“Tớ chia tay người yêu rồi. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng chủ yếu là vì con đường của hai đứa ngày càng xa nhau.”
Bạn mở đầu cuộc gặp gỡ hiếm hoi của hai đứa như thế. Cuộc tình đầu kéo dài ba năm rưỡi với một cô gái xinh xắn, theo lời bạn kể thì có nhiều ưu điểm như đặt gia đình lên hàng đầu, một phẩm chất lý tưởng để lấy làm vợ, rất tự lập, và chia tay khi hai người còn rất yêu nhau. Cả buổi nói chuyện, bạn cứ nhắc đi nhắc lại rằng “Tớ vẫn còn yêu T lắm”. Và đúng như một thằng con trai yêu tha thiết thất tình lần đầu tiên, bạn không thể ngừng mơ tưởng về một đám cưới, cho dù biết mười mươi cô gái ấy bây giờ đã có người con trai khác ở bên cạnh an ủi và đang vượt qua sự đổ vỡ này nhẹ nhàng và dễ dàng hơn mình rất nhiều.
Sự đổ vỡ ấy là một trong những hậu quả của một quyết định bạn đưa ra khoảng ba năm trước. Còn rất nhiều hậu quả khác mà bạn vẫn phải vật lộn hàng ngày. Con đường bạn rẽ sang vẫn chưa đi đến chỗ sáng sủa. Hiện tại u ám và tương lai mù mờ. Đây không phải là câu chuyện về người trẻ dám nghĩ dám làm, dám từ bỏ những khuôn mẫu vạch sẵn rồi đạt thành công rực rỡ, tỏa ánh hào quang chói lọi. Không, người con trai đang loay hoay để định hình cuộc đời mình ngồi trước mặt tôi không sống những mô tuýp cổ tích người ta vẫn hay dùng để động viên những người trẻ. Theo đuổi đam mê, đi về hướng trái tim của mình mách bảo, không bao giờ ngừng nghỉ cho đến khi tìm thấy điều mình thực sự yêu thích. Tất cả những động viên, cổ vũ đó có rất có ích cho những người sống ở xã hội tự do, như Steve Jobs ở Mỹ, còn với thằng bạn còi cọc và không phải là thần đông của tôi, việc từ bỏ lối mòn quen thuộc để rẽ sang hướng khác là một quyết định đầy tính rủi ro, và những hậu quả của nó, ví dụ như việc mất người yêu, bạn vẫn chưa thể mường tượng hết được.
Lúc đang là sinh viên năm ba rưỡi khoa Công Nghệ Thông Tin của Bách Khoa thì tớ bỏ học. Tớ đã phải gồng lên suốt thời gian đó để mỗi lần đi thi đạt đủ điểm qua. Sức con người có hạn, làm sao cứ làm mãi được việc mình không thích. Tớ ớn đến tận cổ những số 1 với số 0, những lý thuyết khô rang và việc ngồi lì một chỗ để lập trình. Thời điểm đó tớ đang đi học Arena và nhận ra mình thích thiết kế, nên tớ bỏ trường đại học để đi học đồ họa. Tớ quá mệt mỏi với việc lê lết từ kì thi này sang kì thi khác. Tớ cũng sợ nếu cứ thế này tớ sẽ tiếp tục cái vòng quay học, ra trường, đi làm, giống như tất cả mọi người, và sau đó cả đời phải làm một công việc tớ không thích.
Đấy không phải là một quyết định dễ dàng. Suốt thời gian kể từ khi ý nghĩ bỏ học nhen nhúm cho đến khi dứt khoát, tớ chẳng khi nào thấy thanh thản. Mỗi sáng ngủ dậy lại bị giằng xé, lúc thì nghĩ là nên cố gắng nốt, lúc thì nghĩ rằng cứ tiếp tục thế này thì sẽ chán chường vô tận. Tất cả những người tớ xin ý kiến đều khuyên tớ không nên bỏ học. Bố mẹ tớ phản đối, bố tớ là người rất gia trưởng và nguyên tắc, ấy biết rồi đấy. Bằng rất nhiều cách, bố tớ làm cho tớ hiểu rằng việc không có cái bằng đại học là không thể chấp nhận được. Tớ cũng băn khoăn không rõ mình đang yếu kém vì không vượt qua được khó khăn, hay đang chối bỏ thôi thúc từ đam mê của mình. Dần dần tớ cũng thuyết phục được bố mẹ đồng ý cho nghỉ. Cái ngày đầu tiên tớ không đến trường Bách Khoa nữa, tớ như trút bỏ được một khối u ác tính trên người.
