Chương trình “Gặp gỡ cuối tuần” của mình đã diễn ra qua bốn thứ 7 chủ nhật, tổng cộng mình đã gặp tám người lạ, nói chuyện với mỗi người trong một tiếng đến tiếng rưỡi. Mình không biết những giờ phút nói văng bọt mép của mình có ích gì cho mọi người không, nhưng nói chuyện với mọi người khiến mình rút ra một số điều khá thú vị.
1. Tất nhiên những người có nhu cầu gặp mình không phải là một đám đông ngẫu nhiên, có lẽ họ muốn nói chuyện với mình vì họ có những băn khoăn mà họ nghĩ là mình trả lời được. Nhưng điều mình ngạc nhiên nhất, là tất cả những người mình đã gặp, đều có một điểm chung là khát khao đi nước ngoài, cụ thể là phương Tây (không ai mong đi Trung Quốc hay Ai Cập, dù đây cũng là những nền văn minh vĩ đại). Kể cả những người đã sống ở nước ngoài nhiều năm, kể cả người đã bỏ tiền đi du lịch bụi khắp Đông Nam Á, giấc mơ phương Tây vẫn là một điểm chung cháy bỏng. Phần lớn muốn đi du học, nhưng cũng có những người chia sẻ rằng họ không quan tâm đi theo cách nào, hay học cái gì, cứ miễn đi được là thích.
Mình nghĩ nếu nói chuyện với một nhóm người trẻ ở một nước phương Tây chẳng hạn, chưa chắc cái thôi thúc được bay đi, vươn ra, đến bất cứ đâu (ở châu Âu), miễn là được thấy thế giới, nó ám ảnh và cấp bách đến thế.
2. Nhưng có lẽ những người muốn gặp mình hẳn là đều có băn khoăn, nên hầu hết đều đang mông lung và bế tắc. Quan trọng hơn, họ coi việc đi du học, hay đi nước ngoài nói chung, là con đường tuyệt đỉnh vinh quang, biểu tượng danh giá nhất của sự thành công mà họ ngưỡng mộ, và đặc biệt là phương án giải quyết cho sự bế tắc mà họ đang gặp phải. Giống như cứ đi rồi thì mọi vấn đề tự nó sẽ tan biến.
Mình thực sự rất ngạc nhiên khi hầu như tất cả các em đang là sinh viên hoặc vừa ra trường mình gặp, đều nói rằng các em hối hận với lựa chọn ngành học của mình, và không muốn tiếp tục theo ngành đó, nhưng lại muốn học thạc sĩ, vì đó là cách duy nhất hoặc vẻ vang nhất mà các em biết để đi nước ngoài. Vậy thì chọn học gì đây? Những lựa chọn đưa ra tiếp tục mù mờ, cảm tính, dựa vào những điều nghe từ người này người kia, hay những toan tính hết sức mong manh và xa vời. Có một em nói muốn học ngành X, nhưng khi mình hỏi em đã đọc quyển sách nào, hay biết gì về ngành X chưa, thì em bảo chưa. “Vậy thì có gì đảm bảo là 5 năm nữa em lại không hối hận, giống như bây giờ em đang hối hận về quyết định chọn ngành khi vào đại học của mình?”
3. Nguyên nhân của sự mông lung và bế tắc này, mình nghĩ một phần đến từ việc bố mẹ không cho con cái tập ra quyết định từ lúc nhỏ, đến khi phải đối mặt với một quyết định lớn vào năm 18 tuổi, thì rất lúng túng, cả khi quyết định và khi sống với quyết định ấy. Một phần nữa đến từ cấu trúc xã hội rất khép kín, không cho phép người ta khám phá, thử nghiệm và lựa chọn, hoặc làm lại từ những lựa chọn đã đưa ra trong quá khứ.
