
Our lives begin to end the day we become silent about things that matter.
Martin Luther King JR
1. Cách đây ít lâu tôi có post lên facebook một câu status đại ý là “Tôi không bao giờ chịu đựng những người đàn ông đánh vợ, cho dù đó là bố mình.” Một số bạn bè xớn xác hỏi thăm, một số âm thầm “like”, một vài người khác, cả người thân trong gia đình lẫn bạn lâu ngày không liên lạc, nhắn tin riêng cho tôi khuyên nên gỡ câu status đó xuống. Lý do là chuyện không hay thì không nên nói ra ngoài, có gì từ từ giải quyết, người khác đọc vào sẽ nghĩ không hay về tôi, vân vân và vân vân. Suy nghĩ một lúc, tôi quyết định để nguyên câu status đó.
Cái sai đương nhiên là xấu, nhưng rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng nói về cái sai cũng xấu. Tôi đã từng nghe kể về những ông chồng tuyên bố đánh vợ dễ hơn đánh chó, vì chó còn dám chạy, vợ thì không. Tôi cũng nghe chuyện người vợ bị mẹ chồng và em trai chồng trói vào ghế để chồng đánh và nhét giẻ vào mồm vì “cái tội ngoa ngoắt” khi chồng say rượu. Tôi cũng đã từng nghe chính những người phụ nữ xấp xỉ tuổi tôi nói rằng khi vợ sai thì chồng có quyền đánh, thậm chí là đánh trước mặt bố mẹ vợ.
Tất cả những người phụ nữ ấy, tôi chắc mẩm họ đều tâm tâm niệm niệm rằng “xấu chàng hổ ai”, rằng “tốt khoe ra xấu xa đậy lại”, rằng “chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau”, rằng “không nên vạch áo cho người xem lưng”, rằng vô vàn những điều khuyên răn khác nữa mà họ đã được dạy bảo từ tấm bé và sẽ dạy lại cho con gái mình để lần lượt các em bé gái lại trở thành những người phụ nữ giỏi nhẫn nhịn và chịu đựng như họ. Tôi chưa bao giờ hiểu tại sao những người vợ bị đánh lại tự che giấu và nói dối về vết bầm tím của mình, hay tại sao người ta hay nói quá nửa số phụ nữ có gia đình ở Việt Nam ít nhất bị bạo hành một lần trong đời, cho đến khi tôi nhận được những tin nhắn riêng trên facebook kia.
Nếu mọi người đều giữ thái độ lảng tránh và im lặng xung quanh cái xấu, thì sẽ chẳng bao giờ thay đổi được.
2. Cũng gần đây, tôi đi dự một sự kiện tên rất kêu “Thức tỉnh đón cầu vồng”, chắc các bạn cũng đoán ra, để kêu gọi và thể hiện sự ủng hộ dành cho các bạn đồng tính, song tính và chuyển giới. Sự kiện được tổ chức ngoài trời, ở ngay đối diện Hồ Gươm là trung tâm thành phố (ban tổ chức chắc hẳn đã phải bỏ nhiều công sức để được phép làm tại vị trí đẹp như thế), ảnh và các video đăng trên mạng sau sự kiện khá hoành tráng, rất sôi sục và tưng bừng nhiệt huyết, đúng khí chất của những người trẻ hừng hực mong muốn thay đổi. Nhưng nếu để thay đổi một vấn đề xã hội chỉ cần đứng vẫy cờ, nhảy nhót, gào thét, thổi bong bóng và vỗ tay thì dễ dàng quá, và hình như hời hợt quá.
Tối hôm đó trong đám đông ngoài thành phần chủ đạo là các bạn trẻ đã đăng kí từ trước, các bạn đi để ủng hộ bạn mình biểu diễn trên sân khấu, thì rất ít những người ngoại đạo đến do quan tâm. Tôi lướt mắt nhìn quanh thì toàn thấy các bố mẹ cho con nhỏ ra chơi cho mát, các em bé trượt patin vèo vèo, một vài bạn dắt chó đi dạo buổi tối, và hai ba nhóm người nước ngoài, có thể là khách du lịch thấy đông vui thì tò mò đứng lại xem. Chương trình để ủng hộ nhưng toàn hát những bài tiếng Anh và tiếng Việt đang thịnh hành, rồi múa, rồi nhảy flash mob. Cũng có hai đoạn chia sẻ của người trong cuộc, một là một cặp đôi đồng tính nữ, và hai là một bác có con là đồng tính nam. Nhưng không hiểu do không gian quá rộng hay thời gian quá ngắn, tôi cảm thấy sự chia sẻ đó mang tính kêu gọi ồn ào nhiều hơn là sự chân thành sâu sắc.
