• Skip to main content
  • Skip to secondary menu
  • Skip to primary sidebar

Kể Chuyện

  • Về người viết
    • Về Kể Chuyện
  • Chuyện
    • Chuyện đời
    • Chuyện người
    • Chuyện tôi
  • Không phải Chuyện
    • Phân tích
    • Tản văn
    • Tiếng Anh
      • Học thuật
      • Chung chung
  • Định cư và cuộc sống Canada
  • Nuôi dạy con
  • Liên hệ
You are here: Home / Không phải Chuyện / Nuôi dạy con / “Món ăn” kì diệu

“Món ăn” kì diệu

21/01/2020 by Chuyện Leave a Comment


Nếu bạn biết có một món ăn mà con ăn vào từ lúc sinh ra đến dưới 3 tuổi, mà 10 đến 20 năm sau sẽ khiến con thông minh vượt trội, bạn có sẵn sàng cho con ăn không?

Không chỉ thông minh, nếu món ăn đó khiến con tư duy nhanh nhạy hơn, giao tiếp tốt hơn, khả năng toán học cũng sắc bén hơn, tự tin về bản thân hơn, thì bạn có không tiếc công sức lặn lội đi xa, bỏ thật nhiều tiền để con mình được ăn món đó?

Nghe có vẻ kì diệu, nhưng một món ăn như thế là có thật. Tác dụng của nó đã được khoa học chứng minh hết lần này đến lần khác qua nhiều thập kỉ nay. Không những thế, bố mẹ nào cũng có thể cung cấp cho con mình, bất kể sang hèn, giàu nghèo, trình độ giáo dục.

Vì món ăn đó không mất tiền mua, và ai cũng có sẵn.

Đấy chính là việc trò chuyện với con hàng ngày.

Một nghiên cứu mới được xuất bản trên tạp chí Pediatrics (Nhi khoa) của Mỹ đã chứng minh được rằng việc cha mẹ trò chuyện với con cái có tất cả những tác dụng như mình vừa viết ở trên (link ở dưới). Ngay cả các nhà nghiên cứu kì cựu nhất, khi có kết quả phân tích, cũng phải thốt lên: “Không thể nói gì hơn ngoài kì diệu quá sức tưởng tượng.”

Thật ra, điều này không có gì mới. Chúng ta vẫn nghe và đọc suốt những câu kiểu như “Món quà quý nhất bố mẹ có thể tặng cho con là thời gian của mình”. Nhưng đó giống như những câu triết lý hay hay nhưng quá chung chung, nghe rồi để đấy. Điều mới ở đây là, nghiên cứu này có con số và dữ liệu cụ thể được thu thập qua nhiều năm để chứng minh rằng, việc cha mẹ trò chuyện với con cái thực sự có tác dụng như thần dược đối với sự phát triển trí não và khả năng tư duy của con.

Những gia đình tham gia vào nghiên cứu này đeo vào áo em bé một thiết bị đặc biệt có thể đo tự động số lần cha mẹ và con tương tác với nhau. Em bé phát ra âm thanh rồi cha mẹ hồi đáp trong khoảng năm giây, và ngược lại. Trong suốt nhiều năm sau đó, những em bé này được theo dõi, quay trở lại làm các hoạt động đánh giá về nhiều chỉ số khác nhau, kể cả điểm học trên lớp và cả đời sống tinh thần. Đặc biệt trong giai đoạn vàng từ 18 đến 24 tháng, sự tương tác và hồi đáp của bố mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển về ngôn ngữ và trí não của con.

Sau hàng loạt các kết quả nghiên cứu như vây, gần đây, Canada và Mỹ khởi động một sáng kiến mới. Khi cha mẹ đưa con nhỏ đi tiêm vắc xin hoặc khám bác sĩ định kỳ, ở phòng chờ các y tá sẽ nói chuyện và cung cấp thông tin về lợi ích của việc trò chuyện với con. Ở các trạm y tế công cộng cũng sẽ đặt sách truyện hoặc các hoạt động cho trẻ nhỏ, nhằm kích thích bố mẹ đọc sách, nói chuyện với con nhiều hơn trong thời gian cả nhà đều phải chờ đợi đến lượt vào khám.

