1. Mỗi tuần một hoặc hai lần, bạn đeo kính râm to tướng, khẩu trang, áo chống nắng, đội mũ bảo hiểm có kính, nai nịt gọn gàng xé gió phi xe máy sang xã Nam Sơn huyện Sóc Sơn, nơi dự án bạn đang làm hoạt động. Con đường ấy bạn chia làm ba chặng: từ nhà lên cầu Thăng Long, từ cầu Thăng Long đến chỗ rẽ vào khu công nghiệp Nội Bài, và từ đó vào đến làng của những người phụ nữ bạn đang hỗ trợ.
Quãng đường khoảng hơn 40km bạn đi mất tiếng rưỡi ấy không bao giờ yên ả. Bạn thường đi sau những xe tải chở rác xanh lè, đi cạnh những xe tải chở đất cát nâu thẫm, những xe khách cháo lòng kẽo kẹt đầy chặt người, xe công nông phun khói đen sì, xe lam dặt dẹo chở vô thiên lủng trăm thứ lộn xộn, xe máy chở những mẹt gà, hoặc một người lái và một yên sau là gánh hàng khổng lồ của họ. Có những đoạn đường bụi đất bốc lên dày như sương mù, ô tô phải nhá đèn pha để ra hiệu cho người đối diện. Bạn lao vào những màn khói thải đặc quánh chát chát nơi cổ họng, đất đỏ rơi ra từ thùng xe, trộn lẫn với khói xám đốt rạ và bụi đường, chỉ cần một bánh xe kéo qua là tung lên như đến vô tận.
Mỗi lần đi đoạn đường đó nhưng ngồi trong ô tô, bạn lại cám cảnh cho những người đi xe máy và tự hỏi không hiểu làm thế nào mình đã vượt qua tất cả những điều ấy. Rồi chỉ vài ngày sau, bạn ra nhập tập đoàn những chiếc xe máy nhẫn nại dò dẫm trong màn bụi, khói, đất, bùn, mờ mịt trong những ngày nắng khi đất khô và bẩn thỉu trong những ngày mưa khi đất ướt. Không bao giờ hết khổ. Nhưng rồi bạn nghĩ đến những gia đình sống ở đó, ngoài bụi đất còn phải chịu đựng những tiếng còi inh tai từ hàng đoàn xe tải rầm rập suốt ngày đêm, thế là bạn lại nhủ nỗi khổ của mình cũng chưa lớn lắm.
2. Những cái hố to như một cái ao nhỏ trên đường, kết quả của vô số các chuyến xe tải trọng lớn diễu hành liên miên trên con đường đó, luôn làm bạn nghĩ đến sự ra đời của Thánh Gióng. Khi người anh hùng truyền thuyết đấy được thụ thai, mẹ ngài có ướm chân mình vào một dấu chân to như cái hố trên đường kia không? Con đường thủng lỗ chỗ ấy, và những lỗ thủng mỗi ngày một sâu và rộng hơn sau mỗi bánh xe tải nghiến qua, còn làm bạn nghĩ đến những người phụ nữ bạn vẫn gặp. Liệu có bao giờ những lỗ thủng trong cuộc đời họ được vá lại, dễ dàng như người ta đổ nhựa đường và mọi thứ sẽ trơn láng như chưa từng tồn tại? Hay đơn giản chỉ là họ quen với những vết thương há miệng ấy, và cứ thế sống bất chấp sự tồn tại của nó, và rồi tất cả cũng sẽ qua? Con cái họ sẽ lớn lên, và những thế hệ sẽ nối tiếp. Cũng như bạn cuối cùng cũng đến được nơi cần đến, dù đường có gồ ghề và lưng với gáy bạn đau như dần sau mỗi chuyến đi.
3. Khi người phụ nữ ấy nói với bạn về ba đứa con gái riêng của chồng đã bị bán sang Trung Quốc, và bây giờ hai đứa con trai của chính cô cũng sang Trung Quốc để tìm các chị cùng cha khác mẹ, rồi chốc chốc lại liếc nhìn đứa cháu ngoại đang tay ôm ghế tay ôm mèo, con rơi của một trong ba chị em gái kia, thằng nhóc 5 tuổi vẫn ở với cô vì mẹ đang ở trong trại còn bố không nhận về, nó vừa là niềm vui vừa là gánh nặng, bạn không biết chính xác cô đang cảm thấy gì, nhưng chắc chắn không phải tủi phận, đau đớn, than phiền hay buông xuôi.
Khi một người phụ nữ khác nói về ba đứa con, kết quả của ba người đàn ông, không phải là ba mối tình mà là ba lần tin tưởng và ba lần bị phụ bạc. Tất cả những người đấy đã khiến chị yêu họ, để lại cho chị một đứa con, và ra đi với một thứ tài sản gì đó chị chắt bóp được. Bạn đã ngồi biết bao buổi chiều như thế, nhìn nắng chiếu xiên qua mái nhà dột, xiên qua mảng thóc vàng rực đang phơi ngoài sân, nghe tiếng gà mẹ dẫn con đi bới ăn quanh vườn túc túc, và chứng kiến những mảnh đời diễn ra trước mắt như một cuốn phim quay chậm.
Những lỗ thủng hầu như luôn được tạo ra bởi những người đàn ông. Bởi sự vắng mặt của họ: họ ra đi quá sớm, họ rời bỏ người phụ nữ ấy để chạy theo cuộc hôn nhân mới, hoặc họ chỉ bước vào rồi bước ra, chưa bao giờ công nhận đứa con mình để lại, và cũng không bao giờ công nhận một người phụ nữ đã bị họ làm hư hoại. Bởi sự có mặt vô tích sự của họ: họ uống rượu, họ cờ bạc, họ không chịu làm ăn.
Và những người phụ nữ – những con đường, vẫn tiếp tục bị làm thủng bởi những chuyến xe tải sầm sập lăn bánh để đến nơi họ muốn đến – cho dù việc đấy có làm những lỗ thủng ngày càng ngoác miệng rộng hơn.
4. Nhưng ngoài những vết thủng, con đường đi làm của bạn còn có những mảng mặt hồ lóng lánh ánh nắng, rập rờn cánh cò trong mùa lúa chín, và những mảnh màu xanh quẫy đạp. Có một điều gì đó rất quật cường trong màu xanh ấy, vì nó không chịu khuất phục những mảng bụi đất dày cộp bám vào do xe tải hất lên, và thách thức cả những nhà máy, xí nghiệp quanh đấy đang mở rộng và đe dọa sự tồn tại của ruộng đồng. Qua nắng, qua mưa, màu xanh đấy biến đổi nhưng không bao giờ biến mất, hết lúa lại đến ngô, rồi lạc, rau cải, sắn. Và con đường ấy đẹp, có lẽ vì màu xanh kia vẫn hiên ngang vươn lên, bất chấp bụi đất. Và bạn thấy được xoa dịu, bất chấp cánh tay, bắp chân, bả vai và cái gáy tê điếng. Và những người phụ nữ bạn gặp, vẫn sống và mang lại sự sống, bất chấp những nỗi đau.
Leave a Reply