Ngày mới đi du học về, gặp lại ai dù là người thân hay bạn bè mình cũng đều được “chào” bằng 3 câu cơ bản:
1. Dạo này béo lên/gầy đi à?
2. Có người yêu chưa?
3. Đi làm ở đâu chưa?/ Bố xin cho vào đâu chưa? Lương tháng bao nhiêu?/ Tháng được mấy nghìn?
Chẳng thích gì nhưng hồi ấy cứ hay tặc lưỡi bảo kệ, lâu ngày gặp thì người ta hỏi thế, người ta có quan tâm thì người ta mới hỏi thế…
Nhưng rồi cũng sớm nhận ra những câu hỏi ấy không chỉ dành cho mình vì mình mới đi học xa về, cũng không phải hỏi vì lâu ngày gặp thì hỏi, mà nó thực ra là một thói quen, một văn hóa của người Việt. Một nét văn hóa rất trực diện, trực diện đến mức hời hợt.
Mình mới chỉ sống ở Canada nên chưa dám bao quát các nước khác. Riêng ở Canada, đây là những câu hỏi người ta hết sức tránh hỏi nhau. Người ta không bao giờ mở đầu một cuộc trò chuyện bằng những câu hỏi này. Vấn đề cân nặng, hình thức, vấn đề thu nhập là những vấn đề rất riêng tư mà ai ai cũng đã tự ý thức quá thường xuyên và quá đủ rồi chứ không cần phải ai hỏi đến thì mới nghĩ đến. Nếu những vấn đề này được đề cập đến chỉ là giữa những người rất thân hay trong những tình huống rất đặc biệt. Và thực sự nếu muốn biết những thông tin này, có những cách khác để biết, chỉ cần một ít não.
Chép lại kỉ niệm
1. Một buổi sáng tinh mơ tháng 9, sau kỳ nghỉ hè hơn 1 tháng ở Việt Nam, mình sang đến Toronto để tiếp tục đi học. Bạn mình đón ở sân bay, gặp mình sau hơn 1 tháng, câu đầu tiên bạn thốt lên:
Wajma: You look so contented and recharged! (Bạn trông rất tự tại và đầy năng lượng!)
Ly: Really? How so? (Thật á? Như thế nào cơ?)
Wajma: I don’t know. There is something abot you that says you have been happy! (Tớ cũng không biết, nhưng có điều gì đó ở bạn toát lên rằng thời gian qua bạn rất vui vẻ!)
Ly: I am. (Đúng là thế đấy)
Mình cực kỳ bất ngờ và trên suốt dọc đường từ sân bay về ký túc xá, mình cứ nghĩ mãi rằng hình như cả đời mình chưa có ai gặp lại mình mà tặng mình một lời bình luận giản dị và thỏa mãn đến như thế. Bình thường nếu ở Việt Nam chắc chắc sẽ có người mở màn bằng câu bình luận xem mình béo lên hay gầy đi hay trắng ra hay đen như ma..
Sau mấy năm sống ở Canada, mình đã quen với nét văn hóa này và mình cũng ủng hộ nét văn hóa này. Không phải vì nó “Tây” mà vì nó đề cao những giá trị khác đáng được đề cao.
Mỗi lần được hỏi những câu trên hay vô tình nghe thấy người ta hỏi nhau những câu trên, mình đều muốn hỏi ngược lại xem tại sao người ta không hỏi mình/nhau những câu như:
- Công việc của mình là làm những gì? Có thích không? (thay vì lương mình bao nhiêu)
- Dạo này mình đã biết tự quản lý chi tiêu chưa? Về Hà Nội có thấy sống đắt đỏ khó sống không? (thay vì lương mình bao nhiêu)
- Dạo này trông mình tươi/xinh/buồn/lo lắng/… thế? (thay vì trông mình gầy đi hay béo lên)
- Dạo nay mình có tập môn thể thao gì không? (thay vì trông mình gầy đi hay béo lên)
- Dạo nay mình có hay đi chơi với bạn bè cũ không? Có quen biết thêm bạn bè mới hay ho không? (thay vì mình có người yêu chưa)
- v.v.
Lần nào mình cũng tự hỏi rằng nếu người ta thực sự quan tâm đến mình, tại sao người ta không hỏi để biết mình có hạnh phúc hay không, có đang tiếp tục theo đuổi đam mê của mình hay không, có hài lòng với công việc và cuộc sống hiện tại của mình hay không, có được những người bạn tốt và cùng chí hướng hay không, v.v.
Mình nói ra những điều này vì nhiều lúc thấy lo lo…Thấy người lớn cứ hồn nhiên bàn tán những điều này, nhiều khi là trước mặt trẻ con, nhiều khi là về trẻ con nữa. Người lớn người bé, cứ tự tiêm nhiễm vào đầu nhau, lúc nào cũng chỉ quẩn quanh mấy cái chuyện béo gầy, nhiều tiền ít tiền, vô tình tiếp tục nuôi dưỡng cả 1 thế hệ đi theo cái lối văn hóa ấy, hoặc là luôn ám ảnh về hình thức, hoặc là sống trong nỗi tự ti về hình thức, nhìn chung là các giá trị đảo lộn hết cả…
Chép lại kỉ niệm (tiếp)
2. Mình nhớ có lần đi làm việc ở 1 thôn mới với 1 chị người Đức đồng nghiệp, mấy cô ở dưới thôn ngồi túm năm tụm ba lại chỉ trỏ cười sảng khoái với nhau bảo: “cháu hỏi con Tây kia xem nó ăn gì mà béo đến thế nhể? Béo phì rồi í nhể?”. Chị ấy thấy mọi người chỉ rồi cười bèn quay sang hỏi mình xem mọi người nói gì.
