hay là chuyện cử nhân ngành Nghiên Cứu Phát triển đi bán rau
16/12/2011
Cách đây nửa tháng, lúc mình đang thong dong uốn lượn ở Đồng Văn chốn rừng núi hiểm trở địa đầu của Tổ quốc thì mình nhận được email hồi âm của 1 tổ chức phi chính phủ hẹn muốn phỏng vấn mình qua điện thoại vào ngày hôm sau. Đem chuyện công việc đầy toan tính lên chốn núi rừng xanh cong vàng óng, sợ không phải với thiên nhiên, mình lập tức trả lời bảo đại ý là “Tao đang đi chốn rừng núi hiểm trở, sóng điện thoại yếu lắm, chờ tao về Hà Nội nhé?!”. Mấy anh giai Tây đồng ý ngay, 2 hôm sau mình về đến Hà Nội, có 1 ngày để xem lại chút thông tin và suy nghĩ về cuộc đời và sự nghiệp (hihi). Mình trả lời phỏng vấn khá tự tin, đâu ra đấy. Đó chỉ là vòng 1 nên cũng ko có câu hỏi nào khiến mình ngạc nhiên. Nói chuyện khoảng tầm 30 phút thì thôi, mấy anh giai Tây hẹn mình đầu tuần sau lên văn phòng phỏng vấn trực tiếp.
Mình háo hức lắm, tại về lâu phết rồi mà chẳng ở đâu gọi đi phỏng vấn, mà hồ sơ thì nộp rõ nhiều nơi rồi chứ, lại còn..đẹp nữa chứ… Thế là mình lại tiếp tục…suy nghĩ về cuộc đời và sự nghiệp, miên man bên những album ảnh và note đầy tâm sự trên Mặt Sách. Ôi bỏ mẹ, chuẩn bị phỏng vấn mà lướt Facebook ầm ầm thế bao giờ. Xong lại còn mở sách ra đọc Mục lục rất trí thức, xong lại còn lấy 1 quyển sổ xinh xắn ra vừa đăm chiêu suy nghĩ vừa viết ra biết bao nhiêu là các câu hỏi của mình về mô hình hoạt động của tổ chức này…
Thế rồi mình bắt đầu suy nghĩ 1 câu hỏi rất quan trọng: “Mai mặc cái gì?”. Nếu mình đi phỏng vấn ở 1 ngân hàng hay 1 công ty kiểm toán, có lẽ mình sẽ chẳng phải suy nghĩ nhiều về chuyện mặc cái gì. Nhưng đằng này mình lại đi tới 1 tổ chức phi chính phủ nho nhỏ, 1 nửa thời gian là làm việc với ông bà con nông dân (Sao người ta chỉ gọi là “bà con nông dân” mà ko nói “ông con nông dân”?). Mặc thế nào để ko lạc nhịp với chốn cao ốc văn phòng tình cờ là địa điểm cuộc cuộc phỏng vấn, để vừa thể hiện được sự lịch sự trí thức thông minh, lại vừa thể hiện được sự giản dị dễ gần “down to earth” không sợ đau chân, bẩn váy, hay gãy móng tay õng ẹo?
Khiếp, khó như thế mà mình cũng nghĩ ra. >”
1 trong những tiêu chí của mình là không áo sơ mi công sở và không kết hợp trắng với đen, nhất là trắng trên đen dưới. Không hiểu sao cứ mỗi lần nhìn ai mặc 1 bộ suit đen trắng, hoặc áo sơ mi trắng quần đen, dù sang trọng và thành đạt đến đâu, mình cũng hình dung ra cái bánh Oreo di động. Đúng là thế! Đúng là cái bánh Oreo di động! Có lẽ cũng vì thế mà mình rất dễ có cảm tình với những chàng trai mặc áo sơ mi có màu. Hihihi
Thế rồi ngày mình phỏng vấn là 1 ngày mưa đem theo chút lúng túng. Mình vẫn đi ăn trưa với bạn mình rồi mới qua chỗ phỏng vấn. 4 người phỏng vấn mình, nhiều hơn dự tính. Họ ngồi ở phía bên kia của 1 cái bàn hình bầu dục rất to, cắm mặt vào 4 cái máy tính, có vẻ nghiêm trang hơn mình dự tính.
Nhưng rồi bắt đầu hỏi han và trả lời. Cuộc trò chuyện cũng thú vị hơn mình dự tính, và dài kỷ lục, hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Đan xen rất nhiều câu hỏi và lời tâm sự phát sinh từ phía 4 người phỏng vấn do những câu hỏi và những lời nhận xét sẻ chia của mình. Từ những câu hỏi đầy tính kĩ thuật về flat rate với APR, cho đến những câu hỏi chuối sến như kiểu “Em sẽ mời 3 người nổi tiếng đương đại nào ăn tối cùng em và vì sao?”. Có khá nhiều câu bất ngờ trong đó có những câu mình trả lời không tốt bằng những câu khác.
Mình đã phì cười không kiểm soát được khi anh chàng người Đức hỏi mình mấy năm nữa đi học Master và mấy năm nữa đi học PhD.
