Mình sẽ viết một loạt bài để chia sẻ những thông tin mình nghĩ là rất có ích, mà ít người biết đến, về việc xin định cư ở Canada. Những thông tin này là do mình đọc được, nghe được, và từ trải nghiệm cá nhân. Mình không có ý định tư vấn hay mời chào dịch vụ gì cả, cũng không khẳng định rằng mọi điều mình biết đều đúng. Nếu mọi người có thắc mắc thì mình sẽ trả lời trong giới hạn mình biết và có thể đưa link để tự tìm hiểu thêm.
Các gợi ý để tìm việc
1. Tận dụng tất cả các nguồn hỗ trợ miễn phí
Vào đây ngó qua một lượt, bạn sẽ thấy những người mới đến được rất nhiều hỗ trợ từ các tổ chức cộng đồng do chính phủ tài trợ, thậm chí cả trước khi đặt chân đến Canada. http://www.cic.gc.ca/english/newcomers/services/index.asp
Họ sẽ cung cấp những dịch vụ như giúp bạn tìm nhà ở, hỗ trợ giấy tờ, tổ chức các hoạt động nhóm để bạn tham gia. Về công việc, có rất nhiều trung tâm hỗ trợ việc làm với các khóa dạy về môi trường đi làm tại Canada, cùng đủ mọi loại kĩ năng như cách viết resume, cách phỏng vấn. Các khóa này đều miễn phí.
Các trung tâm này cũng sẽ giúp kết nối bạn với các nhà tuyển dụng, họ có kênh riêng để có những tin tuyển dụng không được đưa ra ngoài, cũng như nguồn quỹ để khuyến khích các công ty thuê bạn (như hỗ trợ công ty trả lương cho bạn trong 6 tháng đầu). Họ cũng kết nối bạn với các mentor, những người đi trước đã tìm được việc thành công, và sát sao từng bước trong quá trình xin việc của bạn.
Ngoài ra, chính phủ còn cung cấp miễn phí các chương trình học tiếng Anh. http://www.cic.gc.ca/english/newcomers/live/language.asp
Ngoài chương trình học tiếng Anh cơ bản, còn có chương trình học tiếng Anh chia theo ngành nghề, chương trình tiếng Anh chuyên sâu cho người đi làm. Có những chương trình sau khi học tiếng Anh xong còn hỗ trợ bạn tìm được một việc thực tập 8 tuần, để bạn có kinh nghiệm trong môi trường đi làm và mở rộng mạng lưới.
Các thư viện địa phương cũng có nhiều nguồn hỗ trợ cho người xin việc. Chỉ cần bạn sống ở một thành phố là có thể làm thẻ, và đến đó hỏi thủ thư là họ sẽ tận tình chỉ dẫn.
2. Các trang web tuyển dụng và mạng xã hội LinkedIn
Một số trang web tuyển dụng phổ biến ở Canada là https://www.indeed.ca/ https://www.jobbank.gc.ca http://www.workopolis.com/
Chỉ cần gõ từ khóa công việc muốn tìm và đọc sơ qua là bạn sẽ hình dung được các yêu cầu, mức lương, cũng như nhu cầu đối với công việc đó.
Có những người mình biết trước khi đặt chân đến Canada đã chuyển địa điểm sống của họ trên LinkedIn sang Canada, và lấy một số điện thoại dùng được qua Internet để trên đó, nên khi sang không bao lâu họ đã được các recruiter liên lạc để phỏng vấn. Bạn nên upload resume của mình lên các trang tuyển dụng, cũng như chỉnh sửa profile trên LinkedIn. Quan trọng nhất là các từ khóa về kĩ năng và địa điểm bạn sống, vì đó thường là các keyword người ta hay tìm. Mình cũng được một tổ chức non-profit ở Toronto liên hệ vì họ tìm thấy resume của mình trên indeed, theo từ khóa interpreter + địa điểm mình sống hồi đó, và một agency ở Mỹ offer vì họ tìm thấy mình trên LinkedIn, cũng theo từ khóa tương tự.
