Lấy chồng sớm làm gì, để lời ru thêm buồn..
(Lá diêu bông – Hoàng Cầm)
Mỗi khi tôi hỏi các cô bạn đã hoặc chuẩn bị lấy chồng tại sao họ làm việc ấy, câu trả lời nhận lại thường là những lý do như đã yêu nhau lâu, đã ra trường có công ăn việc làm rồi, đã hai tư hai lăm rồi nếu không lấy bây giờ mà bạn trai chia tay thì sẽ khó kiếm người khác và dễ rơi vào tình trạng ế, bạn trai đã gần ba mươi rồi, năm nay được tuổi cả hai, nếu không lấy bây giờ sẽ phải chờ ba bốn năm nữa. Cá biệt có những trường hợp lấy vì mẹ của bạn trai ốm nặng và có ước nguyện được thấy con thành gia lập thất trước khi nhắm mắt xuôi tay. Có người lấy vì nghĩ rằng mình chẳng gặp được người nào tốt hơn người này nữa, trước sau gì cũng lấy thì làm luôn cho xong. Lấy vì bố mẹ đã về già, cần có người nương tựa. Lấy vì bị họ hàng và bạn bè giục.
Theo điều tra dân số năm 2009 [1] thì độ tuổi kết hôn trung bình của nữ là 22.8, tức là gần 23 tuổi. Con số này chắc cao hơn ở các đô thị lớn, nơi phụ nữ có nhiều cơ hội học tập và việc làm hơn, nhưng xu hướng chung vẫn là nếu con gái đã 25 tuổi mà vẫn “chưa có gì”, thì những người xung quanh sẽ bắt đầu đặt câu hỏi và gây sức ép.
Có ba lý do tôi nghĩ các cô gái không nên lấy chồng sớm.
Thứ nhất, để có một cuộc hôn nhân bền vững, cả hai cá nhân cần phải hiểu rõ bản thân mình. Điều này thường không được nhắc đến trong các bài viết đưa ra lời khuyên về tình yêu, vì phần lớn mọi người mặc định rằng chỉ cần hai người yêu nhau sâu sắc là đủ cơ sở cho một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên chỉ có tình yêu dành cho người bạn đời là chưa đủ, mà mỗi cá nhân còn phải có một sự hiểu biết toàn diện về chính mình. Mình là ai, mình muốn gì, mình sẽ xây dựng một cuộc sống như thế nào, mình có thể cho và nhận ra sao. Nếu không tự trả lời được những câu hỏi ấy, mỗi người sẽ rất dễ hoài nghi về lựa chọn bạn đời của mình, đây có phải thực sự là người mình muốn chung sống cả đời không, có phải là mình đã quyết định sai lầm không. Quá trình tự tìm hiểu này thường diễn ra trong những năm 20 tuổi, sau khi đã học xong đại học và bắt đầu xoay xở để định hình bản dạng và vị trí của mình trong xã hội. Những người vội vã kết hôn khi chưa có đủ thời gian để tự hiểu chính mình sẽ có nguy cơ rơi vào nghi ngờ khi có trục trặc xảy ra. Không phải ngẫu nhiên mà tỉ lệ li hôn của những đôi dưới 30 tuổi chiếm hơn một phần ba tổng số vụ li hôn trong cả nước, và riêng ở TP HCM thì chiếm đến hơn 60%.[2]
Lý do thứ hai liên quan trực tiếp đến lý do thứ nhất, đó là khi kết hôn sớm, mỗi người sẽ tự tước đi những cơ hội khám phá và trải nghiệm, và thường hiểu biết về bản thân đến từ những cơ hội như thế. Sẽ có nhiều người phản bác rằng, có phải lấy chồng rồi là sẽ không được khám phá nữa đâu. Điều đó không sai, và có rất nhiều lợi ích đến từ cuộc sống lứa đôi mà những người sống một mình không có, ví dụ như hỗ trợ về tinh thần hay tài chính. Tuy nhiên, nếu như điều quan trọng của tuổi 20 là định hình nhân dạng chứ không phải vội vã lao vào cuộc sống gia đình thì tôi cho rằng kết hôn sớm không phải là lựa chọn tối ưu. Liệu bạn có thể dễ dàng chuyển việc, chuyển nơi ở, đi học một môn ngoại khóa mới, tham gia một câu lạc bộ mới, gặp gỡ những người bạn mới, khi bạn đã làm vợ, làm con dâu, và làm mẹ? Liệu bạn có thể gặp gỡ bạn bè hay mở rộng mạng lưới xã hội vào cuối tuần, hay sẽ phải về nhà dọn dẹp, nấu nướng? Liệu bạn có thể về nhà muộn sau giờ làm để hoàn thành một dự án cần gấp, hay phải bỏ tất cả để trình diện bố mẹ chồng đúng giờ? Tuổi 20 là lúc mỗi người học hỏi, thể hiện và khẳng định mình trong công việc và cuộc sống. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc sẽ kéo dài hàng chục năm, nhưng những năm tháng tuổi trẻ không quay lại hai lần.