Nghĩ lại, mình thấy có bốn loại sản phẩm thường được quảng cáo là sẽ giúp trẻ phát triển trí thông minh, nhưng TẤT CẢ các sản phẩm này đều không hề được chứng minh bởi các nghiên cứu khoa học là có tác dụng như thế.
– Sữa bột, nhất là sữa cho trẻ sau một tuổi, tức là khi về mặt dinh dưỡng, cơ thể trẻ không cần sữa công thức.
– Các ứng dụng di động hoặc các chương trình DVD, được quảng cáo là giúp trẻ học
– Thẻ học từ (flashcard)
– Các loại đồ chơi thông minh, kiểu bấm một nút sẽ đọc số, bấm nút khác sẽ đọc các màu.

Mỗi loại mặt hàng này đều có thể viết một bài dài, mình cũng sẽ viết về cách chọn đồ chơi cho con ở một bài riêng. Vì sữa và các loại màn hình thì mình đã từng viết rồi, nên ở đây, mình chỉ muốn nói ngắn gọn về flashcard.

Thẻ học từ, flashcard, một mặt có từ, một mặt có hình tương ứng, rất nhiều bố mẹ ép con học từ nhỏ, rồi tự hào là con biết nhiều từ, coi đó là một dấu hiệu của sự thông minh. Quyển “Einstein never used flashcards” mà mình đã nhắc đến nhiều lần, cũng như rất nhiều sách khác về sự phát triển của trẻ mình đọc, đều nói rằng việc thuộc từ chỉ là dấu hiệu của khả năng học thuộc lòng, chứ chẳng liên quan gì đến tư duy cả.

Thật ra, trẻ nhỏ luôn luôn học. Chỉ có điều, người lớn không hiểu cách học của trẻ. Cơm nhà mình từ khoảng 4 tháng đã bắt đầu thích cầm các thứ lên xem, xoay qua xoay lại, ngắm nghía, sờ bóp. Cho đồ vật vào miệng cũng là cách em bé học. Học về chất liệu, học về hình dáng, học về cảm giác. Em bé học qua tay sờ, qua lưỡi nếm, qua mắt nhìn. Điều giúp trẻ học tốt nhất mà hầu như quyển sách nào mình từng đọc đều nhắc đến, là học trong bối cảnh (learning in context). Tức là em bé sờ tay vào một chiếc lá xù xì thô ráp, em bé ngửi thấy mùi của lá khô, mắt của em bé nhìn thấy màu xanh của lá, như thế là học trong bối cảnh. Mẹ giơ một tấm thẻ có hình chiếc lá, em bé sờ chỉ thấy lớp nilon trơn láng của thẻ, mũi không ngửi thấy gì, còn mẹ thì nhắc đi nhắc lại “cái lá”, bắt con nhắc lại theo, như thế là học không có bối cảnh (learning out of context).

Tại sao không nên làm như vậy? Thứ nhất, mặc dù trẻ sẽ nhớ sự liên kết giữa từ và hình, lần sau mẹ giơ thẻ có hình lá lên sẽ nói “cái lá”, nhưng điều đó không có nhiều ý nghĩa với trẻ, chỉ là nhắc lại như con vẹt. Thứ hai, thay vì ép con làm một hoạt động chán ngắt như vậy, mẹ có thể dành thời gian để con khám phá, nghịch ngợm, chơi đùa, tất cả những hoạt động đó với trẻ đều là học, và “dễ vào” hơn rất nhiều so với việc phải ngồi nghiêm chỉnh và nhắc đi nhắc lại những từ mà đối với trẻ là vô nghĩa (vì không có liên kết gì với sự vật). Thay vào đó, nếu bố mẹ kể chuyện cho con, thì con sẽ vừa học được từ, vừa phát triển tư duy về câu chuyện, về diễn biến, sự kiện. Tư duy và khả năng kể chuyện ở trẻ vô cùng thiết yếu trong việc phát triển nhận thức về bản thân và xã hội. Thứ ba, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra là, bắt trẻ học chữ, học từ, học flashcard sớm, khi mới đi học trẻ có thể nhỉnh hơn các bạn cùng lứa, nhưng chỉ vài ba năm sau, các bạn không học trước sẽ bắt kịp. Điều nguy hiểm hơn là, trẻ bị bắt học trước sẽ GIẢM khả năng sáng tạo, ÍT yêu thích việc học hơn, và KÉM kiên trì để tìm ra giải pháp khi gặp khó khăn hơn.