Mình luôn nghĩ thật vô lý khi bắt một người 18 tuổi biết mình muốn làm nghề gì trong suốt cả quãng đời còn lại, trong khi suốt 12 năm đi học phổ thông trước đó không hề được chuẩn bị để đưa ra quyết định đấy. Bản thân mình chọn học ngành xã hội học cũng chẳng phải do đam mê hay khả năng gì, vì làm sao người ta có thể chọn một ngành học trong suốt bốn năm khi chưa biết mặt mũi cái mình sẽ học ra sao. Năm một, trường mình cho sinh viên học bất cứ môn gì họ thích, từ toán lý hóa, văn sử địa, nhạc họa, đại loại là trường có cả khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, lẫn kinh doanh kinh tế, và cả y tá, sư phạm. Mình học một số môn, đến cuối năm một thấy có vẻ xã hội học là dễ nhất (một quyết định hết sức cảm tính). Phải đến tận năm thứ ba, tức là sau khi đã học kha khá các lớp trong khoa xã hội học, mình mới thấy thích ngành này.
Khi các em nói cảm thấy đã lựa chọn sai, không muốn tiếp tục theo ngành đang học, mình thường hỏi tại sao khi hết lớp 12 các em chọn ngành đó. Vì lúc đó thi khối này là xu thế. Vì điểm khoa đó thấp. Vì em nghĩ chọn cái đó dễ đỗ. Vì cô hàng xóm bảo nếu học cái em thích thì khó xin việc. Vì nghề đấy hot, mẹ em bảo con gái nên học để làm cho nhàn, không cần kiếm nhiều tiền. Vì bạn bè em thi cái đó nhiều. Vì trường đó danh giá. Vì sức học của em vào tầm điểm đó.
Đại loại là có rất nhiều yếu tố giời ơi đất hỡi mà các em cân nhắc, chỉ trừ một câu hỏi quan trọng, là bản thân các em muốn gì. Kết quả là ba bốn năm sau, hàng loạt sinh viên năm cuối hoặc mới ra trường cảm thấy mình đã lãng phí bốn năm, mình đã ngồi nhầm lớp, mình có một tấm bằng mà mình không muốn sử dụng, và sự hoang mang tăng lên khi con đường duy nhất các em quen từ nhỏ là đi học giờ đã (hoặc sắp) kết thúc mà không biết phải đi tiếp theo hướng nào.
4. Vấn đề của những người đã gặp mình, là họ lại muốn đâm đầu đi tiếp theo con đường học hành, để giải quyết sự bế tắc và thất vọng mà họ gặp phải. Họ kì vọng rằng, nếu việc học đó diễn ra ở nước ngoài, thì họ sẽ cảm thấy khá hơn về bản thân, sẽ được xã hội trọng vọng, sẽ được trải nghiệm thế giới. Tóm lại, họ sẽ biết mình là ai, mình muốn gì, và con đường sẽ dễ dàng quang quẻ forever after.
Mình nói với tất cả những em hỏi mình về việc nên học gì, liệu em học ngành A ở đại học nhưng em muốn học thạc sĩ ngành B có được không, em làm thế nào để kiếm được học bổng, liệu em học thêm văn bằng hai thì có dễ đi du học hơn không, là đừng đâm đầu vào học tiếp ngay khi ra trường. Hãy đi làm. Không phải là kiếm một chân nhàn hạ sáng đi tối về, mà hãy làm thật nhiều thứ, thử nhiều môi trường, và tìm hiểu những thứ em muốn học trong quá trình làm và bằng cách đọc thêm và học online. Bây giờ nguồn tài liệu trên mạng rất phong phú. Đấy là cách tốt nhất để đưa ra quyết định tiếp theo một cách thực tế, không dựa trên cảm tính (kiểu như, “em cảm thấy là em hợp với tâm lý học vì em thích ngồi từ xa rồi đọc vị người khác”), và giảm thiểu nguy cơ em sẽ lại hối hận.
Khi đi làm, không thích một chỗ thì bỏ. Còn nếu đã lỡ bỏ một đống tiền để đi học thạc sĩ nước ngoài, nếu lại cảm thấy “mình đã chọn nhầm”, thì chi phí bỏ ra và lãng phí, sẽ rất lớn.
Điều quan trọng là mình không tin việc đi học, hay ra nước ngoài sẽ giải quyết được những bế tắc xuất phát từ việc không làm chủ chính cuộc sống của mình. Nếu đã học xong rồi, đạt được ước vọng hít thở bầu không khí phương Tây rồi, nhưng vẫn tiếp tục bế tắc, thì người ta biết làm gì tiếp?
Leave a Reply