Còn một điều nữa, để hiểu chính mình cần có thời gian và cần sự cô độc. Làm sao bạn có thể suy nghĩ thật sâu về bản thân khi lúc nào cũng có một người bên cạnh đòi hỏi bạn phải chú ý đến họ? Rất ít phát minh khoa học lớn được tạo ra trong nhóm, cũng chẳng có nhà triết gia nổi tiếng, hay đấng tối cao của tôn giáo nào đạt đến đỉnh cao của trí tuệ khi có người khác bên cạnh. Với những người bình thường như chúng ta, quãng đời từ nhỏ đến những năm 20, và từ sau khi lập gia đình đến cuối đời, chúng ta sẽ sống cùng những người khác. Chỉ có một khoảng tự do rất ngắn ở giữa để làm những việc quan trọng như tự khám phá chính mình. Vì thế, tôi nghĩ bạn nên dành quãng thời gian quý báu đó cho những cơ hội được ở một mình.
Lý do cuối cùng, khá thực tế, phần lớn nữ giới kết hôn với nam giới hơn mình nhiều tuổi, khi họ đã có thu nhập và địa vị vững chắc. Điều này mang lại sự ổn định cho gia đình, nhưng lại đặt người vợ vào vị trí bất lợi. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, khi không có sự cân bằng trong đóng góp tài chính, quyền quyết định và vị thế của người phụ nữ trong gia đình vì thế cũng bị giảm đi. Hai phần ba phụ nữ ở Việt Nam đã từng bị bạo hành ít nhất một lần trong đời[3], và không ít người trong số đó có suy nghĩ “ăn bám chồng bị nó đánh cho là đúng”. Ở độ tuổi 23-25, khi mới chỉ có tấm bằng đại học và rất ít kinh nghiệm làm việc, chắc chắn người phụ nữ sẽ không có được vị trí tương đương với người đàn ông trong gia đình, và sự phân chia quyền lực này thường sẽ tiếp tục trong những năm sau.
Trong vô vàn lý do lấy chồng xuất phát từ gia đình, xã hội, phong tục, tín ngưỡng, chỉ trừ có một động lực quan trọng nhất thì tôi chẳng bao giờ nghe thấy ai nhắc đến “lấy vì muốn”.
Không hiểu các cô bạn tôi nghĩ rằng mong muốn của mình không quan trọng, không cần nhắc đến, hay bởi vì trong quyết định lớn là gắn kết cuộc đời mình với một người khác, mong muốn của bản thân họ thật sự không có ý nghĩa gì so với những nhân tố tác động xung quanh? Hay là bởi vì con gái mà mót lấy chồng, ham lấy chồng thì nghe kì cục quá, nên không nghe ai nói tới?
Thế nào là sớm hay muộn là tùy quan niệm và môi trường xã hội của mỗi người. Có người 28 tuổi vẫn là sớm, có người 23 tuổi đã muộn. Tôi chỉ mong là, các cô gái hãy nghĩ đến mình và nghĩ cho mình nhiều hơn, hãy tự hỏi mình đã sẵn sàng và đã muốn bước vào hôn nhân chưa, hãy làm chủ cuộc sống của mình, đừng để người khác hay những sức ép xã hội xô đẩy vào một thế nhắm mắt đưa chân khi phải đưa ra một trong những quyết định quan trọng nhất của cuộc đời.
[1] http://www.wpro.who.int/vietnam/topics/adolescent_health/factsheet/vi/index.html
[2] http://www.anthdep.edu.vn/?frame=newsview&id=738
Leave a Reply