Tóm lại, một chương trình rất vui, rất sôi động, rất rộn rã và cả lung linh nữa, nhưng sau đó là gì? Những lá cờ cầu vồng sáu màu và các tờ thông tin bị vứt lại la liệt trên mặt đất. Tôi rất ngờ rằng, những người đã vẫy cờ rất hăng và gào thét rất to tối hôm đó, sau khi đã post ảnh lên facebook, comment khen ngợi lẫn nhau, thì sẽ quên sạch. Có thể chính họ, một ngày nào đó khi nhìn thấy một cặp đôi đồng tính ở nơi công cộng, sẽ lại chỉ trỏ, bàn tán hoặc dè bỉu rồi tránh xa.
Kiểu mang lại thay đổi xã hội bằng những sự kiện vui vẻ như thế này không hiếm. Lần Simple Plan biểu diễn ở sân vận động Mỹ Đình để chống nạn buôn bán người tôi cũng đi. Nhưng tôi dám chắc trong bốn chục ngàn khán giả hôm đó, phần lớn, nếu không phải là tất cả, chen chúc trong hơn ba tiếng đồng hồ không phải vì họ quan tâm đến nạn buôn bán người, mà vì Simple Plan. Cứ mỗi lần ban tổ chức phát những video ngắn xen kẽ quay phim về những người đã bị buôn bán, khán giả lại ngồi xuống hoặc quay ra nói chuyện với nhau, cộng với âm thanh tậm tịt, nên những người muốn nghe cũng không nghe được gì. Hôm đó các MC cũng gào thét “Chống buôn bán người”, các bạn khán giả cũng vẫy những thanh xốp hồng in đậm dòng chữ “Stop human trafficking”, nhưng tôi ngờ rằng tất cả những điều đó chỉ để cho báo chí chụp hình và lưu lại làm tài liệu sau này, chứ còn những người có mặt ở sân vận động ngày hôm đó, không hề để thông điệp ấy vào đầu.
Có mong muốn thay đổi là tốt, nhưng tạo ra thay đổi bằng những sự kiện giải trí và bằng việc mang lại cho đám đông những giờ phút vui vẻ, e là khó.
3. Càng ngày càng có nhiều người muốn làm việc tốt, quả là tín hiệu đáng mừng.
Đi trên các cung đường dẫn lên các tỉnh miền núi phía Bắc vào dịp giáp Tết, người ta dễ dàng bắt gặp cảnh tượng những chiếc xe máy nối đuôi nhau từ miền xuôi lên miền ngược, trên xe chất đầy các tải quần áo cũ, sách cũ, đồ chơi cũ, những thứ mà người thành phố không cần nữa và không biết mang đi đâu.
Tất nhiên không phải ai cũng vậy, có nhiều người rất cẩn thận lựa chọn quần áo lành và sạch, rất nhiều người mua quần áo mới, rất nhiều người chăm chút để chọn những quyển sách hay mà trẻ em miền núi vô cùng thiếu thốn. Đều là những tấm lòng đáng trân trọng cả.
Nhưng không thể phủ nhận những việc tốt theo kiểu cho đi cái mình có, không phải cái người ta cần. Những đoàn tình nguyện viên ào ạt kéo vào bản làng, sơn nhà trẻ, xây nhà văn hóa, ăn thịt uống rượu trong một vài tháng, rồi lại ồ ạt đi không để lại dấu tích. Những công ty du lịch hoặc tổ chức tình nguyện quốc tế đưa sinh viên nước ngoài đến đào giếng để mang lại nước ngọt nước sạch cho bà con khi cả làng nhà nào cũng đã có bể bê tông chứa nước mưa sạch sẽ. Sau lưng một đoàn “phượt”, những em bé dân tộc thiểu số ăn kẹo các anh chị cho, mặc quần áo hàng Tàu các anh chị để lại, ngơ ngác đứng nhìn các anh chị rùng rùng trở về thành phố mà không biết quần áo truyền thống của dân tộc các em giờ không được dệt được mặc nữa cũng một phần vì những người lớn trong bản cứ đi ra khỏi huyện là bị người Kinh chê là “bọn dân tộc”.
