Gần đây, báo chí và những người trên mạng chỉ trích lẫn nhau, và phê phán những người trẻ khá nhiều về chuyện vô cảm, vô tâm, thờ ơ với thời cuộc, người xung quanh, xã hội. Họ nói như thể đấy là một đặc tính cố hữu của người Việt Nam, và cũng như mọi khi, chỉ trích chỉ để mà chỉ trích, tức là không phân tích tại sao lại như thế, cũng không nói phải làm thế nào để thay đổi. Tất cả cứ như một dàn đồng ca, thi nhau xỉa xói rằng người Việt vô tâm, người Việt lạnh lùng đến tàn bạo. Các bác người lớn đĩnh đạc trong nhà nước thì thường nói, giới trẻ ngày nay biến thái, vô cảm vì ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, của văn hóa phương tây, của các trang mạng xã hội độc hại, những câu các bác lải nhải bao nhiêu năm qua mà có khi cũng chẳng hiểu mình đang nói gì. Bản chất của cái việc phê bình mà không đưa ra nguyên do đấy khiến mình khó chịu không kém việc phải chứng kiến những biểu hiện của việc vô cảm kia.
Theo mình thì việc người ta thờ ơ, không dám lên tiếng khi chứng kiến cái xấu, không dám quan tâm khi nhìn thấy người bị nạn, bịt mắt trước những tổn thương của người khác, có mấy nguyên do thế này.
Thứ nhất, ngay từ bé, người ta đã không được phép quan tâm. Một đứa trẻ dám hỏi những câu mà cô giáo không biết sẽ bị quát bắt ngồi xuống, thay vì được khuyến khích hỏi tiếp. Một đứa trẻ dám thắc mắc khi nhìn thấy người lớn đưa bó hoa kẹp phong bì sẽ bị kéo đi, thay vì được trả lời. Có quá nhiều thứ một đứa trẻ lớn lên ở thành phố trong xã hội Việt Nam hiện đại (đối tượng bị phê phán chủ yếu, mấy người nông dân làm ruộng hoặc công nhân may chảy máu ngón tay có thấy bị chê là vô cảm bao giờ đâu), phải học cách hiểu và chấp nhận trong im lặng.
Từ cấp một lên cấp ba, mình bao nhiêu lần phải ngồi chép mỏi tay những bài thi tìm hiểu pháp luật, tìm hiểu Đoàn gì gì đó đơợc phát động mà không hiểu tí gì mình đang chép, chỉ biết là phải nộp cho xong. Rồi một đứa làm chi đội trưởng, liên đội trưởng, trong Đội Thiếu Niên Tiền Phong (đội ngũ kế cận của Đoàn, tức đội hậu bị của Đảng) cũng biết cách bịa đặt từ bé để ghi vào sổ những buổi sinh hoạt chi đội không diễn ra. Lúc đầu cô tổng phụ trách đọc cho viết, sau này đã quen thì tự bịa ra dựa vào các tháng trước. Tất cả những việc không đúng sự thật đó diễn ra như nước thấm dần, có thể đứa trẻ cắc cớ hỏi một hai lần, nhưng rồi nó cũng sẽ nhanh chóng học được cách im lặng. Mà để im lặng trước những điều không hiểu, không hợp lý, thì người ta phải lờ đi, phải giả như không biết, không nghĩ đến, lâu dần sẽ quen.
Đó là chưa kể sức ép phải giống như mọi người của một xã hội đã hàng nghìn năm vận động theo mô hình làng bản, tức là “lệ làng” là quyền uy tối thượng. “Phép vua” – tức là pháp luật quy chuẩn của nhà nước phải thua, thì tất nhiên cái tôi cá nhân bị đè bẹp dúm. Nếu lệ làng là nhìn thấy người ăn xin phải quay mặt đi, xua tay, thì ai không làm như thế sẽ bị coi là kì dị. Lệ làng là đi ngoài đường phải chen vào bất cứ khoảng trống nào, nếu không chen mà cứ nhường thì sẽ chôn chân mãi ở một chỗ. Mình nhớ hồi mới từ Canada về, quen thói lịch sự giữ cửa cho mọi người qua, không những không có ai nói câu cảm ơn mà tất cả mọi người cắm đầu đi qua, mình cứ đứng giữ mãi cuối cùng đành bỏ ra để cắm đầu đi giống mọi người.
Cũng là hồi mới về, mình hay có cảm giác khá khó chịu là thấy mọi người như đang di chuyển trong một quả bóng trong suốt, không ai tchạm vào ai. Có lẽ cảm giác đấy đến từ quá nhiều những xét nét (đi xe đạp thì sẽ không dám vào cửa hàng mua quần áo, mặc quần ngố thì không dám vào cửa hàng buffet) mà mọi người phải giữ kẽ để sống cho đúng khuôn khổ của nhau, và từ việc không ai dám quan tâm đến những điều có vẻ khác thường.
