nhở người lái.
Đã từng bị kết tội xâm hại trẻ em ư? Có một danh sách liên tục được cập nhật gồm tên, đặc điểm nhận dạng, địa chỉ của những người như vậy. Bố mẹ nào cũng có thể xem danh sách này để biết gần khu mình ở có kẻ nào từng bị kết tội không. Bất cứ ai làm việc với trẻ em hay các đối tượng yếu thế khác (người già, người khuyết tật) dù trong công việc trả lương hay làm tình nguyện, đều cần nộp một biên bản chứng nhận của công an thành phố là chưa từng phạm tội, tức là đủ tốt để lại gần trẻ con.
Đó chỉ là một số luật và quy định mà người lớn trong xã hội này bắt buộc phải tuân theo để gia tăng an toàn cho trẻ con.
Năm 2017, ở Windsor, Canada, một bé gái 4 tuổi bị bỏ quên 3 tiếng đồng hồ trên xe buýt trường học trong một ngày đông rét buốt. Lái xe đỗ xe trong một bãi đỗ xe vắng vẻ, và còn khóa kín, khi cảnh sát đến cũng phải đợi người của công ty xe buýt mở cửa mới vào được bãi đỗ xe. Rất may, bé không sao. Lái xe bị đuổi việc và gia đình bé kiện công ty xe buýt lẫn trường mẫu giáo.
Năm 2014, ở Hàn Quốc, chuyến phà bị chìm khiến hơn 200 học sinh trung học tử vong. Sau đó, rất nhiều gia đình của những nạn nhân đã biểu tình trước phủ chủ tịch. Điểm tín nhiệm của Tổng thống Park Geun-hye sau sự cố này tụt thê thảm, và bà này sau đó đã bị Quốc hội đình chỉ chức vụ, đặc biệt vì bà đã bí mật lên một danh sách đen gồm những nghệ sĩ tưởng niệm các nạn nhân của vụ chìm phà. Thủ tướng Chung Hong-won nộp đơn từ chức. Hiệu phó của trường trung học, người lên kế hoạch chuyến đi chơi cho các em, đã tự tử. Người ta cũng rà soát lại những vấn đề trong kiểm soát độ an toàn của tàu, gia tăng số lượng thanh tra gấp nhiều lần và báo chí đưa rất nhiều phóng sự về những bất cập trong công tác kiểm tra, như việc bản thân các thanh tra lại được trả lương bởi các chủ tàu, nên họ ít khi dám lên tiếng.
Năm 2017, ở Vancouver, Canada, một bé trai tử vong ở nhà trẻ vì nghẹn dây điện, do nhà trẻ quá đông và không có ai để mắt đến bé. Gia đình bé kiện nhà trẻ, và kiện cả Bộ y tế và Bộ giáo dục của tỉnh, với lý do là những cơ quan này đã không làm tròn trách nhiệm quản lý của họ khi để một cơ sở trông trẻ như vậy hoạt động, mặc dù cơ sở này thuộc loại “không có giấy phép”, tức là không đáp ứng những tiêu chí bắt buộc của các cơ quan quản lý để được cấp giấy phép.
Năm 2013, ở Vaughan, Canada, một bé gái 2 tuổi tử vong vì cô giáo ở nhà trẻ bỏ quên trên xe. Vụ việc này khiến Bộ giáo dục của tỉnh phải thừa nhận mình đã không xem xét những đơn khiếu nại của phụ huynh về nhà trẻ này, cũng như nhiều nhà trẻ không có giấy phép khác. Báo chí yêu cầu Bộ giáo dục phải cung cấp hồ sơ trong 1 năm trước khi xảy ra sự việc. Hai nhân viên trực tiếp phụ trách việc quản lý nhà trẻ của Bộ bị đình chỉ công tác. Bộ này phải rà soát lại và thay đổi rất nhiều quy định liên quan đến việc quản lý nhà trẻ. Đảng Tự do, lúc đó không nắm quyền, cũng dùng vấn đề này để hứa hẹn sẽ đưa ra những cải cách trong công tác quản lý nhà trẻ nếu được dân bầu.
Một vụ đâm xe liên hoàn trên đường cao tốc ở Montreal gần đây khiến Bộ giao thông ở tỉnh này phải hứa sẽ thay đổi cách cấu trúc đường cao tốc, để giảm thiểu những tai nạn tương tự trong tương lai.
Những sự cố và khủng hoảng xảy ra ở khắp nơi, vì chẳng có xã hội nào hoàn hảo. Điều khác biệt là khi vấn đề xảy ra, người ta phải rà soát lại những lỗ hổng hệ thống hiện tại, và đưa ra những thay đổi có tính hệ thống, để hạn chế những sai sót lặp lại. Còn cá nhân, dù bỏ tù, tử hình, hay cố nhồi nhét thêm kiến thức phòng bị cho những tình huống xấu, thì con người vẫn sẽ luôn mắc lỗi. Và với trẻ con, lỗi do sơ xảy, do quên, do không để ý, là quá đủ để dẫn đến những hậu quả thương tâm.
Gần đây, Cơm bắt đầu đi học mẫu giáo. Mình kể với bà ngoại là hai ngày đầu Cơm chỉ đến lớp 1 tiếng, có bố mẹ ngồi cùng. Ngày thứ 3 và thứ 4 thì ở lại ăn cơm, có bố ngồi cùng. Ngày thứ 5 và thứ 6 thì bố mẹ đều về, và đến đón Cơm sau khi ăn trưa. Bà ngoại kể, một người bạn cũng có cháu mới đi học mẫu giáo, một trường học phí khá cao ở Hà Nội, cô giáo không cho bố mẹ đón con về sớm, đóng chặt cửa lại, bố mẹ đứng ngoài và con gào khóc ở bên trong. Mình bảo, như vậy thì không thể chấp nhận được. Một trường mẫu giáo tử tế sẽ luôn mở rộng cửa để phụ huynh vào bất cứ lúc nào. Con mình, các cô không có quyền như vậy.
Bà ngoại trả lời: “Việt Nam là thế. Ở đây thì phải chấp nhận thôi.”
Nhưng còn tiếp tục chấp nhận đến bao giờ nữa?
Các tin được nhắc đến trong bài:
https://www.thestar.com/…/daycare_crisis_ontario_inspection…
https://www.cbc.ca/…/bri…/baby-mac-parents-lawsuit-1.4824687
https://www.cbc.ca/…/fatality-inquiry-mackenzy-woolfsmith-1…
https://en.wikipedia.org/wiki/Sinking_of_MV_Sewol
https://www.cbc.ca/…/can…/windsor/girl-left-on-bus-1.4412179
Leave a Reply