Câu hỏi này chắc chắn có nhiều người đã từng, hoặc vẫn đang trăn trở.
Có một chị bạn kể với tôi là ngày trước chị rất hay làm việc tốt, ví dụ như đang đi đường mà thấy có người bị ngã xe, chị sẽ lập tức dừng lại để dựng xe giúp, hoặc đỡ người ta dậy. Nhưng bây giờ càng ngày chị càng ít làm thế. Có phải vì chị bận rộn hơn hoặc đã bớt tốt bụng đi? Không phải, chị bảo là cứ mỗi lần dừng xe, không những chẳng có ai cùng chị giúp người bị nạn mà còn nhìn chị một cách kì quặc, giống như ánh mắt họ quăng ra mỗi khi có một người nào đó rỗi hơi xía mũi vào chuyện của người khác. Dần dần, những ánh mắt đó làm chị ngại, và khi nghe tiếng “xoảng” bên cạnh cũng vít ga đi thẳng chứ không phanh lại nữa.
Tôi có một chị bạn khác, cũng kể một câu chuyện tương tự. Chị lấy số để đợi được phục vụ trong ngày giáp tết, và dĩ nhiên ngân hàng những ngày cuối năm rất đông và nhân viên rất mệt mỏi. Có một người nào đó cần được giải quyết gấp, và chị đã nhường số của mình cho họ, mặc dù điều đó có nghĩa là vài giờ chờ đợi vừa rồi của chị đã tan thành mây khói. Nhưng có một điều chính chị cũng không hiểu, là khi dúi vào tay người phụ nữ tấm vé của mình, chị cảm giác gần như ngại ngùng, xấu hổ, và chạy thật nhanh để người đó không kịp cảm ơn.
Tại sao lại như thế? Tại sao tất cả chúng ta khi còn nhỏ đều được dạy rằng nên giúp đỡ người gặp nạn và làm điều tốt cho người khác, đến khi lớn lên lại không làm, hoặc thấy xấu hổ khi thực hành bài học đạo đức đó?
Tôi cứ nghĩ mãi, xem tại sao làm việc tốt khó thế, và cần có những gì để có nhiều người tốt hơn.
1. Có một hệ thống hỗ trợ để làm việc tốt trở nên dễ dàng hơn.
Nếu bạn đang đi trên đường vắng, bỗng nhiên gặp một tai nạn, bạn có giúp đưa người bị nạn vào bệnh viện không? Có thể ngay lúc đó bạn muốn, nhưng bạn sẽ chần chừ rồi đi qua vì ngại khi đến bệnh viện sẽ bị giữ lại để căn vặn đủ thứ, nhỡ người này không có tiền hay bà con thân thích thì ai sẽ chịu trách nhiệm, nhỡ đâu người nhà họ đến sẽ không cần hỏi han mà nhào vào đánh bạn vì cho rằng bạn là người gây tai nạn, nhỡ đâu cú ngã vừa rồi là giả và khi bạn lại gần người kia sẽ vùng lên để cướp xe hoặc làm hại bạn? Với một người giàu trí tưởng tượng như tôi, dường như không có giới hạn với những khả năng xấu có thể xảy ra.
Nếu bạn chỉ cần rút điện thoại, bấm một số nào đó, và năm phút sau sẽ có xe cứu thương và công an đến hiện trường, rồi bệnh viện sẽ điều trị cho người bị thương mà không cần đặt cọc viện phí vì hệ thống phúc lợi của nhà nước sẽ chi trả toàn bộ chi phí y tế, liệu bạn có giúp không? Có bao nhiêu người sẽ lờ đi và người bị nạn có nguy cơ bị mất máu đến chết nếu “việc tốt” chỉ gói gọn trong hành động đơn giản đó?
Tôi không cho rằng người Việt Nam vô cảm hay ít tốt bụng hơn người Canada hay người Mỹ. Nhưng trong trường hợp như thế, hệ thống 911 ở hai đất nước kia chắc chắn sẽ giúp nhiều người Canada và Mỹ làm việc tốt hơn hệ thống cứu thương 115 ở Việt Nam.