Cứ mỗi dịp trung thu, tết thiếu nhi, mùng 8/3, hay bất cứ ngày kỉ niệm nào khác, là rất nhiều nhóm cố định hoặc tự phát tập hợp và kêu gọi quyên góp để “đi làm việc tốt”. Điều nguy hiểm ở đây là sau một ngày ở với các em bé mồ côi, các cụ già bơ vơ không nơi nương tựa, hay các nhóm người yếu thế khác, các bạn để cho tim mình thổn thức, chụp rất nhiều ảnh xinh tươi, tối về để lên facebook để nhận lại vô vàn những lời khen ngợi dành cho tấm lòng cao cả của mình, rồi hôm sau…quên sạch. Cũng nguy hiểm như những hình thức mua một gói mì là góp từng này đồng cho quỹ khuyến học ba la bô lô, người ta làm một việc rất nhỏ rồi nghĩ mình đã góp phần thực hiện thay đổi xã hội, ví dụ giúp trẻ em nghèo đến trường, giúp đồng bào thiểu số có quần áo mặc qua mùa đông, sau đó yên tâm kê cao gối ngủ ngon cho cái lương tâm đã được ăn kẹo ngọt của mình, mà không biết rằng, những hành động đó, tự thân nó chẳng đi đến đâu cả.
4. Vậy làm thế nào để mang lại thay đổi xã hội? Làm thế nào để xóa đói giảm nghèo, để đạt được công bằng, để cuộc sống tốt đẹp hơn?
Phức tạp quá, tôi không biết.
Nhưng có một điều tôi biết, nguyên tắc đơn giản nhất, là phải nói về điều mình muốn thay đổi, mang nó ra ánh sáng, và để người khác không coi nó là chuyện bình thường. Một người đàn ông sẽ không thay đổi hành vi của mình nếu người vợ cứ tiếp tục “đóng cửa bảo nhau”. Tôi không tin là thay đổi thật sự và to lớn đến từ sự lảng tránh, sự phấn khích, hay lòng từ thiện. Một gói mì tôm không thể xóa đói, một buổi tối nhảy nhót tưng bừng cũng không thể khiến cả xã hội cởi mở hơn. Xã hội chỉ xoay chuyển ở những phần cốt lõi nhất khi những cá nhân sống trong nó trở nên giận dữ. Tôi tin là thay đổi phải được mang lại từ bất bình và phản kháng.
Mấy hôm nay, trên mạng nói nhiều về án tù cho hai bạn trẻ. Đi tù thì sợ quá, già hay trẻ cũng sợ như nhau cả thôi. Nhưng sự trừng phạt có thể bắt người ta im lặng vì sợ, nhưng không thể ép người ta thôi giận giữ. Phật dạy rằng giận dữ là một trong ba căn nguyên của mọi đau khổ, rất đúng. Vì giận dữ mà hai bạn sẽ phải trải qua tuổi trẻ của mình ở chốn tù ngục. Nhưng sự giận dữ đó, thật sự là ngọn lửa để soi đường cho những điều tốt đẹp hơn ở phía trước cho cả xã hội này.
Gần đây tôi gặp nhiều người dân ở Văn Giang, Hưng Yên đi bán rong. Tôi vẫn nhớ cộng đồng mạng đã sôi sục thế nào về vụ căng thẳng đất đai mới xảy ra năm ngoái, nên không thể kìm lòng mà tự hỏi có phải những người phụ nữ mặt đen cháy vì nắng trán đầm đìa mồ hôi kia cũng là một trong những người bị ảnh hưởng bởi sự việc đó không. Tôi không dám hỏi trực tiếp, sợ họ đau lòng. Nhưng tôi cũng sợ họ đã bị lãng quên. Lùm xùm một lúc rồi không ai nhắc đến nữa, những người nông dân không còn ruộng cày cấy vẫn phải sống, và sống trong sự im lặng về thân phận của mình.
Tôi chỉ mong rằng, hai bạn trẻ sẽ không bị quên, và ngọn lửa giận dữ các bạn đã nhóm lên sẽ không bị tắt. Xã hội này rất cần những ngọn lửa như thế để đốt lên thay đổi.
Thích đoạn Rain viết về sự giận dữ.
Chị ơi, em không dám viết tên hai bạn ý ra vì sợ blog bị đánh sập đấy chị ạ :((