Thường thì những câu chuyện trên mặt báo sẽ dừng phần miêu tả thân thế của người hùng ở đây, và phần sau sẽ là những dòng chói lòa thành công kiểu như “Bỏ học đại học làm chủ ba cửa hàng thời trang”, “Không học đại học kiếm một tháng vài trăm triệu”, cứ như thể đấy là một hằng đẳng thức, nếu có vế trước sẽ có vế sau. Rất tiếc, mà cũng rất mừng, bạn tôi không phải là một trong những nhân vật bóng loáng đó.
Có những thời điểm tớ rất đuối, vì thấy đi mãi đi mãi vẫn chưa có lối ra. Bố tớ không chấp nhận nổi một thằng con không có bằng đại học, nên học xong Arena, đáng lẽ phải đi làm để tích lũy kinh nghiệm và vận dụng những kĩ năng tớ đã rèn giũa được, thì bố tớ lại bắt tớ thi đại học. Tớ thi Mỹ Thuật Công Nghiệp, trượt, năm sau lại thi lại, đỗ, và bây giờ khi bạn bè đã đi làm hết rồi, tớ vẫn ngày ngày cắp cặp đi học với bọn trẻ con.
Có rất nhiều điều khiến tớ mệt mỏi, ví dụ như việc mỗi sáng ngủ dậy lại phải tự ép mình đi tiếp. Tớ cố gò mình vào một thói quen sinh hoạt, sáng làm từng này việc, chiều làm từng này việc, tối làm từng này việc, để nó lặp đi lặp lại và tớ không phải suy nghĩ lựa chọn giữa việc ngủ, chơi trong một ngày hôm đó và việc ngồi trước cái máy tính để làm việc, rồi đi học, và lại đi học. Sự ghen tị cũng làm tớ mệt mỏi. Tớ tránh gặp bạn bè vì chẳng dễ dàng gì khi một thằng con trai 25 tuổi vẫn chưa đi làm, chưa có tiền rủng rỉnh như những đứa bạn khác. Tớ không hối hận về quyết định của mình, cũng không thấy xấu hổ về nó, nhưng không thể không so sánh với những người xung quanh. Thằng bạn sáng sáng vẫn đi chạy thể dục cùng bây giờ đã kiếm được 15-20 triệu một tháng, còn tớ mỗi khi tiêu gì đều phải suy nghĩ cẩn thận.
Và mệt mỏi nhất là cô đơn. Ngày xưa, khi tớ bỏ học lần đầu tiên, tớ cô đơn vì mọi người đều đang đi theo một hướng khác, không ai rẽ cùng tớ cả. Dần dần, những lần tán phét hay đi uống bia hơi với bạn bè, tớ không còn nhiều điểm chung để đóng góp nữa, nên chỉ ngồi nghe, gật đầu và cười nhăn nhở. Bây giờ, khi những người cùng tuổi đã đi làm, tớ cũng không thể chia sẻ những lời than phiền về ông sếp, những sự vụ tán tỉnh cô nàng thư kí ngồi gần, hay những hồ hởi khi nhận dự án lớn. Ở môi trường hiện tại của tớ, tớ xa lạ với tất cả những người tớ tiếp xúc hàng ngày. Bạn học ở trường Mỹ Thuật kém mấy tuổi, nên thấy rất trẻ con. Mà bản chất của việc thiết kế là quá trình sáng tạo đơn độc, cũng ít khi có người để chia sẻ.
Tớ cô đơn trong gia đình, vì những câu nói bâng quơ thỉnh thoảng như cái dùi xoáy vào lòng tự trọng của một thằng con-trai-đang-lớn “đáng lẽ giờ này mày đã phải đi làm rồi đấy nhỉ”. Tớ cũng cô đơn vì những so sánh với con bác hàng xóm, vì những cái thở dài rằng bố mẹ mới mua nhà còn nợ nhiều tiền, mà con chẳng đóng góp được. Vì những cái liếc xéo mỗi khi về muộn “Mày lại đi chơi phải không? Lông bông đến bao giờ nữa?”