Nguyên nhân thứ hai của sự vô cảm (vô thưởng vô phạt) là do thiếu thông tin. Những thông tin đáng bàn nhất, đáng để gây tranh cãi nhất, đáng lẽ ở nước khác có thể gây ra bao nhiêu cuộc bút chiến hay khẩu chiến sâu sắc, thì ở nước ta đều bị bưng bít. Ví dụ như chẳng ai được phép nói về việc dân ở chỗ này chỗ kia đang khởi kiện chính quyền vì thu đất không đúng, dân đang vật vã bệnh tật vì nhà máy sản xuất xả chất thải công nghiệp vào nguồn nước mà kêu không ai xử lý, dân bị đàn áp, dân bị mất mùa vì tính toán sai của những doanh nghiệp thu mua nguyên liệu nhà nước, dân đánh cá đang bị Trung Quốc bắn tỉa. Tất cả những vấn đề không thể được nói đến đó đương nhiên tạo ra một khoảng trống lớn trên báo đài, và những cơ quan này lại phải lấp vào bằng những tin chẳng ảnh hưởng đến ai, những vụ việc mà dù có đấu khẩu hăng hái cỡ nào cũng không gây nguy hại cho nhà cầm quyền. Nào là ngực to ngực khủng, thằng bé này tí tuổi mà hợm hĩnh, con bé kia dám viết sách bịa đặt, anh ca sĩ nọ diễn trò trên sân khấu. Người dân bị dắt mũi bởi truyền thông, cũng cứ thế là đâm đầu vào bới móc, mổ xẻ, hăng hái tranh đấu vì ý kiến của mình, trong khi những tin tức thật sự cần tranh luận, phản biện, thì hoàn toàn vắng bóng.
Sự bưng bít thông tin này, mà thường là những thông tin đa chiều, dẫn đến việc người dân không có khả năng và thói quen nghĩ ngược lại với những gì mình được dạy, hay còn gọi là tư duy phản biện. Chính vì không thể nghĩ ngược, nên khi gặp cái gì không quen, họ không nghĩ, ngại nghĩ, sợ nghĩ, vì thế lảng tránh để khỏi phải nghĩ. Sự vô cảm là thói quen, vì từ bé đã không được dạy cách lên tiếng, cách thể hiện suy nghĩ cá nhân, và cũng là kết quả của sự bất lực, vì không biết làm thế nào để suy nghĩ độc lập. Vì các thông tin đều phập phù như thế, biết hay không biết cũng chẳng ảnh hưởng gì đến tình hình xã hội, hôm nay có thằng bé to mồm này để dân tình chửi bới thì mai phải có con bé ngu xuẩn khác để bà con lên án cho xôm.
Mình rất thích TED, nhưng khi TED về đến Việt Nam, tất nhiên không dám vơ đũa cả nắm, nhưng qua những video youtube mình xem các bạn quay lại các sự kiện đã tổ chức, thì mình khá thất vọng. TEDx ở Việt Nam không khác gì những sự kiện diễn thuyết các bạn trẻ tổ chức, mời một số người nổi tiếng nói những bài dài lê thê, không có trọng tâm, thậm chí nhạt nhẽo. Mình cứ tự hỏi nếu những người, tạm coi là có tầm ảnh hưởng đến công chúng, được quyền nói những thông tin có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước, mà không bị kiểm duyệt, được bàn luận về những cái xấu và cái tốt của bộ máy cầm quyền một cách tự do, được đưa ra chính kiến của họ mà không bị bỏ tù, thì liệu các bạn trẻ đang lắng nghe hau háu kia có học được cách suy nghĩ độc lập và nhìn sự việc từ nhiều phía, để từ đó bớt vô cảm hơn được không?
Cuối cùng, nguyên nhân gốc rễ của cả hai nguyên nhân trên, mình nghĩ là do thể chế chính trị. Nếu có sự đối thoại trong nhà nước, thì cũng sẽ có sự đối thoại trong nhân dân. Nếu người dân cảm thấy rằng họ có quyền chất vấn, và thật sự có khả năng xoay chuyển tình thế, họ sẽ quan tâm nhiều hơn. Những nước phương Tây người dân của họ phê phán chính phủ rất nhiều, họ sẵn sàng phản đối khi có điều gì không vừa lòng, tại sao nước họ vẫn mạnh, vẫn giàu? Còn ở nước mình, quyền phê phán của người dân chỉ gói gọn trong mấy bộ ngực và mấy nhân vật vô thưởng vô phạt, mỗi lần túm được vụ việc nào là báo chí không chịu để nguôi ít nhất vài tuần vì có thứ để giật tit, câu view; thì nước vẫn yếu, vẫn nghèo?
Mình không tin có cái gọi là “tính cách cố hữu” của người Việt Nam. Mọi thứ là do thể chế và cách tổ chức xã hội mà ra. Như Hàn Quốc và Triều Tiên, cùng một dân tộc, tiếng nói, văn hóa, tại sao một nước giàu có thịnh vượng, một nước nghèo dân đói đến mức phải ăn thịt người? Những sự bất lực, thờ ơ, vô tâm, đều có căn nguyên sâu xa của nó. Bạn mình bảo cứ về Việt Nam là thấy không khí ngột ngạt và bi quan, thấy người ta không chịu hành động, chỉ ngồi một chỗ than thở và nêu ra các lý do mình không thể làm được cái mình muốn. Ở một xã hội không khuyến khích sự khác biệt và tính phản kháng, mọi người khuyên nhau “lo cho cái thân mình yên ấm đã” hoặc tự nhủ “có cố cũng chẳng khác được gì, con vua rồi lại làm vua.”. Chẳng phải chính Marx, người mà đi vào phòng họp của các UBND đều thấy đang ngồi sừng sững trên bệ, đã viết là “không có mâu thuẫn thì không có phát triển” sao?
Mâu thuẫn bị bóp chết, thành ra cái gì cũng xam xám, nhờ nhờ, trôi đi vô nghĩa, kể cả những người đang sống trong xã hội này.
Leave a Reply