3. Chủ động tìm các công việc bạn thích
Nếu bạn đi học ở các trung tâm hỗ trợ việc làm, chắc chắn bạn sẽ được nghe nguyên lý tảng băng trôi: “Những tin tuyển dụng đăng ra ngoài chỉ là phần nổi của tảng băng, 80% lượng công việc, giống như phần băng chìm dưới nước mà mắt thường không nhìn thấy.”
Mình có một chị bạn, đi xe buýt nhìn thấy quảng cáo về một vở kịch, về nhà vào trang web của nhà hát, rồi viết email nói rằng tôi rất có kinh nghiệm trong việc điều phối các hoạt động văn hóa, tôi cũng đang tìm kiếm công việc ngắn hạn. Đúng lúc đó, nhà hát đang tăng cường hợp tác với một đối tác Trung Quốc, mà chị bạn mình lại biết tiếng Trung. Nhà hát vốn không có ý định tuyển người, nhưng khi biết đến chị ý và năng lực của chị ý, thì quyết định tìm ngân sách để thuê chị ý trong 6 tháng.
Dĩ nhiên chị ý may mắn, nhưng vấn đề là, nếu không hỏi, thì sẽ không bao giờ biết. Mình nghe được khá nhiều câu chuyện tương tự, một người chủ động liên hệ với một công ty khi công ty đó không hề có nhu cầu tuyển dụng, không đăng tin ở đâu. Nhưng khi họ chứng tỏ được khả năng và mối quan tâm thực sự, bên công ty sẽ lưu hồ sơ lại, và có thể gọi đến khi có một người nghỉ thai sản, nghỉ việc đột ngột, hoặc chuyển thông tin của bạn cho một chỗ khác liên quan. Quan trọng là khi bạn liên hệ với một người, hoặc một tổ chức, thì hãy thể hiện được mình thực sự đã tìm hiểu kĩ, và có khả năng đóng góp cho họ.
4. Tham gia tình nguyện, làm thực tập, tích cực kết nối
Đi làm, dù không có lương, sẽ giúp bạn có kinh nghiệm ở Canada, có thể là lá thư giới thiệu đầu tiên từ một tổ chức tại đây, và những mối quan hệ, cho dù lỏng lẻo và nông toẹt. Khi sang một nơi mới, bạn phải bắt đầu xây dựng mạng lưới lại từ con số 0.
Thật ra, đời sống ở các nước phát triển khá là khó để kết bạn sau khi rời trường đại học. Ai cũng có công việc riêng, đời sống riêng, nhất là sau khi có gia đình và con cái, thì lại càng ít có nhu cầu giao lưu, làm quen người mới.
Có thể bạn nghĩ tham gia câu lạc bộ đọc sách ở thư viện địa phương chẳng liên quan gì đến xin việc, nhưng biết đâu, cháu của một ông lão nào đó lại làm ở một công ty đang cần người mà ông ý lại tiến cử bạn trong một cuộc nói chuyện phiếm qua điện thoại.
5. Học thêm chứng chỉ, các khóa học ngắn hạn, bằng cao đẳng
Thật ra, học thêm một chứng chỉ ngắn là một cách khá hữu hiệu để tăng sức thuyết phục cho khả năng và trình độ của bạn. Những việc như bán bảo hiểm, môi giới nhà đất, phiên dịch, đều chỉ cần học trong vài tháng là sau đó có thể thi chứng chỉ rồi làm việc luôn. Một công việc ban đầu có thể là mang tính thời vụ, hợp đồng, biết đâu lại là một cửa sổ để bạn thâm nhập vào một tổ chức.
Học cao đẳng các ngành thiên về kĩ năng trong khoảng 2-3 năm, với hợp phần thực tập trong chương trình, là một cách bền vững để dẫn tới công việc, vừa có bằng cấp, vừa có kinh nghiệm, vừa có mối quan hệ. Hơn nữa, khi có PR, bạn sẽ được hưởng mức học phí tương đương như của dân bản xứ, và có thể vay tiền nhà nước đi học, nếu muốn.
Cuối cùng, có một chuyện quan trọng nữa, là mở rộng định nghĩa về công việc, không bó hẹp trong “làm công ăn lương”. Nếu bạn có nguồn thu nhập không phụ thuộc vào một công việc cố định, thì bạn sẽ thấy dễ thở hơn nhiều.
Leave a Reply