Tại sao chúng ta không được nghe về những điều này, mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra? Tại sao hàng ngày, những thông điệp dội vào đầu cha mẹ toàn là kiểu cho con uống sữa để cao hơn, thông minh hơn, ứng dụng này chương trình khác sẽ giúp con phát âm tiếng Anh chuẩn như người bản ngữ, rồi món đồ chơi nọ sẽ dạy con biết mặt chữ, biết đếm?

Đơn giản thôi, vì khi chúng ta bỏ tiền ra để mua những sản phẩm đó, có nhiều người được lợi. Còn nói chuyện với con hàng ngày, thì chỉ có con được lợi, chứ tiền chẳng chảy vào túi ai cả.

Có nhiều bố mẹ cho rằng, mình gắng đi làm vất vả để mua sữa tốt cho con uống, sau này thông minh, hoặc mình gắng ngồi dạy con học thẻ từ, để con phát triển ngôn ngữ. Nhưng đấy là do chúng ta bị quen với các quảng cáo và nhìn nhận mình và con mình dưới góc độ người tiêu dùng thôi. Một giờ chơi với con, nhìn vào mắt con, nói chuyện với con, còn tốt cho con nhiều hơn bất kỳ loại sản phẩm nào bố mẹ mua, dù đắt tiền đến bao nhiêu.

Những điều tốt nhất bố mẹ có thể cho con, thật ra đều miễn phí.

https://www.cbc.ca/…/literacy-preschool-parents-pediatric-1…https://www.mcgill.ca/…/…/ihsp/8_PerriKlass_Presentation.pdfhttps://www.avivacommunityfund.org/voti…/project/view/16-299http://pediatrics.aappublications.org/…/09/06/peds.2017-4276




Related Posts:

  • Một năm của Cơm và bố mẹ
  • Lịch sử lặp lại?
  • Bạo lực tình dục Internet với trẻ em
  • Montreal - Những ngày đầu dịch bệnh
  • Thư viện ở Canada
  • Nếu muốn con thông minh thì bố mẹ hãy yêu thương…

Filed Under: Nuôi dạy con Tagged With: con thông minh, nói chuyện với con

Reader Interactions

Leave a Reply Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Primary Sidebar

Nhận bài mới qua email

Vui lòng xác nhận lại email vừa mới đăng ký bằng cách nhấn vào đường link trong email gửi kèm.

Bài mới

  • Cô giáo của Cơm Cơm
  • Sự cô đơn theo kiểu gia đình
  • Tại sao trẻ em gái ngày càng dậy thì sớm?
  • Một ngày đặc biệt
  • “Con không ăn hành đâu!” Lý giải việc kén ăn và những giải pháp để giúp con ăn uống vui vẻ (Phần 1)
  • Nhật ký ở nhà tránh dịch của Cơm Cơm
  • Review sách – Để con bạn giỏi như Einstein

Đọc nhiều

Kết nối với Kể Chuyện trên mạng xã hội

Kể chuyện


Follow @ke_chuyen

© 2013 - 2019 Kể Chuyện | Powered by WordPress & Genesis | Log in

Facebook | Twitter | Feed RSS
//<![CDATA[ var sc_project=8888298; var sc_invisible=1; var sc_security="f2d42e23"; var scJsHost = (("https:" == document.location.protocol) ? "https://secure." : "http://www."); document.write(""); //]]>
blogger counter