CÂU HỎI: Có 1 luật sư bên Ca làm hồ sơ cho mình đảm bảo đi, nhưng phí 11000 đô Ca, khoảng dưới 2 năm sẽ xong hết. Mình có nên ko hay là làm kiểu tự do như của bạn Vân nhỉ. Mình có bằng thạc sĩ, sẽ lấy ielts 7 vào cuối năm
CÂU TRẢ LỜI CỦA MÌNH: Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng mình nói suy nghĩ của mình để bạn cân nhắc nhé.
Kể cả khi chuyện tiền bạc không phải là vấn đề, thì mình vẫn chọn cách tự làm hồ sơ, vì những lý do sau.
1. Những thông tin và hướng dẫn của CIC rất dễ hiểu, và được viết để sao cho tất cả mọi người đều hiểu, chứ không phải là vấn đề về mặt pháp lý, có nhiều từ chuyên môn, rối rắm. Bạn đã có IELTS 7.0 thì việc đọc và làm theo hướng dẫn không có khó khăn gì. Có thể lúc đầu thấy hơi nhiều thông tin nên dễ bị choáng, nhưng đọc dần dần sẽ vỡ ra mọi ngọn ngành.
Các luật sư thì hẳn có chuyên môn, và chúng ta cần họ khi có việc liên quan đến hợp đồng, tranh chấp, kiện tụng. Nhưng vấn đề này thì không cần đến chuyên môn gì về luật cả. Mọi thứ đều được viết cho đối tượng người đọc là dân thường.
2. Tất cả mọi việc mình đều phải tự làm. Luật sư không thi IELTS hộ bạn, không xin giấy tờ ngân hàng hộ bạn, không cầu cạnh sếp để lấy thư giới thiệu hộ bạn, cũng không xếp hàng khám sức khỏe hộ bạn được. Giả sử tất cả các bước đều ổn, nhưng sức khỏe của bạn không đủ, thì luật sư giỏi đến mấy cũng chịu thôi. Nói chung mình không thấy vai trò của luật sư có gì quan trọng lắm trong những việc cần thiết của hồ sơ này.
3. Việc đọc thông tin và tra cứu thông tin là kĩ năng rất quan trọng khi chuyển đến nơi ở mới. Bạn có thể nghĩ ‘thôi bỏ chút tiền để người ta làm cho yên tâm’, nhưng việc đọc này không dừng lại ở hồ sơ là xong. Khi bạn được đi rồi, bạn sẽ phải đọc những thứ phức tạp hơn, lằng nhằng hơn, phải làm quen với đủ thứ hệ thống của một đất nước khác. Lúc đấy bạn vẫn sẽ phải tự đọc, tự tra cứu, tự tìm đến các nguồn thông tin của chính phủ. Lúc đấy kể cả có muốn bỏ tiền cũng không có ai giúp được.
4. Lý do quan trọng nhất: mình KHÔNG đủ tin tưởng bất cứ ai để giao số phận mình vào tay họ. Mình sẽ kể một ví dụ tại sao mình nói thế. Năm 2014, lúc đó mình đang học thạc sĩ tại Canada, chồng mình apply theo diện open work permit (temporary worker) để sang. Sau khi nộp hồ sơ xin visa, được CIC cấp cho mã khám sức khỏe để đem đi khám. Đến IOM thì nhân viên ở đó không tìm thấy mã, lại tự cấp cho chồng mình mã khác. Chồng mình cầm mã mới đi khám, được cấp visa, tưởng là xong chuyện ở đây.
Đợt rồi bọn mình đi khám khi nộp Express Entry, thì tá hỏa vì trên hệ thống vẫn còn cái mã cũ (mà CIC cấp cho ban đầu). Bên IOM khăng khăng là có mã tức là mình đang có một hồ sơ pending. Tranh cãi qua lại, cuối cùng mình về nhà tìm tất cả email và thông tin từ đợt apply trước, gửi email trực tiếp cho CIC, thì họ chuyển về LSQ trong HCM, và bên LSQ nói bên IOM phải cấp cho chồng mình mã mới.
Bọn mình bảo nhau là, nếu không tự làm mà nhờ ai thì bây giờ biết tìm họ ở đâu mà hỏi, vì đã 3 năm rồi.
Ý mình muốn nói ở đây là bạn cần nắm rõ mọi thông tin, mọi đường đi nước bước, mọi trao đổi với phía chính phủ Canada, mọi con số, mọi lời dặn dò. Nếu có người làm hộ, thường sẽ lơ mơ. Giả sử 5 năm nữa tự nhiên bạn cần tìm lại một tờ giấy gì đó, thì biết tìm ông luật sư bây giờ ở đâu? Liệu tìm được thì ông ý có còn giữ hồ sơ của mình? Hôm trước mình vừa được một công chức Canada dặn là giấy tờ phải giữ đến tận khi về hưu, nếu không tự mình đi làm thì sẽ không thể biết được thông tin đấy.
Có một số câu hỏi có nhiều người cùng thắc mắc, nên mình sẽ ghi ra để nhiều người cùng đọc được luôn.