Mấy phút sau mình lại làm anh chàng phì cười trước câu trả lời của mình khi anh hỏi “Do you see yourself as an academic or an entrepreneur?”. Mình bảo “I see myself moving from an academic to an entrepreneur”. Hình như cách đây hơn 1 năm đã có lần mình tâm sự đi làm học được nhiều hơn đi học rất nhiều, đi làm thấy mình linh hoạt bớt cầu toàn hơn. Đi học, nhất là ngành học của mình, cứ ngồi ngả lưng tựa đầu vào ghế sa lông rồi phê phán xã hội thôi, nhìn đâu cũng thấy khiếm khuyết nhức nhối, chỉ trích kẻ nọ người kia. Đi làm rồi mới vỡ lẽ ra là thay đổi chẳng dễ tí nào, nhiều khi biết là sai ra đấy mà vẫn phải thỏa hiệp. Đôi khi vỡ mộng tặc lưỡi nhận ra thôi thì “méo mó có hơn không”. Mình nhìn 4 vị ngồi trước mặt gật đầu tỏ vẻ đồng ý, mình còn nhận ra cả nét mặt có phần trầm xuống, mình có thể đoán được rằng họ cũng đang gặp những bế tắc nhất định của 4 người ngoại quốc trẻ, tài năng, và tham vọng đánh đổi rất nhiều thứ để tới lập nghiệp tại Việt Nam, nơi cơ hội và thử thách song đôi như bao nước đang phát triển khác.
Thế rồi cả 2 bên cùng hết câu hỏi, mình ra về. Anh chàng người Đức đi cùng mình xuống cầu thang máy, có vẻ vẫn hơi đăm chiêu suy nghĩ điều gì đó. 2 đứa đứng ở giữa cửa ra vào trò chuyện ngắn nhưng có vẻ thân mật hơn. Anh chàng nhìn mình rất hiền rồi nói với ánh mắt của đàn anh có chút từng trải khắp các châu lục và cả ở Việt Nam, buồn nhưng chân thành và không bế tắc, “em sẽ vỡ mộng nhiều lần đấy!” (“You will be disillusioned a lot!”). Đúng lúc ấy mình ngước mắt lên nhìn trộm đồng hồ của mấy bạn APEC Securities, tự dưng thấy anh chàng đẹp trai thế hả dzời.
Xong anh chàng lại hỏi, “Với kinh nghiệm của em, anh biết là sẽ có những chỗ trả lương em cao hơn. Tại sao em lại muốn làm với bọn anh?”. Giời ạ, em bảo em thích mô hình của bọn em chứ em đã bao giờ bảo em hài lòng với mức lương của bọn anh đâu, anh còn không cho em cả cơ hội để đàm phán lương.. Muốn nói thẳng thế lắm mà buộc phải nói dối.
Đưa mắt nhìn mình từ đầu đến chân rồi tự nhìn lại bản thân mình, anh tự ý thức được bộ dạng (dù đã cố gắng) vẫn có phần công sở của bản thân và hình thức (dù đã cố gắng) vẫn có phần chỉn chu của mình, rồi hỏi: “Ly này, em thích ngồi ở văn phòng hay đi thực địa? Em có bao giờ hình dung bản thân mình nhảy lên 1 cái xe máy, phóng về miền nông thôn, ra ruộng vào vườn với bà con, để chân tay em bẩn không?”
Mình biết mà..
Hôm đó là thứ 4. Đến thứ 5 thì mình nhận được điện thoại báo là họ muốn mình thử sức 1 lần nữa trước khi họ đưa ra quyết định. Lần này là đi tiếp 1 đoàn giáo sư người Mỹ ở khoa Địa lý ở NUS (Singapore) về Sóc Sơn vào thứ 7. Thứ 6 họ gửi mình ít tài liệu và giao nhiệm vụ mật cho mình hihi.
Chuyến đi cũng khá thú vị, mặc dù lần này đi về miền quê chốn sông nước cây cỏ xanh ngạt mà cứ nặng trĩu trong lòng. Bao nhiêu suy nghĩ. Xong công việc buổi sáng, nghỉ ăn trưa, mình đang ngồi trông nồi nước nhân trần thì 1 anh chàng ra bảo mình: “Để anh trông cho, em đưa hội kia ra câu cá đi. Đừng trở về cho đến khi nào tay chân em bẩn!”
Hay nhỉ, vẫn muốn thử xem mình õng ẹo đến đâu. Ai ngờ gặp phải “sát thủ đầu chảy mủ” là mình. Ngày xưa có 1 dạo bố mình mê đi câu cá lắm, sắm sửa cần máy rất pờ rồ xong làm cho 2 chị em mình 2 cái cần câu tôm thô sơ ngắn tẹo để câu hay chạy lăng xăng cho đỡ vướng chân. Từ thuở đấy mình đã dám cầm que xắn con giun ra thành mấy khúc xiên thông ruột vào lưỡi câu hình móc rồi thả xuống, tôm giật nhoay nhoáy. Có lần được cả xô tôm, cả mấy nhà ăn ngon lành.