Thật là buồn, vì cả gia đình và xã hội sống với những mặc định rất cứng, rằng 18 tuổi phải vào đại học, 22 tuổi phải ra trường, 25 tuổi phải có công ăn việc làm ổn định để tầm 27 tuổi đã có một khoản dành dụm và bắt đầu cưới vợ. Những mực thước ấy không có gì sai, nhưng việc ép tất cả vào một rọ và cho rằng những ai không đi theo chuẩn mực ấy là sai và kém cỏi, cho dù vô tình, cũng là một hành động gây tổn thương rất lớn.
Và tớ còn cô đơn trong tình yêu nữa, nhất là khi người yêu tớ cũng ra trường và bắt đầu đi làm. Cô ấy có những mối quan tâm khác tớ, điều đấy tất nhiên không có gì sai, chỉ buồn vì hai người ngày càng xa nhau. Gia đình cô ấy phản đối tình yêu của hai đứa, dù trước đấy cũng rất quý tớ, vì cho rằng tớ là thằng không có chí hướng, lông bông không ổn định. Họ ngứa mắt khi thấy một thằng đã 25 tuổi vẫn cắp cặp đi học và chưa biết đến bao giờ mới có tiền để lo cho vợ con. Không ai cần biết tớ như thế này có tốt hơn cái phiên bản tớ nếu cứ tiếp tục học Bách Khoa và trở thành một cái bóng của chính mình hay không. Họ chỉ cần biết tớ không giống số đông, tớ chưa học xong, chưa đi làm, chưa có tiền, và họ đánh giá rằng tớ không tốt.
Bạn chủ động chia tay người yêu, để người con gái ấy có thể tìm một người đàn ông “ổn định” và lấy làm chồng năm cô 25 tuổi, điều mà bạn không thể làm được. Không có người yêu nữa, bạn thấy nhẹ nhàng, vì trút bỏ được sức ép phải là một thằng đàn ông chuẩn mực, nhưng cũng thấy hụt hẫng vì đã không còn động lực để cố gắng “cho tương lai của hai đứa “. Cái quyết định bỏ học có vẻ nổi loạn ấy, thật ra là một quyết định dũng cảm.
Chỉ buồn là, vì bạn không thành công theo chuẩn mực đo được bằng tiền của xã hội, nên chẳng có ai tung hô bạn là người dám đi theo đam mê. Trong những chuỗi ngày vốn đã có ít niềm vui, giờ lại thêm nỗi đau của một tình yêu mới tan tành, bạn lại càng đơn độc.
Những người dám nghĩ, dám làm và dám sống khác với số đông thường không được ủng hộ, vỗ về, bởi vì họ dấn thân vào vùng đất những người còn lại không quen thuộc. Mà những cái không biết thường khiến người ta sợ hãi.
Tôi không giúp được gì, chỉ thật tâm mong rằng bạn sẽ có đủ nghị lực và sự cứng đầu để sống đến tận cùng lựa chọn ấy.
Còi Pro says
Đó là vì bạn ấy dũng cảm nhưng chưa đủ. Vốn dĩ dù là đi theo “chính đạo” thì để vật lộn với cuộc sống này đã là rất khó khăn, huống hồ là chọn “tà đạo”. Vấn đề nằm ở chỗ bạn ấy đã không chứng tỏ được niềm tin của mọi người xung quanh vào bản thân và lựa chọn con đường của bạn ấy thì biết phải làm sao. Tất nhiên tôi không thể hiểu hết về bạn cô, cũng như chẳng thể hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện của bạn ấy nên chỉ nói dựa vào kinh nghiệm cũng từng vùng vẫy để thoát khỏi sự gò bó của giá đình và xã hội. Tuy nhiên, tôi tin là trước sau gì, bạn ấy sẽ gặt hái được thành công thôi. Người như bạn ấy thì chỉ có thể thành công sớm hay muộn, còn hơn cả tỉ lần những đứa chả biết ước mơ của mình là gì 😀
Xe Lu says
Tác động của người khác là tác động không bền vững, và chỉ mang tính chất tham khảo. Và giống như Còi và cậu, tớ cũng rất mong bạn ấy có thể đi đến cùng, có thể tìm thấy thành công sau 5 năm học vùng vẫy với quá nhiều áp lực xung quanh 🙂
Linh says
Hơn 2 năm rồi. Cũng muốn biết và hi vọng đến giờ bạn ý đã tìm thấy tự tin và hơn nữa là tự hào về lựa chọn của mình.