1. Bằng cấp và kinh nghiệm ở Việt Nam có được tính không?
Có, điểm cũng tương đương với bằng cấp ở Anh ở Úc luôn. Kinh nghiệm làm việc cũng không phân biệt gì.
2. Ngành nghề nào thì đủ tiêu chuẩn?
Có vẻ như nhiều người bị ảnh hưởng bởi cách vận hành của các chương trình định cư của Úc, nên hỏi mình về cách đánh giá ngành nghề. Chương trình Federal Skilled Worker (FSW) mình nộp không quan trọng bạn làm gì, miễn được tính là công việc tay nghề cao (skilled work). Để biết công việc của mình có được coi là skilled work không thì xem ở đây
http://www.cic.gc.ca/english/immigrate/skilled/noc.asp
Bạn cũng không cần thi cử hay chứng minh kĩ năng công việc gì, chỉ cần chứng minh kinh nghiệm đi làm. Giấy tờ để chứng minh thời gian làm việc thì xem ở phần Proof of work experience.
http://www.cic.gc.ca/…/too…/perm/express/intake-complete.asp
Mình không có mẫu xin thư giới thiệu nào nhé. Chỉ cần đọc kĩ các yêu cầu cần có trong thư và đảm bảo thư nêu rõ những thông tin đó là được.
Còn các chương trình của Canada mà quan trọng ngành nghề thì là của các tỉnh, gọi là provincial nominee. Đợt vừa rồi mình thấy tỉnh Saskatchewan tuyển mộ cả đồ tể (meat-cutter). Xem ở đây
http://www.cic.gc.ca/english/immigrate/provincial/index.asp
3. Làm đánh giá bằng (education credential assessment) ở đâu?
Theo danh sách này, chỗ nào cũng được
http://www.cic.gc.ca/engli…/immigrate/skilled/assessment.asp
Mình thì làm ở WES, cũng không nhớ tại sao chọn chỗ đó. Muốn so sánh phí và thời gian xử lý hồ sơ thì cứ vào website của từng tổ chức rồi xem.
Bằng cấp từ sau phổ thông trở lên (cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) mới làm cái này. Cấp 3 thì không cần làm.
4. Làm sao để trường đại học ở Việt Nam gửi bảng điểm cho tổ chức đánh giá bằng cấp ở Canada?
Theo yêu cầu của WES (là chỗ mình làm), thì trường phải gửi bảng điểm của bạn, một cái form của WES, còn bạn tự gửi bằng tốt nghiệp. Cách của mình là đến trường, xin đóng dấu vào cái form của WES mình đã in ra, xin một cái phong bì của trường (có logo và địa chỉ người gửi là trường), rồi bỏ cái bảng điểm dịch công chứng vào chung phong bì đó, xin dấu niêm phong lên mép phong bì, và tự mình mang đi gửi. Bằng tốt nghiệp của bạn (cũng dịch công chứng) thì gửi trong một phong bì riêng, địa chỉ người gửi là bạn.
5. Học IELTS ở đâu? Ôn như thế nào? Tài liệu nào luyện IETLS tốt?
Mình không có gợi ý gì về tài liệu hay chỗ luyện thi, vì mình chỉ tự làm đề khoảng 2 tháng rồi đi thi thôi. Đợt trước mình mở lớp dạy IELTS tại nhà trong 4 tháng. Nếu đợt đó có nhiều người hỏi như bây giờ có phải mình đã mở được mấy lớp rồi không 😀
6. Đi tỉnh nào thì dễ xin việc?
Cái này mình chịu thôi nhé. Thứ nhất, thế nào là ‘dễ’? Thứ hai, mỗi công việc đều khác nhau, mình không thể nói đi chỗ này chỗ kia dễ hơn được.
Với những người tầm xấp xỉ 40, thì điểm Express Entry theo diện Federal Skilled Worker thấp, do bị trừ điểm tuổi nhiều, thì nên tìm hiểu các chương trình Provincial Nominee của từng tỉnh, chú trọng vào yếu tố kinh nghiệm làm việc nhiều hơn và tuổi ít hơn.
http://www.cic.gc.ca/english/immigrate/provincial/index.asp
7. Có nhiều người thắc mắc về cách tính điểm, mọi người đọc kĩ link này http://www.cic.gc.ca/english/express-entry/grid-crs.asp
Điểm IELTS là phải đổi ra CLB tương ứng rồi cộng cả 4 kĩ năng, chứ không phải lấy điểm trung bình hay điểm tổng
http://www.cic.gc.ca/english/resources/…/language/charts.asp
Mình upload bảng điểm của mình để mọi người có thể so sánh khi tự tính điểm cho bản thân. Bạn sẽ thấy là mình được cộng 30 điểm do có bằng tại Canada, nhưng giả sử mình học tại Việt Nam thì được 463 điểm. Từ đầu năm 2017 đến nay, số điểm này cũng vượt qua ngưỡng điểm chuẩn (cut-off points) của các đợt draw rồi. Tức là việc mình học ở Canada không có tính chất quyết định.
Leave a Reply