Thời gian trôi đi, thế nào mà kỉ niệm xin việc đào xới cả 1 phần tuổi thơ! Mấy bác khách câu ao làng thả cá thế là được món hời, nhoằng cái được 6 con cá, nhưng mà bé tẹo. Mình không hiểu làm sao, đêk câu được cá, câu được 1 con tôm to bằng 2 ngón tay. Có người cười hềnh hệc. Mình lại thấy vui vui, “chúng nó” câu được toàn cá manh mún, mình câu được hẳn con tôm. Thế mới độc!
Mong sao mình sẽ được nhận vào làm lần này. Chiều nay tự dưng tâm hồn treo ngược cành cây tâm sự với Phươngvip là giờ em mới hiểu “tự hành xác để tìm khoái cảm” nó là thế nào. Rồi 2 anh em cười phớ lớ. Có lẽ cũng là 5, 10 phút nhẹ nhõm nhất trong ngày..
Một năm sau. Không những được nhận vào vị trí ứng tuyển, mà do hoàn cảnh xô đẩy, tác giả bài viết còn trở thành một trong hai người chịu trách nhiệm chính của toàn bộ dự án về mọi mặt, từ giấy tờ pháp lý, đến thực hiện hoạt động, kiêm cả trông xe, rửa bát, và đi đưa rau..
05/01/2013
Thỉnh thoảng mình hay mè nheo kêu ca rằng sao bạn bề của mình cứ làm những cái nghề nghiệp na ná nhau, ko các kiểu NGO thì ngân hàng, kế toán, kiểm toán, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán, du lịch, v.v. , rằng sao mình ko quen ai mở cửa hàng bán rau, làm thu ngân siêu thị, cắt xẻ thịt lợn gà cá mú ở Metro, bán gà rán KFC, làm lính cứu hỏa, thợ bảo dưỡng thang máy, lái xe chuyển phát nhanh, v.v. còn rất nhiều ngành nghề nữa. Kêu chỉ vì ko còn gì để kêu vậy thôi :’( còn tất nhiên mình biết ơn vì được sinh ra và lớn lên trong một tầng lớp xã hội mà bạn bè của mình đều làm những ngành nghề có thu nhập tốt và được xã hội tôn trọng.
Đúng là “ước của nào trời trao của ấy”, năm 2012 vừa rồi đã cho mình một trải nghiệm nghề nghiệp mới, đấy là trải nghiệm làm người bán rau. Bloom thực hiện một dự án thí điểm về hỗ trợ kết nối thị trường cho phụ nữ-nông dân sản xuất nhỏ, can thiệp vào một số quy luật thị trường để tạo ra 1 thị-trường-vì-người nghèo, thay vì “thị trường tự do” nơi cá lớn nuốt cá bé. Nói 1 cách học thuật là vậy, nói nôm na thì mình đi bán rau.
Thời gian đầu cứ sáng thứ 7 lại lóc cóc đi Sóc Sơn để cùng thu hoạch rau củ. Len lỏi qua giàn chọn hái cà chua, cắt đậu cove, đào khoai tây, cắt su hào, bắp cải, súp lơ, vào chuồng vịt đi tìm trứng vịt đẻ vung vãi khắp nơi, v.v. Hào hứng có, vui có, lo lắng có, mệt có, đau cổ, đau lưng, đau tay đủ cả. Ở Hà Nội lúc đi gặp khách hàng tiềm năng cũng đủ các tâm trạng, vui có, buồn có, thấp thỏm có, bực tức có, nhục cũng có…
Có lần 1 khách người Việt qua điện thoại nói chuyện với mình nói năng rất thiếu tôn trọng, đến lúc gặp câu đầu tiên thốt lên: “Ôi em gái xinh đẹp trẻ trung thế này à?”, rồi mời vào uống nước hỏi han cứ như thân nhau lắm. Chẳng liên quan gì cả, chẳng phải vì mình xinh đẹp hay trẻ trung gì, mà chỉ đơn giản là mình khác hình ảnh “con bán rau tèm lem bẩn thỉu, quần ống thấp ống cao” mà cô ấy mường tượng để quy ra cách ứng xử.
Đấy ko phải là lần đầu tiên cũng ko phải là lần duy nhất mình nhận được sự đối xử người ta vẫn để dành cho những người bán rau, bán cá ngoài chợ. Mình vẫn luôn nghĩ đến trải nghiệm đi bán rau như một trải nghiệm “nhọc nhằn tuyệt vời”, vì ngoài bài học về kinh doanh, về quan hệ khách hàng, về thị trường nông nghiệp, thì nó đang và sẽ mãi mãi làm thay đổi thái độ và cách ứng xử của mình với những con người làm việc gần với đất ấy. Đừng bao giờ cho mình cái quyền chỉ vì làm người mở-ví-trả-tiền để được hạ thấp người khác.
Những người trẻ cứ thích “hành xác để tìm khoái cảm” nó là như vậy đấy 🙂
Ly Trần
Thông tin thêm về dự án bán rau
Leave a Reply