2. Có một hệ thống bắt buộc để làm việc xấu trở nên khó hơn.
Nếu đánh vợ hay bắt nạt đồng nghiệp là phạm pháp, chắc chắn sẽ có ít người gây tổn thương cho người khác hơn.
Trong một cuộc khảo sát thực hiện năm 1995 ở Canada, 60% nam giới ở độ tuổi 20-25 khi được hỏi đã trả lời rằng, họ sẽ thực hiện một hành vi xâm hại tình dục với phụ nữ nếu không ai phát hiện. Đây có thể là con số gây ngạc nhiên với nhiều người, nhưng có lẽ cũng không quá xa rời thực tế. Trong một thí nghiệm, các nhà khoa học tạo ra một bé gái 10 tuổi ảo trên các chatroom, và hơn 20.000 người đàn ông trên khắp thế giới liên hệ với bé gái ảo này, và hơn 1000 người sẵn sàng chi tiền để xem “em” biểu diễn các hành động khêu gợi trên webcam. Những người đàn ông đó có thể là chồng, cha, anh hay em của chúng ta, họ chẳng phải là những gã tội phạm xăm trổ đầy mình hay đầu trọc lốc như thường thấy trong phim ảnh.
Nếu như mỗi cá nhân không thánh thiện, thì chúng ta cần phải có một hệ thống luật pháp tốt để có một xã hội lề lối. Luật pháp không nên chỉ dừng lại ở những tội phạm như trộm cắp, giết người, luật cần phải bao gồm cả những thứ chúng ta vẫn coi là tiêu chuẩn đạo đức. Nếu một công ty từ chối tuyển dụng một người khuyết tật, mặc dù người đó đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của công việc, thì pháp luật phải bảo vệ người khuyết tật đó, và để làm như thế, thì những kì thị của cá nhân hoặc tập thể cần phải trở thành một phần được quy định trong luật.
Hiện giờ Việt Nam đã có luật cấm hút thuốc ở nơi công cộng, nhưng chẳng ai thực hiện. Nếu mỗi người hút thuốc cạnh một phụ nữ đang mang bầu, hoặc cạnh một trẻ em, biết rằng mình sẽ bị phạt, thì đất nước sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí y tế cho các bệnh liên quan đến phổi và đường hô hấp.
3. Mỗi cá nhân làm tốt những điều mình làm một cách chu đáo và bền bỉ.
Hai yếu tố đầu thuộc cấp độ vĩ mô, nhưng tôi cũng không thích những bài viết phân tích người Việt Nam thế này, xã hội Việt Nam thế nọ, nhưng sau đó chẳng đưa ra hướng giải quyết nào cụ thể. Nếu chúng ta chưa có những chế độ phúc lợi xã hội tốt, vì tiền thuế còn bị tham nhũng quá nhiều, cũng chưa có luật tốt, vì trình độ của những nhà làm luật chưa cao, thì mỗi cá nhân có thể làm gì? Hay là chỉ đổ lỗi cho người khác, nói rằng xã hội này còn xấu, còn kém, và thế là xong?
Tôi nghĩ rằng, cứ sống như cách mỗi người muốn sống, và làm những điều mỗi người muốn làm, làm thật tốt, và làm thật kiên trì, thì rồi dần dần chúng ta sẽ có một xã hội tốt đẹp hơn. Đừng nghĩ bạn phải mang lại một thay đổi gì đó ghê gớm, hay làm được một dự án thật hoành tráng, hay làm một người thật vĩ đại. Khi bạn sống tốt cuộc đời của mình, bạn đã làm được hai việc. Thứ nhất, bạn bớt đi một người xấu. Thứ hai, bằng cách này hay cách khác, chắc chắn bạn sẽ ảnh hưởng đến một người nào đó ở cạnh mình. Nếu đó là ảnh hưởng tích cực, vậy là bạn đã làm được thêm một điều tốt nữa.