Mình nghĩ: Cháu lạy cô, cô cười nó đã đủ rồi, cô lại còn bảo cháu hỏi nó nữa thì cháu chịu cô rồiiiii
Mình đáp: Các cô ấy bảo chỉ mong được cao lớn như chị…
Những chuyện như thế này xảy ra hơn 1 lần rồi. Là người ở giữa 2 thế giới, và là người duy nhất trong cuộc hiểu chuyện gì đang diễn ra, mình bối rối lém… hí hí
3. Có lần ngồi với mấy đứa bạn cũng đi du học về, bọn mình đùa nhau bảo: Sao ở bên kia thì thấy mình cũng bình thường mà cứ về đến Việt Nam vẫn từng ấy chiều cao cân nặng mà lúc nào cảm giác mình như béo phì ấy…
Chẳng biết nam giới thế nào chứ phụ nữ hầu hết đều nhạy cảm với vấn đề béo/gầy. Một câu nhận xét bâng quơ về cân nặng cũng có thể khiến các chị em suy nghĩ mãi. Bình thường chẳng cần ai hỏi đến cũng đã trăn trở chuyện béo/gầy rồi, đằng này ở Việt Nam lại được cái văn hóa “trực diện” nó tiếp sức, vác mặt ra đường là sẽ có người chê béo chê gầy.
Thành ra là bị ám ảnh, người nào hơi béo thì mong gầy, người nào gầy rồi thì mong gầy nữa vì thấy vẫn có đứa gầy hơi mình mà thế mới “hot”.
Thành ra lúc nào cũng trong trạng thái chưa hài lòng về hình thức của bản thân.
Rồi từ chưa hài lòng về hình thức, trở nên bất mãn về nội dung. Thành ra, xung quanh mình toàn những người bồn chồn vì phán xét của người khác, nên để trấn an bản thân, họ lại đi phán xét những người khác nữa.
Một vòng tròn luẩn quẩn. Chẳng có ai vui.
Ly Trần
TUNG VU says
cau chuyen cua ban rat hay, rat thuc te voi van hoa cua nguoi Viet. Minh cung dong y voi ban nhu vay,
co nhung cau hoi tranh truc dien voi nhung dieu rieng tu se la hay hon doi voi nguoi minh ko phai la than thiet.
phuong linh says
Cam on bai viet cua ban. Bai viet da phan anh rat chinh xac mit phan ve nhung dieu minh dang trai qua va cung dang loay hoay de doi mat
Béo says
Với vấn đề này, mình có 1 góc nhìn khác muốn được chia sẻ:
– Việt Nam vốn là nước thuần nông, 80% làm nông nghiệp. Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước, tới thời điểm này, mình không thấy có gì khó hiểu về những câu hỏi đại loại “béo/gầy? người yêu? lương?…”. Con người Việt Nam đã từng bị đẩy tới chỗ chỉ mơ mỗi ngày có được 1 bữa cơm độn no bụng là đã vui lắm rồi. Đời sống cũng chỉ dám quanh đi quẩn lại mấy câu hỏi đó.
Ngược lại, các bạn phương Tây đã qua thời kỳ đó rất lâu. Mình rất thích đọc truyện viết về thời xa xưa của các dân tộc, nhất là rất tò mò về các bạn phương Tây, nhận ra hầu hết mọi dân tộc đều phải đi qua rất nhiều đau thương để có thể tồn tại tới ngày nay. Chỉ có điều, họ trải qua những thời điểm đó trước chung ta rất lâu rồi, họ bước nhanh hơn Việt Nam 1 bước trên con đường phát triển (nếu không muốn nói là nhiều bước).
Không khó để nhận ra: câu hỏi của người Việt Nam là “có đủ sống không?”, còn câu hỏi của các bạn Canada là “có đang enjoy life không?”
– Quả thật những câu hỏi đó, bản thân mình cũng cảm thấy khó chịu khi bị “săm soi” quá nhiều vào đời tư. Không thích chút nào, nên mình cũng không làm vậy với người khác. Nhưng những điều như thế này lại không dễ để có sự thay đổi trong 1 xã hội, có lẽ nó đã là 1 phần trong văn hóa người Việt. Có quan tâm thì mới hỏi vậy…
Kết: mình chỉ muốn nói, tất cả những câu hỏi trên, về bản chất cũng chỉ là thể hiện sự quan tâm tới người đối diện thôi. Chỉ khác nhau về cách thể hiện 🙂 khác nhau về văn hóa. Đúng là shock văn hóa 🙂