Ở chỗ tôi học ngày trước, có một nhóm những người trung niên hoặc cao tuổi, họ cùng nhau lập ra một nhóm, mỗi tuần tổ chức một buổi sinh hoạt, trò chuyện cho sinh viên quốc tế tại thị trấn đó. Họ phân công nhau đưa đón các cháu, và một vài người tình nguyện nấu một nồi súp, mang một hộp bánh, đĩa và cốc giấy, một vài người khác chỉ đến để nói chuyện thôi. Người già ở Canada thường buồn, vì thế buổi sinh hoạt ấy cũng là một điều thú vị trong cuộc sống của họ, họ có cái để chuẩn bị, để thảo luận, để mong chờ và những kỉ niệm để cùng ôn lại với nhau. Họ cũng có những người bạn mới. Nhóm này bền bỉ tổ chức sinh hoạt đã năm năm, và chắc chắn rằng, họ đã giúp nhiều sinh viên quốc tế thấy được an ủi và gần gũi hơn với Canada nhờ những tình bạn với người ở tuổi cha mẹ, ông bà mình. Số lượng sinh viên đến với họ không nhiều, có những tối chỉ lác đác vài mống, và số tình nguyện viên còn lớn hơn số sinh viên tham dự. Có những lúc họ băn khoăn không hiểu những việc làm của mình có mang lại điều gì không, nhưng chắc chắn rằng có những sinh viên đã vượt qua cú shock văn hóa, hay nỗi nhớ nhà và sự cô đơn nhờ những buổi tối ấm cúng và thân thiện như thế. Tôi là một ví dụ.
Bạn không cần phải điều phối một dự án bạc tỉ, hay làm giám đốc quyền lực đầy mình để gây ảnh hưởng tích cực. Nếu bạn là một người mẹ, người cha tốt, bạn đã thành công trong việc giúp xã hội có thêm một cá nhân tốt. Khi con bạn là người tốt, nó sẽ tác động lên bạn bè, người quen, theo một cách nào đó. Nếu bạn là một cô giáo, mỗi ngày đều là một cơ hội để bạn gây ảnh hưởng lên một nhóm người, cho dù nhóm người ấy còn nhỏ, nhưng biết đâu đấy, những điều bạn nói bây giờ sẽ trở thành ý tưởng cho một điều gì đó đẹp đẽ về sau?
Tôi thì chọn cách viết ra những suy nghĩ của mình. Và tôi rất ngạc nhiên khi có những người nói rằng, những dòng viết của tôi có ích, vì khi đọc vào họ thấy những trăn trở sâu kín của họ được bày ra thành chữ, điều mà bản thân không làm được.
4. Hãy dũng cảm và tự do.
Như cảm giác ngại ngùng, xấu hổ hoặc thậm chí khó chịu của hai người bạn tôi nói lúc đầu, sống tốt và làm điều tốt không dễ. Khi tốt với nhau không phải là điều những người xung quanh bạn vẫn quen, nếu bạn vượt ra khỏi chuẩn mực “lo cho thân mình trước đã”, bạn sẽ thấy những người xung quanh phản ứng, vì thế bạn cần phải dũng cảm.
Còn để làm cái mình thích và mình làm tốt, rất nhiều khi bạn cần tự do. Có nhiều người than phiền rằng ở Việt Nam không có nhiều tự do để làm những thứ họ muốn như ở nước ngoài. Điều đó không sai. Nhiều khi chỉ là những câu hỏi vô ý cứ xoáy vào từ mọi phía như “dạo này thế nào rồi?”, “lương tháng bao nhiêu?”, “có kế hoạch gì chưa?”, “bao giờ định lấy vợ/lấy chồng?” cũng khiến những người đang muốn làm điều gì đó, hoặc đơn giản là chưa biết nên làm gì, rất mệt mỏi. Mỗi lần được hỏi như vậy, họ lại bị nhắc rằng, có một con đường để sống rất mòn, rất an toàn và rất quen thuộc mà gia đình và xã hội đều kì vọng họ sẽ đi. Đi chệch ra một chút, họ sẽ thấy những người khác kéo mình lại. Nhiều khi họ cam chịu bị kéo lại, chỉ để cho đỡ bị hỏi thêm nữa.
Không ai có thể cho ai Tự do, vì thế bạn phải giành lấy. Với những người đã từng sống, và đã thích nghi ở một nước phương Tây, việc làm quen lại với sự mất tự do không dễ. Nhưng nếu tất cả những người có khả năng mang lại thay đổi đều ở nước ngoài, thì ai sẽ bắt đầu thay đổi đó?
Tôi sẽ trích dẫn lời của họa sĩ But Chi ở đây
Càng phát triển Vẽ Kể Chuyện tôi càng gặp nhiều người trẻ thông minh, sáng tạo, tràn đầy nhựa sống, giữa họ có rất nhiều điểm chung. Một trong những điểm chung đó là họ gặp quá nhiều khó khăn để thích nghi với môi trường xung quanh, tốn quá nhiều năng lượng chỉ để sống bình thường. Và vài người trong số họ đã nói với tôi: “Em không hiểu tại sao nhưng em luôn có cảm giác mình sinh ra không phải để làm người Việt Nam, suy nghĩ và cảm giác và ngôn ngữ của em quá khác mọi người, đây không phải là chỗ của em.”
Không, đây chính là chỗ của em, em ạ. Chỉ có điều chúng ta phải giành lại, phải lấy lại. Chúng ta phải làm cỏ, dọn cứt và trồng cây. Chúng ta phải học làm người lại từ đầu thôi.
Nếu không phải chúng ta thì là ai?
KHOA says
Anh rất đồng tình với ý cuối cùng. Không phải khi làm việc tốt không thôi. Thật ra trong bất cứ việc gì mình cũng phải biết tự chủ. Anh thấy người Á Đông mình bị đám đông điều khiển mạnh quá. Trong khi bản chất của đám đông thật ra rất thú tính. Nên thay vì nghĩ rằng:
– Đây là việc tôi làm
– Nếu đám đông ủng hộ thì tôi cảm thấy tự tin
– Nếu đám đông không ủng hộ thì tôi không dám làm
Chúng ta nên luyện cho giới trẻ thói quen làm chủ đám đông như vầy:
– Đây là việc tôi làm
– Tôi cho việc này là đúng
– Đám đông phải thuận theo chủ kiến của tôi
Nếu mình luyện được cách suy nghĩ đó thì từ trong dáng điệu, cử chỉ, ánh mắt của mình sẽ toát ra thông điệp chủ đạo khiến cho từ trong vô thức đám đông phải nghe theo mình. Anh quan sát được quá trình này một lần ở xa lộ Hà Nội, Sài Gòn. Một lần trên tàu điện ở Melbourne. Mình đủ mạnh thì đám đông phải chịu thua em à. Mà không có chuyện người tây tốt bụng hơn người Việt đâu. Thật ra là thuộc tính đám đông ở đâu cũng vậy.
KHOA says
Tạp chí “Art of Manliness” có một chuỗi bài tựa đề “Are You a Sheep or Sheepdog?” phân tích về tâm lý đám đông và biện pháp rèn luyện để làm chủ tình huống rất hoàn chỉnh. Trong đó cho thấy Normalcy Bias có ở mọi nơi và là hiện tượng rất phổ biến trong loài người. Anh rất tâm đắt với loạt bài này: http://www.artofmanliness.com/2013/05/20/are-you-a-sheep-or-sheepdog-part-ii-8-reasons-youre-hardwired-for-sheepness/
Chuyện says
Nếu đám đông là người xa lạ là một chuyện, nhưng đám đông ở đây lại thường là gia đình, bạn bè, những người mình hay gặp. Em có nhiều bạn vì những sức ép này mà phải điều chỉnh cách sống mình mong muốn lắm. Ngay như em, vì cái tội “không có công ăn việc làm ổn định, lương cao” mà cũng bị chì chiết lên xuống, nhiều lần tính bỏ nhà ra đường :))